Bấp bênh 'Xóm Tạm'

'Xóm Tạm' ở đây nói về những hộ gia đình cư ngụ bên kia bờ sông Vàm Cỏ Đông, thuộc ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Cuộc sống của họ bấp bênh, tạm bợ và thường xuyên đối mặt với nguy hiểm từ thiên tai.

Anh Hải thu hoạch bông súng mùa nước nổi.

Anh Hải thu hoạch bông súng mùa nước nổi.

Nhiều khó khăn, thiếu thốn

Mùa nước nổi, toàn bộ những căn nhà ven bờ sông này bị chia cắt bởi mênh mông sóng nước. Hiện tại, mùa nước nổi chưa đạt đỉnh điểm, nhưng những chiếc ghe, vỏ lãi đã dễ dàng đi trên mặt sân, neo đậu sát thềm nhà. Ông Phan Chưởng Phán, 70 tuổi- một trong những cư dân lâu năm ở xóm này nhớ lại: “Những năm 1978, 1996, 2000, nước ngập khỏi nền nhà cả mét, ngập sâu đến nỗi tôi chèo ghe vào nhà được luôn”.

Nhắc tới cơ duyên đến vùng đất này, ông Phán kể, quê ông ở tỉnh An Giang, hơn 60 năm trước, ông nội của ông đưa cả gia đình đến đây sinh sống. “Hồi đó đi bằng ghe. Di chuyển theo đường sông, mấy tháng trời mới tới đây. Lúc đó tôi mới 4 tuổi nhưng nhớ, ở đây còn rừng rú, chồn cheo”- ông Phán nhớ lại. Gia đình ông bắt tay vào khai hoang lập nghiệp.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, gia đình ông di chuyển về bên xã Long Thành Nam tránh bom đạn. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông bà, cha mẹ của ông trở về vùng đất ven sông cày cấy mưu sinh. Ông bà, cha mẹ của ông đã qua đời. Anh em ông lập gia đình, đều cất nhà cạnh nhau. Thế hệ con của ông trưởng thành, ra riêng cũng ở gần nhau. Hầu hết cư dân bên Xóm Tạm đều là bà con dòng họ của gia đình ông Phán.

Theo lời ông Phán, sau khi Tây Ninh giải phóng, địa giới hành chính thay đổi, khu đất ven sông thuộc huyện Châu Thành. Những năm trước, có thời điểm, dọc theo Xóm Tạm có đến 25 hộ dân làm ăn sinh sống. Những năm gần đây, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, đã trở về địa bàn xã Long Thành Nam xây nhà cửa, ổn định cuộc sống. Hiện Xóm Tạm còn khoảng 20 căn nhà, trong đó có 10 hộ gia đình có người ở, hầu hết đều là người già yếu hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; 10 căn nhà còn lại thường xuyên khóa cửa.

Tháng 7.2021, ông Phán bị bệnh tai biến, phải nằm bệnh viện điều trị nhiều tháng liền, khi xuất viện, ông trở về Xóm Tạm. Vợ ông Phán năm nay cũng 70 tuổi, bị bệnh tim và đau xương sống, không lao động được. “Con cái kêu vợ chồng tôi về đất liền để dưỡng già, nhưng hiện còn 4 người con đang làm ăn sinh sống bên này, vợ chồng tôi ở lại để trông nom các cháu”- ông Phán nói.

Ở lại bên sông, gia đình ông Phán và các hộ gia đình con, cháu của ông tiếp tục đối diện với những khó khăn như canh tác nông nghiệp thất mùa, rớt giá, xa bệnh viện, trường học, chợ, thiếu nước sạch, thiếu điện, thiên tai, bão lụt…

Ông Phán trong căn nhà ở Xóm Tạm.

Ông Phán trong căn nhà ở Xóm Tạm.

Nên chăng quy hoạch khu tái định cư ?

3 năm nay, tất cả các hộ dân ở Xóm Tạm đều sắm một bộ đèn năng lượng mặt trời. “Ngày nào nắng tốt, buổi tối bà con ở đây có thể xem ti vi. Những ngày mưa dầm, bình ắc-quy tích điện không nhiều, ban đêm chỉ dám mở vài bóng đèn thắp sáng. Như vậy cũng ngon lắm so với thời xài đèn dầu, đèn bình, máy phát điện trước kia”- ông Phán nói.

Trong Xóm Tạm không có trường học, trẻ em muốn được học văn hóa phải ngày 2 buổi sang sông đến trường. Vợ chồng ông Phán có 4 đứa cháu nội đang học tiểu học, THPT trên địa bàn thị xã Hòa Thành.

Ông Phán kể: “Việc đi học của các học trò Xóm Tạm vô cùng vất vả. 6 giờ sáng, chúng phải theo mẹ ngồi vỏ lãi qua sông, đến trường. Con vào lớp học, mẹ của chúng thì vào làm trong Cụm công nghiệp Bến Kéo (ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam).

Tan học buổi sáng, cha của chúng rước bọn nhỏ về nhà. Đứa nào học buổi chiều thì nhờ cha đưa đến lớp, tan học thì đi bộ đến nhà bà con và ở đó chờ mẹ rước. Hôm nào mẹ của bọn chúng không tăng ca, thì khoảng 5 giờ chiều, bọn nhỏ được về tới nhà. Bữa nào xí nghiệp tăng ca, chúng về tới nhà là trời đã tối mịt”.

Việc học vất vả như thế, nên rất nhiều trẻ em ở đây chỉ học hết cấp một, cấp hai rồi chia tay trường lớp. Vợ chồng ông Phán có 7 người con, nhưng người học cao nhất chỉ đến lớp 9. Những người con còn lại nghỉ học sớm, ở nhà tiếp nối nghề của cha mẹ làm ruộng, chài lưới kiếm ăn. Lão nông này chia sẻ: “Tính đến nay, trong xóm chỉ có 3 người học đại học, trong đó, có một người học tiếp sau đại học và mới lấy bằng thạc sĩ, đang công tác ở tỉnh Đồng Nai; 2 đứa còn lại đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh”.

Sau giờ học buổi chiều, gần 19 giờ, mấy đứa cháu nội của ông Phán mới về đến nhà.

Sau giờ học buổi chiều, gần 19 giờ, mấy đứa cháu nội của ông Phán mới về đến nhà.

Nghỉ học sớm, anh Phan Quốc Phong, 45 tuổi- con trai thứ 4 của vợ chồng ông Phán nối nghiệp làm ruộng, đánh bắt cá của cha mẹ. Những lúc nông nhàn, anh đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Mùa nước nổi, anh trở về nhà kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trên đồng.

“Mấy năm trước tôi lên ruộng kéo lưới, mỗi ngày kiếm được cả trăm ký cá”- anh Phong cho hay. Anh Phan Văn Hải- cháu ông Phán cũng khoe, mùa nước nổi anh dùng vỏ lãi ra đồng nhổ bông súng trên đồng đem ra chợ bán. Trung bình mỗi ngày thu hoạch được hơn 100kg bông súng. Anh chở lên chợ Giang Tân (xã Long Thành Nam) bán lại cho thương lái với giá 3.000 đồng/kg.

Vất vả bao năm qua, người dân Xóm Tạm vẫn không mấy khá giả. Nên chăng chính quyền địa phương quan tâm, quy hoạch khu tái định cư trên địa bàn xã Long Thành Nam để di dời những hộ dân này về đất liền, bảo đảm an toàn và giúp họ an cư lạc nghiệp.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bap-benh-xom-tam-a150318.html