Bấp bênh lao động nữ di cư
Nhiều lao động nữ di cư phải chấp nhận cuộc sống xa con, ly hôn, nuôi con một mình.
Thiếu đủ thứ
Ở tuổi 40, khi bạn bè cùng trang lứa đều đã có công việc ổn định, có được mái nhà thì chị Nguyễn Thị Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày ngày vẫn phải dậy từ sáng tinh mơ đi nhập rau về bán tại chợ trong ngõ hẻm. Gần 20 năm thoát ly gia đình ra Hà Nội lập nghiệp và kiếm sống, chị bảo, tài sản quý giá nhất là cô con gái đang học lớp 10.
“ Tốt nghiệp trung cấp nghề, tôi có việc làm ngay nhưng có mức thu nhập “khéo co thì đủ” thế nên bao năm đi làm đều ở nhà thuê. Mấy năm nay đặc biệt sau đợt dịch thì công việc bấp bênh, thậm chí phải nghỉ việc sau nhiều lần xin việc và lại bị sa thải, tôi nghỉ việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần về đi chợ bán hàng tạp hóa kiếm sống qua ngày” - chị Hậu giãi bày.
Khảo sát thực trạng đời sống lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tháng 5/2023 cho thấy, lao động nữ di cư chủ yếu làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày, chiếm 67%; ngoài ra là lĩnh vực sản xuất điện, điện tử; xây dựng, giao thông – vận tải. Đa số lao động nữ di cư là công nhân trực tiếp sản xuất (80,5%).
50% lao động được trả tiền lương 5-7 triệu đồng/tháng (chủ yếu là lao động trực tiếp, lao động phục vụ); 18,8% được trả lương 7-9 triệu đồng/tháng (cán bộ công chức, hành chính), 11% được trả lương từ 9 triệu đồng trở lên, đa phần là cán bộ lãnh đạo phòng, quản lý phân xưởng.
Ngoài ra có các khoản thu nhập khác như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giữ trẻ, nuôi con nhỏ (dao động từ 600.000 – 1 triệu đồng/tháng). Với mức thu nhập này gần 40% lao động nữ chọn thắt chặt chi tiêu bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết như giải trí…; 10% lao động vay mượn người thân, bạn bè, các tổ chức tín dụng khi gặp khó khăn về tài chính.
Không chỉ có mức thu nhập thấp, công việc bấp bênh đời sống tình cảm của lao động nữ di cư cũng gặp rất nhiều chông gai.
Bà Trần Thu Phương - Phó Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình trạng hôn nhân của lao động nữ di cư có thể được chia thành 3 nhóm chính. Nhóm đã kết hôn chiếm 85,3%. Khi đi làm ăn xa, họ thường mang theo con cái đi cùng hoặc gửi con lại cho gia đình ở quê. Nhóm chưa kết hôn chiếm khoảng 3,3%, đa số là những người trẻ tuổi, mới tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng. Họ di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập.
Nhóm ly hôn, ly thân chiếm 10%. Đa số di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống sau khi ly hôn, ly thân.
Giải pháp nào?
Theo bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại các khu công nghiệp, chế xuất có trên 70% là lao động nữ. Số lao động này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc bảo vệ quyền của lao động nữ cần được thực hiện thông qua đối thoại tại nơi làm việc. Theo khảo sát, tỷ lệ nữ lao động tham gia BHXH là 98,2%, bảo hiểm y tế là 95,5%, bảo hiểm thất nghiệp là 90%. Nhưng khi hỏi về ý định rút BHXH khoảng 45% trong số 866 người nói muốn rút một lần. Lý do là để có một khoản lo cho gia đình (gần 68%), không tin tưởng làm việc đến khi nghỉ hưu (khoảng 29%).
Bà Vân cũng dự báo xu hướng lao động di cư sẽ tiếp tục diễn ra, trong đó lao động nữ di cư chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Đây cũng là lực lượng lao động góp phần ổn định sản xuất và phát triển kinh tế cho các địa phương nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính vì vậy, chính quyền địa phương nơi người lao động làm việc cần áp dụng các ưu đãi về chính sách của địa phương đến những gia đình công nhân đang ở trọ.
Cùng với đó, cần quan tâm giúp đỡ người lao động trong quá trình tạm trú tại địa phương; có chính sách đảm bảo an ninh trật tự tại các khu nhà trọ; hỗ trợ xây các nhà trẻ cho công nhân lao động gửi con với học phí thấp; xây dựng nhà ở phúc lợi cho công nhân có thu nhập thấp; hạn chế nạn tín dụng đen... Đồng thời, cũng cần ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho lao động nữ nhập cư (tiền nhà trọ, cho thuê nhà trọ giá rẻ, tiền học phí...). Ngoài ra, địa phương cũng có thể phối hợp với các cơ quan, công đoàn hỗ trợ lao động nữ di cư với nhiều chính sách khác...
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bap-benh-lao-dong-nu-di-cu-10269164.html