Bấp bênh đời sống nữ công nhân: Bài 3: Nhiều ước mơ còn dang dở
Rời quê hương, chấp nhận sống xa cha mẹ, người thân, hầu hết lao động nữ trong các doanh nghiệp (DN) đều có chung khát khao: có một công việc và thu nhập ổn định đến khi hết tuổi lao động, được an cư lạc nghiệp, xây dựng cho mình một mái ấm hạnh phúc…
Tuy nhiên, thực tế không phải ai trong số họ cũng đạt được ước mong đó.
Hạnh phúc không trọn vẹn
33 tuổi, chị N.H. (ngụ ở phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) vẫn còn độc thân. Sợ chị “quá lứa lỡ thì”, cha mẹ, người thân liên tục hối thúc chị nghỉ làm để về quê lấy chồng.
Chị H. chia sẻ, bạn bè cùng trang lứa với chị ở quê đều đã lấy chồng, con cái đề huề. Người lấy chồng sớm từ năm 18 tuổi có khi sắp được làm sui gia. Nhìn thấy con mình từng này tuổi vẫn “ế”, cha mẹ chị sốt ruột cũng là chuyện dễ hiểu.
Theo chị N.H., do đặc thù công việc làm theo ca kíp, khi tan ca trở về nhà, toàn thân mệt mỏi, chị chỉ muốn tắm rửa, ngủ một giấc lấy lại sức trước khi vào ca tiếp theo. Vì vậy, để giao lưu, gặp gỡ, tìm được một người phù hợp là điều khó khăn.
Thiếu thiết chế văn hóa phục vụ công nhân
Đồng Nai hiện vẫn chưa có một không gian giải trí hoặc thiết chế văn hóa dành riêng cho công nhân ở gần các khu công nghiệp. Chính vì thế, nữ công nhân chỉ biết quẩn quanh ở nhà trọ chật hẹp sau giờ tan ca hoặc ngày nghỉ. Vì vậy, lao động nữ đều mong mỏi địa phương quan tâm xây dựng nhà trẻ, nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp. Đồng thời, Công đoàn, DN đầu tư các thiết chế phục vụ nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của công nhân lao động.
Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh, tiền lương, thu nhập của công nhân lao động trong các DN ngoài nhà nước nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động. Do thu nhập thấp, áp lực công việc khiến nhiều chị em không quan tâm nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần; không có thời gian giao lưu, tìm hiểu kết bạn nên vấn đề lao động nữ không kết hôn có xu hướng tăng lên.
Nhiều công nhân khác dù may mắn tìm được hạnh phúc nhưng lại gặp cảnh “đứt gánh giữa đường” bởi nhiều nguyên nhân.
Căn phòng trọ rộng 20m2 trên tầng 2 ở phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) là nơi sinh sống của mẹ con chị Lê Thị Diệu Hiền, công nhân Công ty CP TKG Taekwang Vina (thành phố Biên Hòa).
Chị Hiền kể, so với bạn bè đồng trang lứa, gần 30 tuổi chị mới lập gia đình. Những tưởng ở độ tuổi này chị sẽ gặp được người bạn đời sẻ chia, đồng hành đến hết cuộc đời, song hạnh phúc không trọn vẹn khiến cuộc sống của chị thay đổi.
“Một mẹ, một con đôi lúc cũng khó khăn nhưng nhờ sự cố gắng mà mẹ con tôi dần vượt qua. Con trai tôi vừa học xong lớp 11. Niềm vui và động lực của tôi chính là con trai luôn nỗ lực, tự học và năm nào cũng đạt thành tích cao trong học tập” - chị Hiền nói.
Từ ngày vợ chồng đường ai nấy đi, chị N.T.V.T. lủi thủi một mình trong căn phòng trọ ở phường Tam Hòa (thành phố Biên Hòa). Chị T. tâm sự, vợ chồng chị kết hôn nhiều năm mà không có con. Hiểu được mong muốn có con của chồng, nhiều lần chị bàn với chồng đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách chữa trị, nhưng chồng chị vì sĩ diện nên nhất định không đồng ý đi khám.
Cuộc sống hôn nhân của vợ chồng cứ thế tiếp diễn. Sáng sớm, vợ chồng cùng vào ca, chiều tan ca lại gặp nhau ở căn phòng trọ chật hẹp. Thỉnh thoảng, anh đi nhậu về cũng lời qua tiếng lại, mắng nhiếc, có khi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chị.
“Tôi hiểu, áp lực cuộc sống, con cái đè nặng khiến anh cộc tính nên những lời mắng mỏ, đôi khi bạo lực tôi đều chịu đựng được. Tôi chỉ không chấp nhận được việc mình bị phản bội” - chị Sang bộc bạch.
Cách đây gần chục năm, chồng chị đòi ly hôn với lý do đã có con với người khác. Sự việc vượt quá sức chịu đựng, chị đồng ý ly hôn. Không có con chung, không có tài sản riêng nên thủ tục ly hôn diễn ra chóng vánh. Chồng chị dọn đồ chuyển đến ở với nhân tình, còn chị vẫn ở lại căn phòng ấy một mình.
Nạn nhân của bạo hành
Đây là một trong những nguy cơ mà nữ công nhân lao động gặp phải. Có những trường hợp bị bạo hành ngay tại nơi làm việc. Điển hình là vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH OTO Motor Vina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) cách đây hơn một năm.
Theo báo cáo của Công an huyện Nhơn Trạch, chiều 28-2-2023, anh N.T.D. đến Đồn Công an Khu công nghiệp Nhơn Trạch trình báo sự việc vợ anh là chị N.T.A.T. (sinh năm 1991) là nhân viên Công ty TNHH OTO Motor Vina, bị Giám đốc điều hành S.C. đánh.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Đồn Công an Khu công nghiệp Nhơn Trạch đã tiến hành làm việc với nhân chứng và những người có liên quan, xác nhận: Vào khoảng 8h ngày 28-2-2023, ông S.C. gọi chị A.T. đến văn phòng để giao việc. Lúc này ông S.C. có yêu cầu chị A.T. cất giỏ xách và điện thoại để được giao việc cụ thể để làm.
Chị A.T. cất giỏ xách nhưng không chịu cất điện thoại. Ông S.C. nhắc nhở nhưng chị A.T. nói điện thoại cá nhân nên muốn cầm theo. Lúc này, ông S.C. tát chị A.T., túm tóc chị và được một số nhân viên trong công ty can ngăn. Sau đó, chị A.T. được đồng nghiệp gọi xe công ty chở đến bệnh viện điều trị. Sau khi nhập viện, chị A.T. được chẩn đoán bị đau thái dương bên trái, sưng nề đỉnh bên phải đầu, đau mặt trong cánh tay bên trái, bầm tím vùng hông bên phải.
Không chỉ là nạn nhân của những vụ bạo hành tại nơi làm việc, nhiều nữ công nhân lao động đã và đang là nạn nhân của bạo hành gia đình. Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, các hành vi được coi là bạo lực gia đình gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng. Bên cạnh đó còn là những hành vi: lăng mạ, chì chiết hoặc có hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính; cưỡng ép quan hệ tình dục; bỏ mặc, không quan tâm; cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn, mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính…
Đáng nói là bạo lực gia đình xảy ra nhiều trong công nhân lao động nhưng rất ít vụ việc được phanh phui, can thiệp. Với mong muốn níu giữ cho các con một mái ấm gia đình, có đủ cả cha lẫn mẹ, nhiều lao động nữ phải chịu đựng cảnh bị người chồng “đầu ấp tay gối” bạo hành.
Hơn 20 năm bước vào cuộc sống hôn nhân, chị H.T.T. (ở phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) không nhớ nổi bao lần bị chồng bạo hành. Chị làm việc tại một công ty ở huyện Vĩnh Cửu, trong khi chồng chị làm việc ở nhà. Công việc của chồng chị lúc có, lúc không nên thu nhập trồi sụt. Những lúc rảnh rỗi, không có việc làm, chồng chị thường đi nhậu với bạn bè.
Theo chia sẻ của chị T.T., mỗi lần chồng chị đi nhậu say về là sinh chuyện chửi mắng, có lúc còn đánh chị, đập phá đồ đạc trong nhà. Vì không muốn gia đình ly tán, các con chia đôi ngả, chị chọn cách im lặng. Thế nhưng, “con giun xéo lắm cũng quằn”, chị càng im lặng, chồng chị càng làm tới. Có lần chị lên tiếng phản kháng thì bị ngay một trận đòn. Đáng nói, mỗi lần chửi mắng, đánh vợ, chồng chị thường khóa hết cổng, cửa nhà. Hàng xóm có nghe cũng không thể vào can thiệp.
“Lo lắng các con bị ảnh hưởng tâm lý khi chứng kiến cảnh bạo hành, tôi đã từng viết đơn xin ly hôn. Khi tòa án gọi lên hòa giải, anh hứa cố gắng thay đổi. Nghĩ đến lúc không có rượu, anh cũng là người chồng, người cha tốt nên tôi đã cho anh cơ hội. Hy vọng anh tỉnh ngộ, trân trọng những gì mình có mà thay đổi để giữ lấy mái ấm gia đình” - chị T.T. bộc bạch.