Báo Xây dựng: Chặng đường hội nhập và phát triển
Trải qua chặng đường dài hình thành và phát triển, Báo Xây dựng - cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng đã tích cực đổi mới, vươn lên bứt phá, trở thành một tờ báo ngành uy tín, có bản sắc. Báo Xây dựng đã tham gia thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Xây dựng, dần khẳng định được vị thế trong lòng độc giả.
Lan tỏa thương hiệu Báo Xây dựng
Cách đây gần 30 năm trước, thời điểm toàn ngành Xây dựng đang quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ lớn của đất nước. Từ những yếu tố khách quan, đòi hỏi phải có một cơ quan ngôn luận thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền những thông tin của ngành Xây dựng đến bạn đọc cả nước. Sau một thời gian thai nghén ý tưởng, ngày 24/3/1998, Báo Xây dựng chính thức ra mắt bạn đọc và trở thành cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng. Ngày đầu thành lập, dù còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực mỏng, song những số báo đầu tiên của Báo Xây dựng ra mắt nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Bộ Xây dựng và đông đảo bạn đọc cả nước.
Cùng với sự phát triển của công nghệ - kỹ thuật, nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng đòi hỏi chính xác, nhanh chóng. Ngày 18/6/2007, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã phát lệnh hòa mạng Internet Trang thông tin điện tử Xây dựng (tiền thân của Báo điện tử Xây dựng ngày nay). Sự kiện được nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước đưa tin, khẳng định sự đổi mới của Bộ Xây dựng trong tăng cường công tác truyền thông, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Đến nay, Báo Xây dựng đã thực sự vươn mình lớn mạnh, tạo dựng được hệ thống cơ sở vật chất khang trang, nhân lực hơn 110 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, với trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, sử dụng thành thạo công nghệ làm báo hiện đại. Nhiều bài viết mang tính phân tích, bình luận, phản biện xã hội chuyên ngành Xây dựng tạo bản sắc, cá tính riêng, được bạn đọc và lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá cao.
Bên cạnh đó, trước những biến đổi không ngừng trong phương thức báo chí hiện đại và sức ép từ báo điện tử, mạng xã hội, đòi hỏi sự cạnh tranh thông tin nhanh chóng, chính xác, tính phản biện cao; Báo Xây dựng đã mạnh dạn từng bước cải tổ nội dung các ấn phẩm, tiệm cận dần với phương thức tác nghiệp của báo chí đa phương tiện. Từ đó, các bài viết của phóng viên luôn dành được sự quan tâm của công chúng; nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng cao quý như: Giải Báo chí Quốc gia, giải Báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng - tiêu cực, giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển”, giải Báo chí “Bắc Giang trên tuyến đầu chống dịch Covid - 19”, giải thưởng Báo chí tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Những năm qua, nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới, báo in đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức; Chi bộ, Ban Biên tập Báo Xây dựng đã nhận định, báo in phải nâng cao chất lượng và thay đổi hình thức, phương thức tổ chức thông tin, đảm bảo các tiêu chí: Tính độc đáo, tính đại chúng, tính hợp thời, chất lượng thông tin không chỉ được thể hiện ở nội dung, mà còn cả hình thức và cách thức truyền tải.
Từ đó, báo in liên tục được đổi mới về nội dung và hình thức theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí trong in ấn, phát hành; mạnh dạn chuyển từ báo chí phản ánh sang báo chí đa chiều, phát huy mạnh vai trò của phân tích, bình luận, phản biện và đề xuất giải pháp; Ban Biên tập và đội ngũ phóng viên không ngừng cải tiến, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí mới theo nhu cầu bạn đọc. Tăng cường thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND các địa phương đối với việc phát triển, quản lý đô thị và các dự án đầu tư xây dựng. Phát triển mạng lưới cộng tác viên trong nước, đặc biệt tại các thành phố, địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh.
Hơn 1 thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Bộ Xây dựng, Ban Biên tập Báo Xây dựng luôn tìm ra hướng để kết nối phát triển trong hợp tác quốc tế. Các cơ quan truyền thông nước ngoài đã đến và làm việc với Báo Xây dựng từ nhiều quốc gia như: Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Mỹ, Malaysia. Một trong những thành công đáng kể trong hợp tác quốc tế của Báo Xây dựng là trở thành đối tác của Báo Tin tức Xây dựng và Kỹ thuật Nhật Bản - cơ quan truyền thông về lĩnh vực xây dựng, có vị trí nhất định trong hệ thống báo chí ở Nhật Bản. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đã giúp cho Báo Xây dựng có thêm nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm mới trong công tác quản trị nhân lực, cách thức truyền tải thông tin và nâng cao năng lực của phóng viên.
Bên cạnh đó, nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng nội dung các ấn phẩm, đáp ứng yêu cầu thông tin của bạn đọc trong và ngoài nước; đồng thời, đảm bảo quy định của Luật Báo chí và Luật Bản quyền tác giả, thời gian qua, Báo Xây dựng đã gửi công văn đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương hợp tác, hỗ trợ trao đổi thông tin. Đến nay, Báo Xây dựng đã nhận được phản hồi từ 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đồng ý để Báo điện tử Xây dựng được sử dụng, trích dẫn các tin, bài.
Bước “chuyển mình” trong thời đại số
Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam là mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong hoạt động truyền thông của thế giới, khi công nghệ điện tử phát triển. Nền báo chí của chúng ta không thể tránh khỏi xu thế này. Vì vậy, một trong những việc cần làm của Báo Xây dựng nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung là liên tục đổi mới báo điện tử về giao diện và nội dung, đa dạng hóa loại hình báo chí trên trang điện tử. Chú trọng nâng cao chất lượng thông tin trong từng câu chữ, hình ảnh theo tôn chỉ, nhanh chóng, chất lượng, trung thực, chính xác và hiệu quả, phục vụ lợi ích và nhu cầu hưởng thụ thông tin của bạn đọc. Tăng cường hơn nữa lượng tin, bài bằng truyền hình và ngôn ngữ nói trong các phóng sự phản ánh sự kiện hay điều tra chống tiêu cực.
Thực hiện chiến lược chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí đến năm 2025, định hướng 2030, Ban Biên tập Báo Xây dựng xác định được 2 nội dung cần phải làm là chuyển đổi số về mặt nội dung và chuyển đổi số trong quản trị nội bộ.
Đối với Báo điện tử Xây dựng và các chuyên trang điện tử, đã thay đổi toàn diện về giao diện, bắt kịp các xu hướng của báo chí hiện đại trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0. Báo điện tử Xây dựng được phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, tích hợp các loại hình số hóa; cùng với đó, là đa dạng hóa các sản phẩm trên báo điện tử như: Video, audio, longform, infographic, tọa đàm,... Đặc biệt, ngoài ấn phẩm Báo in, Báo điện tử, Báo Xây dựng cũng đẩy mạnh phát triển các các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube để lan tỏa và tiếp cận nhiều đối tượng bạn đọc. Bên cạnh đó, nội dung cũng được lựa chọn hình thức truyền tải một cách hiệu quả và hấp dẫn qua các video, chương trình Tọa đàm, Talkshow được thực hiện trực tiếp tại trường quay của Báo Xây dựng.
Trong lộ trình chuyển đổi số, Báo Xây dựng xác định yếu tố con người và công nghệ là chìa khóa quyết định thành công. Bởi lẽ, trong xu thế hội tụ truyền thông mạnh mẽ hiện nay, báo chí truyền thống và báo chí công nghệ có xu hướng tích hợp, tương tác, hỗ trợ nhau bằng những phương thức đa dạng, phức tạp. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo phát huy sức trẻ, khả năng sáng tạo, đồng thời là thách thức, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng thích ứng để trở thành một nhà báo thời đại 4.0. Do vậy, Báo Xây dựng đã và đang có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện tốt chuyển đổi số báo chí trong thời gian tới.
Chắc chắn rằng, trên những chặng đường tiếp theo, với nền tảng sẵn có, cùng sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, Báo Xây dựng sẽ làm tốt nhiệm vụ chuyển đổi số góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từng bước đáp ứng yêu cầu của độc giả trong thời đại công nghệ số hiện nay.