Bảo vệ và khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tập trung chỉ đạo nhiệm vụ phát triển KT-XH và thu được nhiều thành quả quan trọng. Để làm rõ kết quả cũng như những chủ trương, giải pháp lớn của tỉnh trong thời gian tới, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bắc Giang.
Tỉnh ủy Bắc Giang đã có những biện pháp gì để bảo vệ và khuyến khích những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, cũng như chấn chỉnh, xử lý những cán bộ sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, thưa đồng chí?
Đảng bộ tỉnh Bắc Giang luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, then chốt hàng đầu để bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, mang đến những cơ hội mới, song cũng làm phát sinh nhiều áp lực, thách thức mới, đặt ra yêu cầu cao hơn trong công tác cán bộ. Bên cạnh những yêu cầu mang tính nền tảng về phẩm chất, trình độ, năng lực, cán bộ trong giai đoạn hiện nay cần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để vừa động viên, khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vừa tăng cường chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ tư tưởng trì trệ, nhất là tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trọng tâm là:
Thứ nhất, tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng quan điểm chỉ đạo của Trung ương, nhất là tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương đó trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp về công tác cán bộ, tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp.
Thứ hai, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất người đứng đầu trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Quán triệt sâu sắc phương châm “mọi khó khăn, vướng mắc đều phải có hướng tháo gỡ và phải được tháo gỡ kịp thời” trong toàn Đảng bộ tỉnh. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền thì phải tích cực, chủ động giải quyết; những nội dung vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, đề xuất cấp trên chỉ đạo giải quyết; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để vướng mắc, tồn tại kéo dài và không kịp thời báo cáo, đề xuất.
Thứ ba, chú trọng tạo dựng môi trường làm việc để cán bộ, công chức phấn đấu, cống hiến. Động viên, khuyến khích cán bộ, công chức tích cực đề xuất, triển khai ý tưởng, sáng kiến mới nâng cao hiệu quả công tác. Đối với những nội dung chưa có đủ hành lang pháp lý đưa ra bàn, thảo luận kỹ lưỡng trong tập thể, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trước khi thực hiện nhằm bảo vệ cán bộ nếu kết quả không như mong đợi.
Thứ tư, kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy định, bổ sung tiêu chí kết quả sản phẩm nổi trội trong quá trình công tác khi xem xét đề bạt, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ. Thường xuyên chỉ đạo, chấn chỉnh, rà soát, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, tư tưởng làm việc cầm chừng, sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”.
Nhờ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ những biện pháp nêu trên; tư duy, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã có chuyển biến tích cực; nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo đã được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực; cơ bản khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển địa phương.
Sau hơn 10 tháng hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa đồng chí?
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; chỉ đạo ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, chương trình công tác để Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2022 (đúng 1 tháng sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 67-QĐ/TW).
Sau hơn 10 tháng hoạt động, Ban Chỉ đạo tỉnh đã luôn bám sát, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bám sát chương trình công tác, duy trì thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ được phân công; trong đó đã tổ chức gần 30 cuộc làm việc nắm tình hình công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Qua đó giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về yêu cầu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo tỉnh đã rà soát, đưa nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế vào diện Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo; thường xuyên nắm tình hình để kịp thời cho chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để đẩy nhanh tiến độ các vụ án. Một số vụ án, vụ việc đã xử lý nhanh chóng, bảo đảm quy trình chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội... Qua đó đã lan tỏa, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây tỉnh Bắc Giang rất quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã đạt được những kết quả rất tích cực về thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt chỉ số PCI năm 2022 đứng thứ 2 cả nước. Xin ông cho biết yếu tố chính để có được những kết quả ấn tượng đó?
Tỉnh Bắc Giang luôn xác định định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển địa phương. Điều này đã được khẳng định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ gần đây; Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa, ban hành nhiều nghị quyết, văn bản lãnh đạo về nội dung này; gần đây nhất là Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song tỉnh Bắc Giang tiếp tục có bước phát triển khá tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước (năm 2022 đạt 19,3% đứng thứ 2 cả nước; quý I/2023 đạt 8,4%, đứng thứ 8 cả nước); quy mô GRDP vươn lên vị trí thứ 13 cả nước; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, chỉ số PCI năm 2022 đứng thứ 02/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính Par Index đứng thứ 04/63 tỉnh, thành phố; thu hút đầu tư FDI luôn duy trì trong tốp 10 cả nước... Có được những kết quả này, theo tôi có một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, tỉnh đã tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đặc biệt, đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt và khát vọng phát triển trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Thứ hai, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, sát thực tiễn; tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để tạo khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác và phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Thứ ba, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp; xác định người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, chủ thể phục vụ, vừa là mục tiêu, động lực phát triển. Luôn quan tâm, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; chuyển đổi tư duy từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”, xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân; kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ, công chức năng lực hạn chế, có hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ.
Có thể nói, đây là 4 yếu tố cơ bản đã mang đến những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, được nhân dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao; qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, tỉnh luôn xác định đây mới chỉ là kết quả bước đầu và cần phải tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong thời gian tới để duy trì nhịp độ phát triển nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.