Báo Xây dựng tổ chức Tọa đàm về PPP

Sáng 5/8 tại Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng chủ trì buổi Tọa đàm về PPP với sự tham gia của Hiệp hội Tài chính Tư nhân Nhật Bản (PFI) và các cơ quan Bộ Xây dựng.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Học tập kinh nghiệm từ các nước phát triển

Tại buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng nêu vấn đề: Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, việc tổ chức buổi tọa đàm về mô hình hợp tác công tư (PPP) với sự chia sẻ của ông Kazuo Ueda - Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Tư nhân Nhật Bản thể hiện sự cầu thị và mong muốn học hỏi những bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế từ các nước phát triển trên thế giới nói chung cũng như Nhật Bản nói riêng.

Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình PPP tại Nhật Bản, ông Kazuo Ueda - Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Tư nhân Nhật Bản cho biết, Nhật Bản có đạo luật riêng về PPP, quy định rõ ràng, cụ thể việc lựa nhà đầu tư, quá trình thực hiện dự án đảm bảo minh bạch, có trách nhiệm, dự án tiết giảm được chi phí nhất. Đồng thời, Nhật Bản có Ủy ban giám sát hoàn toàn độc lập, có thể kết hợp với các cơ quan Chính phủ để giám sát việc thực hiện giữa các bên.

Ông Kazuo Ueda cũng cho rằng, hợp đồng trong PPP phụ thuộc vào văn hóa mỗi nước đồng thời giới thiệu cụ thể về hợp đồng nhượng quyền – một trong những hình thức hợp đồng PPP đang được thực hiện nhiều tại Nhật Bản bởi đạt được sự thành công nhất định.

Ví dụ một tuyến đường ở tỉnh Aichi được xây dựng có thu phí, có 8 đoạn đường với tổng chiều dài 72,5km, thời hạn hợp đồng 30 năm, do tư nhân thực hiện, tư nhân điều hành, tư nhân quản lý thu phí. Dự án được đánh giá là thành công bởi nguồn thu từ dự án cao hơn dự kiến thu trong hợp đồng.

Ông Kazuo Ueda nhấn mạnh, đặc điểm của hợp đồng nhượng quyền tại Nhật Bản là: Doanh nghiệp tham gia dự án không phải chịu nhiều rủi ro (chỉ nằm trong khoảng 6%), họ không phải là người đưa ra đề án, mà trên cơ sở có đề án, Cty tư nhân phân tích, đánh giá để đưa ra nguồn thu cố định được quy định trong hợp đồng. Đồng thời tính chi phí dự kiến trong quá trình thực hiện cũng được quy định trong hợp đồng.

Điều đặc biệt thu hút, hấp dẫn các Cty tư nhân tham gia hình thức PPP tại Nhật Bản là, nếu trong quá trình thực hiện, quản lý các Cty tư nhân vận hành sao cho chi phí thực hiện giảm đi so với hợp đồng thì phần giảm đi đó các Cty tư nhân được hưởng lợi. Chính vì vậy, các Cty tư nhân này luôn tính toán, thiết kế và sử dụng công nghệ - tức là phải nỗ lực rất nhiều làm sao khi vận hành, quản lý dự án giảm được chi phí so với chi phí quy định trong hợp đồng.

Một ví dụ nhỏ, tại dự án đường của tỉnh Aichi, họ đã lắp nhiều các camera cảm biến trên đường để phát hiện sớm những hư hỏng của đường để sửa chữa sớm, do đó thời gian sửa chữa ngắn và không làm ảnh hưởng đến người sử dụng, dẫn đến việc thu phí không bị ảnh hưởng. Như vậy, nỗ lực của các Cty tư nhân đã dược bù đắp.

Rủi ro không bị đẩy toàn bộ cho doanh nghiệp

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và đô thị (Tổng hội xây dựng VN) cho biết, ở Việt Nam, PPP là kênh đầu tư được Chính phủ rất quan tâm. Các cơ chế, chính sách về PPP được Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn, tiến tới sẽ ban hành đạo luật riêng về PPP. Quá trình xây dựng chính sách vướng vấn đề bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư tư nhân và vấn đề bảo lãnh vốn vay của Chính phủ đối với các nhà đầu tư tư nhân.

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm với Ban biên tập Báo Xây dựng

Ông Kazuo Ueda cho biết, khi xây dựng các công trình công ích sẽ có rủi ro liên quan đến vấn đề tài chính, cho nên phải phân định xem đối tượng chi trả khoản này. Tại Nhật Bản, các Cty tư nhân cũng không phải trả tiền mặt ngay mà phải lập đề án trong đó phân tích khoản tiền đầu tư đó sẽ đem lại lợi ích là gì, đồng thời nhà đầu tư phải tính toán được chi phí giả định khả thi để tham gia dự án cũng như rủi ro đến với mình trong quá trình thực hiện dự án. Cơ quan đề xuất ra dự án tính toán có rủi ro có thể xảy ra chứ không phải là nhà đầu tư.

Đối với các công trình công cộng không có nguồn thu, các Cty tư nhân phải tính toán nguồn thu cố định để quy định trong hợp đồng. Các công trình liên quan đến hạ tầng điện nước, các Cty tư nhân không phải chịu rủi ro, họ đưa ra đề án làm sao giảm thiểu chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, quản lý.

Về bảo lãnh khoản vay, các Cty tư nhân của Nhật Bản sẽ phải đưa ra đề án về nguồn thu, lợi ích, trên cơ sở đó ngân hàng xem xét bảo lãnh khoản vay cho Cty tư nhân. Nếu các rủi ro mà đẩy hết về phía các Cty tư nhân thì ngân hàng cũng không đồng ý cho vay. Hay nói cách khác, rủi ro không bị chia toàn bộ cho Cty tư nhân thì ngân hàng sẵn sàng bảo lãnh.

Tại Nhật Bản, Nhà nước đảm bảo nguồn thu từ người sử dụng. Sẽ có 2 hình thức thu phí do chính Cty tư nhân thu rồi trả lại một phần cho Nhà nước hoặc trả thẳng cho Nhà nước để Nhà nước trả lại cho Cty tư nhân. Nhưng thường thì các Cty tư nhân sẽ thu và trả lại cho Nhà nước một khoản theo quy định tại hợp đồng. Những Cty tư nhân tại Nhật Bản luôn nỗ lực giảm thiểu chi phí vận hành so với chi phí quy định trong hợp đồng.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/bao-xay-dung-to-chuc-toa-dam-ve-ppp.html