BẢO VỆ VÙNG BIÊN, VÌ BÌNH YÊN CỦA TỔ QUỐC (*): Chốt là nhà, biên giới là quê hương

Gắn đời mình với màu áo xanh, những người lính Bộ đội Cụ Hồ không ngại đối mặt với khó khăn, gian khổ. Các anh xem chốt, trạm, núi rừng biên cương là nhà, quê hương, gắn bó máu thịt với người dân để phụng sự

Tiết trời vùng biên giới các tỉnh miền Trung, Bắc Trung Bộ những ngày này rét đến 4-5 độ C. Xế chiều, vừa xong ca tuần tra, các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) trở về lán trại giữa rừng sâu của núi Giăng Màn để sưởi ấm.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) tìm nguồn nước cho người dân.. Ảnh: THANH TUẤN

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) tìm nguồn nước cho người dân.. Ảnh: THANH TUẤN

Nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành

Lán trại này là chốt phòng chống dịch Cha Lo (bản Cha Lo, xã Dân Hóa). Quây quần bên bếp lửa hồng, các chiến sĩ chuyện trò vui vẻ, kể về gia đình, vợ con rồi động viên nhau vượt qua gian khó.

Trước tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, thiếu tá Trần Quang Trung, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo, định xin nghỉ phép vài hôm để về thăm gia đình nhưng chưa kịp nghỉ thì anh nhận được lệnh mở chốt chống dịch và lên đây phụ trách. Vợ thiếu tá Trung là giáo viên, công tác tại Trường THCS Phù Hóa (xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), khi nghe tin đã động viên anh ở lại, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng ở chốt này, trung úy Đông (32 tuổi, quê xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói rằng được ở tuyến đầu phòng chống dịch, bảo vệ bình yên nơi vùng biên là niềm tự hào. "Mỗi tháng, 4 người khác lại lên thay anh em, cứ luân phiên nhau thế. Cuộc đời quân ngũ đã gắn mình với núi rừng từ lúc nào!" - trung úy Đông tâm sự.

Ngày cũng như đêm, tại các trạm, chốt biên phòng, bộ đội biên phòng (BĐBP) phải chia ca trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt biên giới. Nhờ vậy mà thời gian qua đã bịt được các đường mòn lối mở, ngăn người nhập cảnh trái phép để trốn cách ly, bọn buôn lậu cõng hàng, ma túy vào nội địa.

Trung úy Nguyễn Văn Tài, Trạm Biên phòng CKQT Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), chia sẻ: "Từ tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, tôi nhận nhiệm vụ về đóng chốt ở khu vực rừng bên "cánh gà" của cửa khẩu. Mình là lính, có lệnh là lên đường. Nhớ vợ và 2 con lắm nhưng phải gác lại tình riêng".

Là người lính biên phòng, cuộc sống của các anh gắn chặt với đồn, trạm, chốt dọc biên giới. Thượng úy Phạm Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Trạm Biên phòng CKQT Cầu Treo, bộc bạch từ thuở nhỏ, anh đã ước mơ làm Bộ đội Cụ Hồ. Năm 2014, ra trường, anh rất vui khi được phân công vào Đồn Biên phòng An Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sau đó, anh lần lượt được chuyển về Đồn Biên phòng Xuân Hồng, Đồn Biên phòng Cầu Treo. "Anh em chiến sĩ luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau. Trạm, chốt như ngôi nhà thứ 2 của mình" - thượng úy Hùng tự hào.

Phút nghỉ ngơi, sưởi ấm trong đêm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Phút nghỉ ngơi, sưởi ấm trong đêm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Gắn bó với nhân dân

Lên vùng biên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, BĐBP phải biết dựa vào dân, gần gũi, sẻ chia với người dân. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh tâm nguyện khi được người dân tin tưởng, yêu thương thì việc gì cũng có thể hoàn thành. "Người dân vùng biên là tai mắt, hậu phương. Bởi vậy, chúng tôi xác định phải làm tốt công tác dân vận, phải sống gần gũi với người dân. Khi mình xem đồn, trạm, chốt công tác như nhà, đường biên giới như quê hương thì nhiệm vụ khó khăn thế nào cũng có thể hoàn thành " - đại úy Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng CKQT Cầu Treo, khẳng định.

Ngoài công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối cho tuyến biên giới dài hơn 213 km, lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng chăm lo đời sống của người dân. Những người lính quân hàm xanh còn dạy chữ cho học sinh nghèo, chữa bệnh, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số làm nông… Nhờ đó, cuộc sống của người dân vùng biên ngày càng được nâng lên, góp phần chung tay cùng BĐBP làm tốt công tác an ninh nơi biên giới.

Điển hình như bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) từng chìm trong tang tóc do thiên tai. Tháng 8-2019, lũ ống, lũ quét cuốn phăng cả bản khiến 11 người chết. Thấm thoắt đã 2 năm trôi qua, mất mát đau thương cũng dần trôi vào quên lãng, bản Sa Ná giờ đây đã khác xưa.

Cùng với sự quan tâm của Đảng và nhà nước, Đồn Biên phòng Na Mèo đã giúp người dân xây dựng lại bản Sa Ná mới. Chị Ngân Thị Tiến, ngụ bản Sa Ná, bày tỏ: "Các chú bộ đội tốt lắm, giúp chúng tôi dựng lại nhà cửa, ruộng vườn, xây dựng kinh tế... Tết đến, các anh ấy còn xuống giúp dân gói bánh chưng, vui Xuân cùng bà con".

Hiện nay, các xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Quảng Nhâm và Hồng Bắc của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế (thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế) có hơn 11.000 nhân khẩu, trong đó 93% là đồng bào dân tộc Pa Kô, Tà Ôi. Qua thực tiễn làm nhiệm vụ, thượng tá Nguyễn Đức Hạnh, chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm, đúc kết: "Việc làm tốt công tác vận động phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh biên giới trong tình hình mới" của BĐBP góp phần giúp người dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước. Với việc gần 1.500 gia đình ở A Lưới tham gia phong trào đã khẳng định vai trò của BĐBP trong công tác này".

Tặng 16.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân

. Ngăn chặn nhiều vụ vượt biên trái phép

Sáng 19-1, tại cảng cá Phú Lạc (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức chương trình "Vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc".

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP, đã trao tặng 16.000 lá cờ Tổ quốc, 5.000 ảnh Bác Hồ và nhiều phần quà ý nghĩa cho ngư dân Phú Yên. Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho rằng chương trình có ý nghĩa sâu sắc khi được tổ chức tại thị xã Đông Hòa - nơi những con tàu không số huyền thoại trên hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển cập bến trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chương trình góp phần động viên ngư dân vươn khơi, bám biển, cùng các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

. Cùng ngày, đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường dẫn đầu đã tới kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Đoàn đã đến thăm và làm việc tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk, các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737. Trong năm 2020, lực lượng BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn có hơn 73 km đường biên tiếp giáp Campuchia vừa ngăn chặn và phòng chống hiệu quả dịch Covid-19. BĐBP đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 3 vụ với 4 đối tượng vượt biên trái phép.

H.Ánh - C.Nguyên

Làm tốt phương châm "3 bám", "4 cùng"

Thượng úy Vi Hồng Panh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Na Mèo, cho biết lực lượng BĐBP xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng cơ sở chính trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực biên giới.

"Để làm tốt công tác bảo vệ biên giới, biên phòng thường xuyên cử cán bộ xuống từng thôn bản thực hiện phương châm "3 bám" (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách) và 4 "cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với quần chúng nhân dân)... Nhờ vậy mà nhân dân đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin quý giá, đấu tranh trấn áp có hiệu quả tội phạm vùng biên, giúp đường biên luôn được bảo vệ an toàn, tuyệt đối" - thượng úy Panh nhấn mạnh.

Q.Tám

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-1

Kỳ tới: "Lá chắn thép" khó vượt qua

HOÀNG PHÚC - ĐỨC NGỌC - THANH TUẤN - QUANG TÁM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bao-ve-vung-bien-vi-binh-yen-cua-to-quoc-chot-la-nha-bien-gioi-la-que-huong-20210119220844039.htm