Bấp bênh sa nhân tím
ĐBP - Sa nhân tím là một trong những loại cây được kỳ vọng sẽ giúp người dân Mường Nhé xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giao thương với các đối tác phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính của quả sa nhân tím bị gián đoạn, giá bán liên tục xuống thấp khiến người trồng loại dược liệu này gặp nhiều khó khăn; thậm chí nhiều người trồng còn không thu hoạch vì tiền bán không đủ tiền công, chi phí.
Người dân xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) thu hoạch sa nhân tím dưới tán rừng. Ảnh: Văn Tâm
Cây xóa đói giảm nghèo
Với nhiều ưu điểm như dễ trồng, năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, năm 2013 Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé triển khai dự án phát triển sinh kế dưới tán rừng (trồng sa nhân tím) tại các xã vùng đệm khu bảo tồn. Sín Thầu (huyện Mường Nhé) là một trong những xã được hỗ trợ cây giống sa nhân tím để trồng.
Anh Sừng Ta Há, bản Pờ Nhù Khồ, xã Sín Thầu cho biết: Gia đình tham gia trồng gần 1ha sa nhân tím. Những năm trước đây, quả sa nhân tím được tư thương thu mua với giá cao, trung bình từ 50 - 70 nghìn đồng/kg quả tươi. Nếu được chăm sóc tốt, mỗi ha sa nhân tím cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả, tương đương với doanh thu hàng trăm triệu đồng (tùy từng năm). Sa nhân vừa góp phần phát triển kinh tế gia đình, vừa bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Nhận thấy cây sa nhân tím mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cho nhiều gia đình, thời gian qua thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 30a/CP, 135/CP, nông thôn mới... nhiều người dân đăng ký trồng cây sa nhân tím. Đặc biệt, từ năm 2015 thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, phân bổ nguồn vốn, hỗ trợ người dân trồng thí điểm mô hình cây sa nhân tím dưới tán rừng với diện tích 107,4ha. Đến nay cây sa nhân tím được nhân rộng, có mặt tại hầu hết các xã trong huyện. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, hiện nay toàn huyện có hơn 210ha cây sa nhân tím; trong đó, nhiều nhất xã Sín Thầu (132ha), Nậm Kè (hơn 26ha), Nậm Vì (gần 25ha), Pá Mỳ (hơn 12ha), Chung Chải (8,5ha)...
Trong một thời gian ngắn, cây sa nhân tím đã tạo nên “cơn sốt” đối với người dân Sín Thầu và các xã khác trên địa bàn huyện Mường Nhé. Theo chia sẻ của lãnh đạo UBND xã Sín Thầu, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã đều có diện tích trồng sa nhân tím, hộ ít vài nghìn mét vuông, hộ nhiều lên đến vài héc ta. Những năm trước đây, giá quả sa nhân tươi và khô đều cao, thậm chí có những năm giá quả sa nhân khô lên đến 800 nghìn đồng/kg. Vì vậy, nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ sa nhân tím.
Cây sa nhân tím phù hợp với điều kiện khí hậu tại các xã vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Ảnh: Phạm Quang
Cần giải pháp bền vững
Từ giá trị kinh tế mang lại, sa nhân tím đã từng trở thành loại cây giảm nghèo chủ lực của người dân huyện Mường Nhé. Năm nay sa nhân tím được mùa, đặc biệt đối với những diện tích trồng từ năm thứ 3 trở đi năng suất càng cao hơn. Nhiều hộ dân trồng sa nhân tím đang vui mừng, phấn khởi, hy vọng đổi đời thì bị “dội gáo nước lạnh”. Theo đó, vụ sa nhân tím năm nay, giá quả tươi giảm xuống chỉ còn 14 nghìn đồng/kg (năm trước có giá 50 nghìn đồng/kg quả tươi). Giá thấp thế nhưng người trồng sa nhân tím vẫn rất khó bán do không có người mua. Vì vậy nhiều hộ dân không đi thu hoạch dù đã đến vụ.
Giá bán thấp, người dân trồng sa nhân tím trên địa bàn huyện Mường Nhé đang rất lo lắng. Là một trong những người tham gia trồng cây sa nhân tím đầu tiên của bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé, chị Hồ Thị Kía cho biết: Năm 2018, gia đình trồng hơn 5.000m2 cây sa nhân tím dưới tán rừng; hiện cây sa nhân tím đã đến kỳ cho thu hoạch. Những năm trước, tiểu thương đến tận nhà thu mua, nhưng nay không thấy ai đến hỏi mua. Năm nay giá bán chỉ có 14 nghìn đồng/kg quả tươi. Do giá quá thấp nên gia đình chưa đi thu hoạch về. Một số hộ trong bản thu hoạch về phơi khô để bán với giá cao hơn, nhưng cũng không có người mua. Chúng tôi mong muốn chính quyền kết nối với các công ty, doanh nghiệp đứng ra thu mua giúp người dân.
Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, một phần nguyên nhân là do diện tích trồng sa nhân trên địa bàn huyện Mường Nhé ngày càng tăng. Trong khi đó, tiểu thương, doanh nghiệp thu mua hạn chế. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc giao thương với phía Trung Quốc gặp khó khăn; chi phí trung gian cho việc bảo quản, giao dịch giữa hai bên tăng lên khiến giá sa nhân tím giảm mạnh. Trước tình hình trên, mặc dù nguồn thu từ cây sa nhân tím đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, nhưng huyện không khuyến khích phát triển mạnh loại cây này. Sa nhân tím không có đầu ra ổn định, việc phát triển ồ ạt, vượt quy hoạch có nguy cơ làm suy thoái rừng do cây được trồng dưới tán rừng và phát triển rất mạnh. Giá sa nhân tím năm nay xuống thấp, khó tiêu thụ nên tạm thời khuyến cáo người dân nên thu hoạch về phơi, sấy khô để bảo quản, đợi thị trường tăng giá rồi bán.
Không thể phủ nhận cây sa nhân tím đã từng mang lại giá trị kinh tế lớn, làm thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân vùng cao Mường Nhé. Tuy nhiên, hiện tại việc kết nối thị trường còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc thương nhân phía Trung Quốc thu mua. Đầu ra chưa đảm bảo sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển bền vững loại cây trồng này và tác động trực tiếp đến đời sống người dân, cũng như công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Để tránh tình trạng được mùa mất giá và ngược lại, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong quy hoạch, khoanh vùng phát triển diện tích cây sa nhân tím và tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ. Việc thực hiện các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng là giải pháp tốt để khắc phục những hạn chế về chất lượng sản phẩm, yếu kém trong khâu thị trường, để sa nhân thực sự trở thành loại cây giảm nghèo bền vững.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/199269/bap-benh--sa-nhan-tim