Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Giải pháp từ thực tiễn

Khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, các nhà trường,

Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) tại buổi tập huấn “Vai trò của Tổng đài 111 trong công tác bảo vệ trẻ em”. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) tại buổi tập huấn “Vai trò của Tổng đài 111 trong công tác bảo vệ trẻ em”. Ảnh: NTCC

Khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, các nhà trường, ngành Giáo dục địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, giúp các em tự bảo vệ mình.

Nâng cao nhận thức

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn trên không gian mạng là giải pháp quan trọng được triển khai. Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, ngành GD-ĐT huyện đã triển khai đồng bộ, kịp thời tới 100% trường học trên địa bàn huyện về Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 -2025”.

Ngành Giáo dục cũng tăng cường kiến thức cho học sinh, giáo viên, phụ huynh về an toàn trên mạng; trang bị kỹ năng sử dụng Internet an toàn, tránh các nguy cơ bị lừa đảo, xâm hại, bắt nạt trực tuyến… Cùng đó, phòng ngừa rủi ro thông qua xây dựng môi trường học tập an toàn với hệ thống quản lý, giám sát hoạt động trực tuyến của học sinh (nếu có); thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng về an ninh mạng trên địa bàn để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan.

Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo nhà trường thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, truyền thông với việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về an toàn mạng; phối hợp với công an xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn, an ninh mạng; giáo dục lồng ghép một cách phù hợp nội dung bảo vệ trẻ em vào các môn học như Tin học, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp…

“Ngoài giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các trường cũng được yêu cầu tập trung xây dựng môi trường học tập an toàn; khuyến khích học sinh chia sẻ, báo cáo các hành vi bất thường qua hộp thư góp ý hoặc tin nhắn…

Công tác tập huấn giáo viên về công nghệ thông tin, kỹ năng tư vấn tâm lý cho học sinh, đặc biệt việc kịp thời phát hiện, giúp học sinh xử lý các vấn đề an toàn mạng được quan tâm. Cùng đó, phối hợp với cha mẹ trong việc giám sát con em tại nhà khi sử dụng môi trường mạng”, ông Phạm Văn Ngát chia sẻ.

Liên quan đến giải pháp tăng cường nâng cao nhận thức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đến từng trường, lớp học, địa phương; giáo dục, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng trẻ trên môi trường mạng.

Đồng thời, đa dạng đối tượng tuyên truyền; triển khai các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, nhà báo chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình.

Tăng cường các chương trình truyền thông rộng rãi thông qua mạng xã hội, báo chí. Tiến tới xây dựng thư viện học liệu trực tuyến về an toàn mạng. Xây dựng cụ thể mô hình, quy chế quản lý việc dạy học trực tuyến và hướng dẫn cho nhà trường, giáo viên về bảo đảm an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục.

Tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), theo thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng, nhà trường phổ biến thường xuyên, kịp thời những tài liệu, bài viết, cảnh báo, biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn của cơ quan chức năng, báo đài đến giáo viên, học sinh.

Trường khuyến khích, động viên viên chức, người lao động, học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu an toàn, an ninh mạng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Tạo các trang thông tin chính thức của trường để học sinh hoạt động, đồng thời ngăn chặn hoạt động không phù hợp, nhắc nhở và giáo dục các em kịp thời.

Không chỉ cán bộ quản lý, giáo viên mà học sinh nhà trường cũng được cử tham gia các hội thảo, lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng. Ngoài ra, hằng năm, nhà trường phối hợp với công an thành phố, quận tuyên truyền phổ biến Luật An ninh mạng, các giải pháp đảm bảo an toàn khi tham gia môi trường mạng cho toàn thể viên chức, người lao động, học sinh.

 Chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” tại Trường THCS - THPT Chu Văn An (Phú Yên). Ảnh: Website nhà trường

Chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” tại Trường THCS - THPT Chu Văn An (Phú Yên). Ảnh: Website nhà trường

Huy động lực lượng giám sát, tăng cường năng lực giáo viên

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cũng cho biết, tất cả viên chức, người lao động nhà trường đều thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của học sinh trên các mạng xã hội và phản ánh cho lãnh đạo trường, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên những vấn đề có liên quan.

Lãnh đạo trường trực tiếp tiếp nhận phản ánh thông qua tin nhắn trên fanpage trường, Zalo cá nhân về tâm tư, nguyện vọng, hoạt động của các em trên môi trường mạng. Trên cơ sở đó, lãnh đạo trường có giải pháp, biện pháp xử lý cụ thể. Những trường hợp vi phạm pháp luật trên môi trường mạng đều được nhà trường chủ động báo cáo, phối hợp với công an quận xác minh, xử lý nhằm bảo vệ học sinh.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng đề xuất, Chính phủ cần đầu tư hệ thống an ninh mạng thông minh, tự động nhằm chủ động ngăn ngừa thông tin xấu độc trên mạng xã hội; xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật An ninh mạng để tạo môi trường mạng an toàn cho mọi người dân, nhất là trẻ em.

Chia sẻ giải pháp, cô Lương Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Ea Kar, Đắk Lắk) thông tin, nhà trường đã tuyên truyền về an toàn trên không gian mạng cho học sinh trong các buổi sinh hoạt tập thể; kết hợp với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên quan tâm nhắc nhở học trò cách sử dụng Internet an toàn, nhận diện nguy cơ và cách xử lý tình huống; hỗ trợ để học sinh có thể báo cáo các vấn đề liên quan đến an toàn mạng...

Trong các môn học, giáo viên tích hợp, liên hệ giáo dục về an toàn mạng, giúp học sinh nhận thức rõ nguy cơ và cách bảo vệ bản thân. Trong môn Tin học, giáo viên kết nối tất cả máy tính của học sinh với máy chủ để giám sát quản lý các em trong quá trình tham gia học môn này tại trường.

Từ thực tiễn, cô Lương Thị Hồng mong muốn có chương trình tập huấn cho giáo viên về an toàn mạng để thầy cô có thể hướng dẫn, hỗ trợ học sinh hiệu quả hơn. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn mạng cho trẻ em.

Từ thực tiễn triển khai tại huyện Thanh Trì, ông Phạm Văn Ngát đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan tới trẻ em trên mạng; cung cấp nguồn kinh phí thường xuyên để đầu tư cơ sở vật chất, phần mềm giám sát, hệ thống tường lửa cho các nhà trường.

Nhấn mạnh việc hợp tác kịp thời, thường xuyên, ông Phạm Văn Ngát cho rằng, cần tăng cường phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, người dân trong bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng. Nên thành lập đường dây nóng hỗ trợ trẻ em miễn phí về an toàn mạng.

Các nhà trường tiếp tục triển khai, nâng cấp giải pháp kỹ thuật tại trường học nhằm giám sát, chặn, lọc truy cập nội dung vi phạm pháp luật, nội dung không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi.

Đặc biệt quan tâm đến giải pháp tăng cường năng lực giáo viên, ông Phạm Văn Ngát đề xuất tổ chức tập huấn định kỳ cho giáo viên về kỹ năng giảng dạy an toàn mạng. Bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ, giáo viên về hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng. Phát triển đội ngũ tư vấn học đường chuyên sâu trong trường học (hiện nay chỉ là giáo viên kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian, chưa chuyên sâu về nghiệp vụ, chuyên môn).

“Gia đình cũng cần phối hợp với nhà trường trong thiết lập các quy tắc về việc sử dụng máy tính, thiết bị mạng cho trẻ em. Cần quy định thời gian sử dụng; trang bị giải pháp và phương tiện bảo vệ an toàn thông tin cho gia đình, như các phần mềm phòng chống mã độc, virus; các giải pháp chặn/lọc thông tin xấu, giám sát và ngăn chặn thông tin độc hại khi con cái truy cập mạng...

Đồng thời, cha mẹ và nhà trường thường xuyên trang bị kỹ năng an toàn trên môi trường mạng cho trẻ, giúp trẻ biết tự bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh trên không gian mạng, không để xảy ra các sự việc đáng tiếc”, ông Phạm Văn Ngát đề xuất thêm.

 Chuyên đề “Giáo dục kỹ năng sống bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” tại Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường

Chuyên đề “Giáo dục kỹ năng sống bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” tại Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường

Đồng bộ giải pháp

Nhằm giúp học sinh tự bảo vệ mình trên không gian mạng, bà Đào Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang chia sẻ 6 giải pháp sở sẽ triển khai đồng bộ trong thời gian tới.

Thứ nhất, rà soát, nghiên cứu và tham mưu, đề xuất với các cấp quản lý ban hành, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác trang bị kiến thức, kỹ năng để học sinh tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp với sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ an ninh thông tin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.

Thứ hai, tăng cường chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh theo hướng đổi mới về hình thức, đa dạng về nội dung, phương pháp, tích hợp, lồng ghép thông qua chuyên đề môn học và hoạt động giáo dục.

Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”; Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng đến năm 2025”; Quy chế quy định sử dụng mạng xã hội đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, kiên trì thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh; chú trọng công tác quản lý, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân cho học sinh. Kết hợp hài hòa “dạy chữ”, “dạy người” và “dạy nghề”; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, mô hình giáo dục lý tưởng trên không gian mạng tại nhà trường. Phát huy hiệu quả các đường dây nóng, hòm thư góp ý, tổ dư luận, công tác xã hội để kịp thời giúp đỡ học sinh đối phó tình huống bạo lực, mất an toàn, đặc biệt trên môi trường mạng.

Thứ tư, chỉ đạo các nhà trường tăng cường hoạt động của hội cha mẹ học sinh, phối hợp với nhà trường, đoàn thể, chính quyền để quản lý, giáo dục, rèn luyện giúp học sinh học tập tốt, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội.

Nhà trường cần tư vấn cha mẹ học sinh làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm soát con, em sử dụng phương tiện công nghệ để khai thác thông tin trên mạng xã hội; luôn gắn bó, quan tâm, chia sẻ với các em để hiểu và có định hướng đúng đắn. Phụ huynh cũng cần tự trang bị, nâng cao kiến thức về công nghệ số để kịp thời nắm bắt, đồng hành cùng trẻ.

Các cơ sở giáo dục lồng ghép nội dung giáo dục an ninh mạng vào quá trình giảng dạy, tạo dựng môi trường học tập trực tuyến an toàn, hiệu quả; tăng cường phối hợp để làm tốt công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục an ninh mạng; cung cấp tài nguyên và hỗ trợ tối đa các nhà trường, phụ huynh trong giáo dục về an ninh mạng cho học sinh. Phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức đoàn thể trong nhà trường, của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm…

Thứ năm, tiếp tục duy trì, thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử, quy định sử dụng mạng xã hội đối với học sinh trong cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống; đối xử văn minh với học sinh, tạo niềm tin và môi trường học tập lành mạnh trong nhà trường.

Sở GD&ĐT phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường quản lý an ninh trật tự, đánh giá xếp loại thi đua, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, nhất là lợi dụng lôi kéo học sinh vi phạm pháp luật thông qua Internet, mạng xã hội.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý, dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Triển khai đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông. Tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp độ về an toàn thông tin theo quy định…

Bên cạnh nhiều tiện ích, Internet, mạng xã hội đã gây ra những hệ lụy không tốt, khó lường, đặc biệt những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, nói xấu chế độ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng...

Khi tham gia trên không gian mạng, nếu học sinh không có đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được chính mình, dễ bị dụ dỗ, sa ngã vào con đường tội phạm, bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng tham gia vào hành vi vi phạm pháp luật. - Bà Đào Thị Hường (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang)

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-giai-phap-tu-thuc-tien-post715634.html