Bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giới

Sáng ngày 20-12, tại Trung tâm Văn hóa hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức tọa đàm 'Bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giới'.

Đến dự có các đồng chí: Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thạch Thal - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ, Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), GS. TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, lãnh đạo các viện, trường, lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh: Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời, các công ty, doanh nghiệp sản xuất, các ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố, hợp tác xã sản xuất lúa tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh và nhóm nghiên cứu giống lúa ST25…

Trước sự kiện gạo ST25 của nhóm tác giả Anh hùng lao động kỹ sư Hồ Quang Cua vừa đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader đã đặt ra vấn đề làm thế nào để phát triển những giống lúa ngon và xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam. Thực tế thời gian qua, cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng không thiếu những giống lúa chất lượng, mà giống ST25 vừa đạt giải “gạo ngon nhất thế giới” là một minh chứng. Tuy nhiên, có một thực tế là trong thời gian qua, giống lúa ngon vừa ra đời và tồn tại không bao lâu đã bị làm giả, pha trộn… đã làm giảm uy tín hạt gạo Việt Nam trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thúy Liễu

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thúy Liễu

Buổi tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý cùng ngồi lại tìm ra các giải pháp bảo vệ và phát triển giống lúa ST25 và những giống lúa ngon khác cũng như ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền giống lúa, bảo vệ những thành quả sáng tạo của các nhà khoa học, nông dân.

Tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Anh Pháp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL thông tin về thực trạng chọn tạo sản xuất, sử dụng giống lúa và giải pháp phát triển, trong đó bao gồm các nội dung nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, tình hình sử dụng giống và các giải pháp trong công tác nghiên cứu sản xuất và kinh doanh giống cây trồng; GS. TS Võ Tòng Xuân chia sẻ việc xây dựng giữ thương hiệu gạo của các nước trên thế giới và một số đại biểu nêu các giải pháp bảo vệ giống lúa ST25 trước tình hình giống giả tràn lan cũng như các giải pháp quản lý của các cấp chính quyền trong việc bảo vệ thương hiệu giống ST25…

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng và Báo Tuổi Trẻ trao tặng quà cho nhóm nghiên cứu giống lúa ST25. Ảnh: Thúy Liễu

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng và Báo Tuổi Trẻ trao tặng quà cho nhóm nghiên cứu giống lúa ST25. Ảnh: Thúy Liễu

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu cho rằng, nhóm nghiên cứu giống lúa ST25 đã tạo ra sản phẩm gạo đạt giải ngon nhất thế giới là niềm vinh dự lớn không chỉ riêng cho nhóm tác giả mà còn cho cả tỉnh nhà và nền nông nghiệp lúa gạo Việt Nam. Vì vậy, để phát huy và bảo tồn, bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giới, đề nghị các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể liên quan có biện pháp quản lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi làm giả lúa gạo ST25; các cấp chính quyền bảo tồn thương hiệu gạo quốc gia và thế giới; ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất giống lúa ST25 thương phẩm, lúa giống; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường có kiểm soát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với việc giả nhãn hiệu thương hiệu gạo ST25 …

Dịp này, Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ tặng nhóm nghiên cứu giống lúa ST25 số tiền 10 triệu đồng kèm kỷ niệm chương.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/bao-ve-va-phat-trien-gao-ngon-nhat-the-gioi-33734.html