Bảo vệ và lắng nghe trái tim

Ê kíp can thiệp thuộc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên can thiệp mạch vành cho một bệnh nhân (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Từ năm 2000, ngày 29/9 hàng năm được Liên đoàn Tim mạch thế giới và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là ngày Tim mạch thế giới, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch.

Theo WHO, bệnh tim mạch là do các rối loạn của tim và mạch máu, bao gồm bệnh mạch vành - nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Nhờ sự phát triển của y học, việc điều trị bệnh tim mạch đã có những bước tiến lớn, bao gồm điều trị bệnh mạch vành (bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim) với biến chứng nhồi máu cơ tim cấp - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới.

Sau bước ngoặt là… trăn trở

Tại Phú Yên, trước đây, việc điều trị bệnh mạch vành - nhồi máu cơ tim cấp chỉ có sự lựa chọn duy nhất là dùng thuốc tiêu sợi huyết (thuốc làm tan huyết khối gây hẹp, tắc mạch vành), nếu không có chống chỉ định; tỉ lệ thành công không cao, chỉ khoảng 60-65%. Ngày 24/12/2016, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp khánh thành và đi vào hoạt động. Với sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có bước ngoặt khi triển khai một phương pháp điều trị tái tưới máu cơ tim tiên tiến: can thiệp mạch vành qua da. Điều này mở ra cơ hội cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp sớm, giảm tối đa vùng cơ tim bị hoại tử do không có máu tưới, giảm tỉ lệ suy tim và giảm tỉ lệ tử vong.

Sau hai năm được Bệnh viện Thống Nhất chuyển giao kỹ thuật, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên bắt đầu thực hiện các ca can thiệp cấp cứu. Tính đến nay, ê kíp can thiệp đã thực hiện 120 ca can thiệp cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau 30 phút kể từ lúc bệnh nhân nhập viện, nếu có chỉ định can thiệp thì ê kíp sẽ tiến hành can thiệp ngay. Một số ca có biến chứng nặng, nguy hiểm, ê kíp đã giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. Thời gian từ lúc tiếp nhận bệnh nhân cho đến khi kết thúc ca can thiệp cấp cứu chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Đó là một bước tiến của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

Tuy nhiên, gần một năm qua, do vướng trong đấu thầu, không có dụng cụ - vật tư tiêu hao, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp đành… đóng cửa! Trong khi nhân lực đã được đào tạo và luôn sẵn sàng, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp phải ngưng hoạt động một thời gian dài là điều vô cùng đáng tiếc. Thêm vào đó, không chỉ thiếu dụng cụ, vật tư tiêu hao để thực hiện các ca can thiệp mạch vành, thuốc tiêu sợi huyết cũng thiếu!

Bác sĩ Nguyễn Như Ý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Bệnh viện đang hoàn tất một số hồ sơ trình Sở Y tế phê duyệt theo thẩm quyền, để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người bệnh”.

Lắng nghe trái tim

Theo bác sĩ Lê Duy (Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, bao gồm những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như di truyền, giới tính, tuổi tác và những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, như lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực; chế độ ăn uống không lành mạnh; thừa cân, béo phì; mắc các bệnh: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; hút thuốc lá, sử dụng rượu bia ở mức độ nguy hại. Đáng lưu ý, khói thuốc lá là một trong những nguy cơ hàng đầu gây tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là xơ vữa mạch máu. Ngoài ra, trạng thái căng thẳng, áp lực tâm lý kéo dài cũng được xác định là một yếu tố nguy cơ quan trọng làm gia tăng các bệnh tim mạch, có nguy cơ gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Để bảo vệ trái tim, cần phải kiểm soát, khắc phục các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

Bác sĩ Lê Duy khuyến cáo: Bệnh tim mạch nói chung, nhồi máu cơ tim nói riêng có những dấu hiệu cảnh báo: Đau ngực - gồm đau ngực mới xuất hiện hoặc đau ngực tăng dần; khó thở - gồm khó thở mới xuất hiện hoặc khó thở tăng dần; phù, ngất xỉu, nhịp tim không đều, ho dai dẳng, vã mồ hôi nhiều, chán ăn, buồn nôn… Khi có những dấu hiệu trên thì phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị. Đáng chú ý, ở những bệnh nhân đái tháo đường, người lớn tuổi hoặc bị nhồi máu cơ tim ST chênh lên thành dưới, các dấu hiệu cảnh báo đôi khi không điển hình, như cảm giác mệt ngực, khó thở nhẹ, hồi hộp, lo lắng; đặc biệt là cảm giác đau vùng thượng vị kèm nôn và buồn nôn, rất dễ nhầm lẫn với cơn đau dạ dày. Chính vì vậy, khi có những bất ổn về sức khỏe, người dân cần phải đến cơ sở y tế, không tự điều trị tại nhà.

Ở những bệnh nhân đái tháo đường, hệ thống mạch máu rất dễ bị tổn thương, trong đó có động mạch vành. Các tổn thương mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường thường là tổn thương xơ vữa, lan tỏa, đa mạch máu và phức tạp. Vì vậy để bảo vệ tim mạch, những người mắc bệnh đái tháo đường cần phải tuân thủ điều trị, có chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp nhằm kiểm soát tốt đường huyết.

Bác sĩ Lê Duy, Khoa Nội tim mạch - Lão học,

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/286370/bao-ve-va-lang-nghe-trai-tim.html