Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội
Sự phát triển của Internet, mạng xã hội (MXH) đã giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau và tiếp cận nhiều nguồn thông tin, nâng cao hiểu biết,... Bên cạnh nhiều tiện ích, MXH cũng tiềm ẩn những mặt trái, tiêu cực, tin giả. Đặc biệt, những mối rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn đó rất dễ ảnh hưởng, tác động đến trẻ em.
Trẻ em dễ bị tác động bởi những mặt trái của mạng xã hội
Thời gian qua, không ít bạn đọc phản ánh về việc trên các ứng dụng, diễn đàn, MXH, kênh video,... trên Internet xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh “gắn mác” dành cho trẻ em nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm, lời lẽ khá thô lỗ, tục tĩu, bạo lực, mê tín,... Thậm chí, có trường hợp trẻ em sử dụng MXH vào mục đích nói xấu, chế giễu, chửi bới, hăm dọa, thách thức, quay clip bạo lực, đánh nhau đăng lên mạng.
Chị Nguyễn Thị Thúy An (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) có 2 con đang học tiểu học và THCS. Trước những mặt trái của MXH, chị cũng lo lắng vì sợ các con bị ảnh hưởng, bắt chước những cái xấu, không hay trên MXH. “Mạng ảo nhưng hậu quả thật, điều này không chỉ là cảnh báo mà thời gian qua đã xảy ra trong thực tế. Đã có những trẻ em trộm cắp, gây thương tích khai báo là do bị kích thích và bắt chước, làm theo các video, clip trên mạng. Cũng có những trẻ vị thành niên rơi vào ma túy, bỏ học, đua đòi, chơi bời lêu lỏng bởi vì kết giao với những người bạn xấu trên MXH,...” - chị An lo lắng.
Còn theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, qua MXH, trẻ em cũng có thể tiếp cận với thông tin giả, bị bắt nạt; lộ thông tin cá nhân; bị gạ gẫm xâm hại tình dục; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu, độc hoặc nội dung lừa đảo.
Tháng 6/2021, chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện theo chương trình này, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.
Mục tiêu đề ra là đến năm 2025, có 100% các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu.
Tỉnh phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý. Đồng thời, thực hiện chương trình cũng cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho trẻ em, triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em quản lý việc sử dụng ứng dụng, dịch vụ của trẻ em.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Bảo vệ trẻ trên không gian mạng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các cấp, các ngành tăng cường triển khai các sân chơi bổ ích cho trẻ em tham gia. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt, các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện tốt công tác bảo vệ thông tin, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em trên MXH; có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng.
“Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, xóa và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng” - bà Nguyệt nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hồng Phúc, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cấp, các ngành và gia đình để trang bị các kiến thức về sử dụng MXH an toàn cho học sinh. Từ đó, giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, sử dụng một cách thiết thực, hiệu quả phục vụ học tập và cuộc sống.
Ông Lê Văn Lâm (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) cho rằng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cứ cấm đoán các em kết nối, sử dụng mà cần có giải pháp hỗ trợ tương tác lành mạnh, sáng tạo. Đồng thời, các cấp, các ngành, trường học, gia đình cần tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục truyền thống cho trẻ em,...
Chiều 01/6/2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh, tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để tạo sự bình đẳng về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí cho các em và đặc biệt quan tâm đến các em có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, ông kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-xa-hoi-a137129.html