Bảo vệ trẻ em - trách nhiệm của toàn xã hội
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ban, ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em, UBND xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi đã triển thực hiện nhiều chương trình hành động về tăng cường hiệu quả công tác quản lý về trẻ em, lan tỏa thông điệp xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại và tai nạn thương tích.
Theo báo cáo đến năm 2024, toàn xã Ngọc Chánh có 2.007 trẻ em dưới 16 tuổi (nam 1.059 trẻ, nữ 948 trẻ); số trẻ dưới 6 tuổi là 716 trẻ và được cấp thẻ Bảo hiểm y tế 100%. Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 348 trẻ, trong đó ó 33 trẻ em khuyết tật (khuyết tật đặc biệt nặng là 9 trẻ, khuyết tật nặng là 24 trẻ); trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo là 316 trẻ (đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 33 trẻ).
Ông Đặng Văn Suôl, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh, cho rằng: “Xác định công tác bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm nên từ đầu năm, đơn vị đã từng bước cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch từ tỉnh, huyện và triển khai kịp thời, đầy đủ. Ngọc Chánh là địa phương vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn nên đời sống, môi trường học tập, rèn luyện của trẻ em nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Do vậy, chúng tôi luôn tích cực vận động, tuyên truyền gia đình, nhà trường chung tay cùng xã hội hỗ trợ trẻ em, cụ thể là: phòng ngừa đuối nước, tai nạn thương tích, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em”.
Để làm tốt công tác này, UBND xã phối hợp với các đơn vị, đoàn thể liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn xã để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác trẻ em về kỹ năng quản lý và tổ chức các chương trình, kế hoạch, mô hình về bảo vệ chăm sóc trẻ em; kiến thức về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn tại các công trình xây dựng và bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.
“Trên cơ sở đó, UBND xã chủ động triển khai tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt ấp; các điểm trường học, trạm y tế xã hoặc lồng ghép chương trình phổ biến pháp luật. Cảnh báo các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của trẻ em, kêu gọi gia đình, nhà trường hãy quan tâm hơn đến trẻ em dù là những vấn đề nhỏ nhất, để cùng cộng đồng xã hội bảo vệ trẻ em một cách an toàn nhất”, ông Suôl nhấn mạnh.
Gia đình anh Lê Hải Huỳnh ở ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh có 2 con dưới 16 tuổi. Anh Huỳnh cho biết: “Từ các thông tin trên báo, đài và cán bộ tuyên truyền tại buổi sinh hoạt ấp, gia đình tôi hiểu và rất quan tâm đến sinh hoạt, học tập của các con. Vùng này là vùng sông nước nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ nên tôi đã tập bơi và hướng dẫn các con tránh đi vào những nơi vắng người hay đường sông lớn. Tôi luôn quan tâm và dạy bảo các con kỹ năng tự bảo vệ bản thân”.
Xây dựng và rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình là rất cần thiết, giúp các em chủ động xử lý những tác động xấu và nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm đến việc xây dựng môi trường sống, môi trường giáo dục lành mạnh để các em phát triển toàn diện.
Em Dương Bảo Châu, ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh, chia sẻ: “Thường thì mỗi hè, hay lúc rãnh, cha con tập bơi cho con. Cha cũng dặn không được đi chỗ vắng vẻ, hay sông nước mà không có người lớn. Rồi không được tự ý bơi khi không có nười lớn quan sát nữa”.
“Ngoài những thuận lợi của địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em, thì địa phương còn gặp nhiều khó khăn từ khách quan đến chủ quan. Do là vùng bãi ngang ven biển nên hoạt động vui chơi giải trí dành cho trẻ em chưa được đầu tư, còn phân tán. Bên cạnh đó, do đời sống người dân nơi đây còn khó khăn, nên nhiều gia đình chưa quan tấm đến chuyện học hành, không chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho con cái. Vì vậy, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thiếu sự liên kết chặt chẽ”, ông Suôl, cho biết thêm.
Để công tác bảo vệ trẻ em có chiều sâu, và sức lan tỏa, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và cả cộng đồng xã hội. Với trẻ em trong độ tuổi dưới 16, các em rất cần những định hướng đúng đắn, những trang bị kiến thức kịp thời để tự bảo vệ mình và có kỹ năng cơ bản phòng tránh xử lý những tình huống, nguy cơ mất an toàn. Trên những chính sách đã ban hành, thiết nghĩ từng địa phương cần chủ động quan tâm hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả nhằm phòng trách những tổn thương có thể gây ra cho trẻ em./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-ve-tre-em-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi-a34142.html