Báo VZ dạy khôn Nga dùng chiêu độc đấu UAV?
Rút ra bài học từ cuộc chiến UAV, VZ cho rằng Nga có thể tận dụng số lượng lớn pháo phòng không tự động S-60 57 mm vẫn còn trong kho.
Nga rút ra bài học từ Karabakh
Theo trang phân tích Quan điểm (VZ) của Nga, cuộc chiến Karabakh lần thứ hai đã chấm dứt với kết quả bất lợi cho Armenia và có lợi cho Azerbaijan. Tờ báo Nga cho rằng Azerbaijan đã chuẩn bị cho cuộc chiến này trong nhiều năm, đặc biệt về tác chiến bằng lực lượng máy bay không người lái (UAV), qua đó bày tỏ lo ngại về hiệu quả các loại vũ khí tối tân của Nga.
Theo VZ, Azerbaijan đã cố gắng thăm dò hàng thủ của Armenia vào năm 2016, nhưng khi đó Nga và Iran đã hóa giải và cuộc tấn công phải dừng lại. Lần này, sau khi biết rõ Thủ tướng mới của Armenia đã đẩy Nga ra khỏi Armenia, Azerbaijan đã quyết định mạo hiểm và đi đến cùng.
Nhiều năm qua, Azerbaijan đã mua các loại vũ khí mới nhất từ Nga như xe tăng T-90. Trong những năm gần đây, Israel cũng nổi lên là nhà cung cấp thiết bị quân sự hàng đầu cho Azerbaijan và gần đây là Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong số thiết bị quân sự đáng chú ý nhất trong số này là UAV Bayraktar.
Trước khi cuộc chiến bắt đầu, quân đội Azerbaijan đã có ưu thế vượt trội về quân số so với các lực lượng của Karabakh. Azerbaijan đã tiến hành nghi binh đánh lừa đối phương về ý định thực sự của mình, cũng như đưa ra kế hoạch triển khai quân đội vào trận chiến. Azerbaijan cũng đi trước Armenia trong việc tập trung lực lượng và giành thế chủ động ở mọi hướng tấn công.
Sự vượt trội của Azerbaijan đặc biệt thể hiện trong lĩnh vực UAV, làm tăng hiệu quả tác chiến của quân đội. VZ dẫn lại trả lời phỏng vấn gần đây của Tổng thống Azerbaijan Aliyev nói rằng các UAV của Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã phá hủy nhiều thiết bị quân sự của Armenia có tổng giá trị ước tính khoảng 1 tỷ USD. Azerbaijan đã sử dụng UAV cỡ lớn như Bayraktar TB2 và nhiều loại khác như Harop và Skystriker của Israel.
Tờ báo Nga nhấn mạnh, trên thực tế, đây là những UAV tự sát, tức là những UAV hủy diệt mục tiêu dùng một lần. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sản xuất những thiết bị như vậy, trong đó có UAV Kargu - một dạng máy bay trực thăng bốn cánh có hệ thống ngắm bắn, kênh điều khiển vô tuyến vệ tinh và một bộ kích hoạt chất nổ.
VZ nhấn mạnh, ở Syria, Libya và giờ là Karabakh, việc sử dụng các loại UAV chiến đấu đã khiến đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phải trả giá đắt vì không thể chống lại mối đe dọa này một cách hiệu quả. Do đó, tờ báo này cho rằng Nga cần có những thiết bị kỹ thuật như vậy càng sớm càng tốt.
Sự nguy hiểm của UAV tự sát
VZ coi UAV tự sát là một loại vũ khí mới đối với Nga, chúng được phóng lên không và tìm kiếm mục tiêu. Thực chất, đây là một tổ hợp trinh sát và tấn công dùng một lần.
Thay vì gọi điện về trung tâm để yêu cầu bắn pháo tọa độ, chỉ huy trên chiến trường có thể kiểm tra khu vực tấn công của mình từ trên không, xác định các mục tiêu quan trọng và tiêu diệt chúng bằng một UAV. Tuy nhiên, VZ cho rằng Nga chưa có chiến thuật hay kỹ thuật đã được chứng minh là có hiệu quả cho những hành động như vậy.
Các chuyên gia Nga cho rằng UAV đã giúp Azerbaijan giảm tổn thất cho mình, trong khi tăng tổn thất cho đối phương. Điều này cũng giảm phí tổn chiến tranh so với việc tiêu tốn nhiều đạn pháo chính xác nhằm vào một mục tiêu. Mặt khác, việc sử dụng pháo bắn trực tiếp cũng có thể khiến bản thân phải chịu thiệt hại do đối phương có vũ khí chính xác ở cấp độ tương đương hoặc mạnh hơn gây ra. Nếu tính đến tỷ lệ tiêu hao đạn dược và tổn thất do các UAV cỡ lớn gây ra, thì việc sử dụng UAV tự sát khiến cuộc chiến bớt tốn kém hơn nhiều.
Theo tờ báo Nga, một trong những UAV sát thủ của Iran bị cáo buộc đã bắn hạ một máy bay của CIA ở Afghanistan. Chiếc máy bay này chở Michael d'Andrea, sĩ quan cấp cao của CIA phụ trách vụ ám sát Tướng Qasem Soleimani của Lực lượng vệ binh cách mạng hồi giáo (IRGC) ở Baghdad. UAV tự sát của Iran đã được sử dụng ở Syria hơn một lần và đã được chứng minh là có hiệu quả trong chiến đấu.
Bên cạnh đó, VZ cho rằng bài học quan trọng thứ hai từ cuộc chiến Karabakh là giá trị của UAV tấn công. Cùng thực hiện một nhiệm vụ nhưng Nga sử dụng chiếc trực thăng tấn công Mi-28 đắt tiền với hai phi công, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan sử dụng một UAV rẻ hơn nhiều với loại đạn công suất thấp hơn nhưng đủ sức tiêu diệt các mục tiêu điển hình trên chiến trường.
Trong trường hợp nhiệm vụ thất bại, Baku hay Ankara cũng không gặp phải vấn đề nghiêm trọng vì một hoặc nhiều chiếc UAV tự sát mới có thể được đưa vào sử dụng để tiếp tục nhiệm vụ, trong khi Nga sẽ mất một phi hành đoàn được đào tạo bài bản và chịu tổn thất hơn nhiều về thiết bị.
Ngoài ra, VZ cho rằng việc bắn trúng UAV không phải chuyện dễ. Thiết bị này sử dụng rất nhiều vật liệu tổng hợp thay vì kim loại, kích thước nhỏ, chỉ bị radar phát hiện ở khoảng cách ngắn, dấu hiệu phản xạ hồng ngoại thấp và độ ồn chỉ ngang bằng ô tô. Tuy nhiên, UAV lại có khả năng phát hiện mục tiêu không thua kém trực thăng, còn các kênh liên lạc vệ tinh định hướng cao có người điều khiển gần như vượt quá khả năng chế áp của các thiết bị tác chiến điện tử.
Giải pháp đơn giản của Nga?
VZ cho biết lô UAV tấn công Orion đầu tiên vừa được đưa vào phiên chế cho quân đội Nga, nhưng nhận định Nga đã tụt hậu so với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iran và Mỹ trong nhiều năm ở lĩnh vực này. Tờ báo Nga cảnh báo rằng khoảng trống này cần được thu hẹp nhanh chóng, và cuộc chiến ở Karabakh cho thấy mức độ khẩn cấp.
Do đó, một giải pháp khác là cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực và trao đổi thông tin lẫn nhau giữa các phương tiện chiến đấu. Ví dụ, Nga cần nâng cao khả năng kỹ thuật để chuyển tham số chỉ thị mục tiêu từ radar phòng không lục quân đến từng xe chiến đấu bộ binh (BMP), để với mỗi BMP có thể hướng vũ khí vào mục tiêu trên không và bắn trúng mục tiêu đó. VZ tự tin giải pháp này không phải là viễn tưởng và người Nga đủ sức hoàn thiện chỉ trong vòng 6 tháng với thái độ làm việc nghiêm túc.
Một hướng đi khác được VZ nêu lên là Nga cần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng hàng loạt với tổ hợp pháo phòng không tự hành 2S38, được trang bị pháo phòng không 57 mm, bắn được cả đạn dẫn đường và đạn nổ lập trình. Cùng với việc trang bị tất cả các khẩu pháo tự động 30 mm (trên BMP, xe bọc thép chở quân), phương tiện này sẽ bảo vệ đội hình lục quân trước các cuộc tấn công bằng UAV.
Trong trường hợp khẩn cấp, VZ cho rằng Nga có thể tận dụng một số lượng lớn khẩu pháo phòng không tự động S-60 cỡ nòng 57 mm vẫn còn trong kho. Loại vũ khí này hiện bị đánh giá gần như vô dụng với tư cách là một công cụ phòng không. Tuy nhiên, tiềm năng hiện đại hóa S-60 vẫn còn với việc cải tiến hoặc lắp đặt thêm các thiết bị ngắm băn hiện đại giống như cách Slovenia trang bị mô-đun ngắm bắn sử dụng máy ảnh nhiệt, cơ cấu nạp đạn liên tục (92 viên liên tiếp) và hệ thống dẫn đường tự động cho pháo Valhalla có cỡ nòng tương đương.
VZ dự báo, trong tương lai, thay vì một tá UAV tự sát được kiểm soát riêng lẻ, sẽ có một trăm UAV tự sát có khả năng tự xác định và tiêu diệt mục tiêu nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng sẽ không có mối liên hệ thông tin với bất kỳ ai và trở nên bất khả xâm phạm đối với bất kỳ hệ thống tác chiến điện tử nào. VZ nhấn mạnh rằng, ngay từ bây giờ, các lực lượng vũ trang Nga phải học cách đẩy lùi các cuộc tấn công như vậy.
Đáng ngạc nhiên là tờ báonày không nói gì về căn cứ Tartus của Nga tại Syria, nơi Nga đã đánh bại mọi phương thức tấn công của tất cả các loại vũ khí tối tân của kẻ thù.