Báo VietNamNet đoạt giải A và C Giải báo chí quốc gia lần thứ XV
Tối 24/10, tại Hà Nội diễn ra lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020. Trong các tác phẩm đoạt giải, báo VietNamNet có 2 loạt bài đoạt giải A và C.
Theo đánh giá chung của Hội đồng Giải, các tác phẩm dự giải có chất lượng khá đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.
Nhìn chung, các tác phẩm được chọn vào chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.
Trong số 150 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã chọn được 1 giải đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải khuyến khích.
Theo đó, giải đặc biệt cho tác phẩm phim tài liệu truyền hình: Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình của nhóm tác giả Nguyễn Lê Anh, Lê Thi, Nguyễn Thành Trung, Ngô Đình Khoát, Nguyễn Thanh Tùng - Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.
Trong 9 giải A, có tác phẩm loạt 5 bài: “Báo chí chung tay làm sạch chính mình” của nhóm tác giả Đỗ Hữu Khôi, Hoàng Tư Giang, Phạm Lương Bằng, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Văn Hải (Thiện Văn) - Báo VietNamNet.
Ngoài ra, tác phẩm loạt 5 bài: 14 ngày không thể quên ở “tâm dịch” bệnh viện Bạch Mai của nhóm tác giả Nguyễn Đình Đoàn Bổng, Phạm Văn Công của Báo VietNamNet cũng đoạt giải C.
Không bị dao động, sa ngã trước những tác động xấu
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay, kế thừa những di sản tư tưởng và thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, nhiều nhà báo đang ngày ngày dấn thân vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội, giới thiệu, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm giàu vốn văn hóa quốc gia, hướng đến sự nhân văn của con người.
Báo chí cũng là vũ khí sắc bén đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sự suy thoái về đạo đức, lối sống; cung cấp kịp thời thông tin và công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội và chung sức giải quyết khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong năm 2020 và 2021, báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân…
Báo chí trên nhiều phương diện, đã là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”.
Chủ tịch nước đề nghị báo chí cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến rộng rãi, kịp thời quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng chống dịch trong tình hình mới; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phòng chống dịch, trong lao động sản xuất, trong bảo vệ trật tự xã hội, an ninh Tổ quốc.
Báo chí tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội, nhất là trong cán bộ đảng viên.
“Đảng, Nhà nước luôn mong muốn và yêu cầu đội ngũ những người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn”, Chủ tịch nước nói.
Ngoài ra, lực lượng báo chí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác cho các tầng lớp nhân dân; chủ động đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, thông tin sai lệch, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta; không bị dao động, sa ngã trước những tác động xấu của những tư tưởng sai trái, tiêu cực trên mạng xã hội cũng như trong đời sống và mặt trái của kinh tế thị trường.
Hương Quỳnh - Ảnh: Phạm Hải