Barca có nguy cơ trượt dài như Arsenal
Cuộc cạnh tranh ở đỉnh cao của bóng đá châu Âu luôn khắc nghiệt, và mỗi khoảng thời gian tụt hậu luôn khiến các CLB lớn phải trả giá đắt.
Trước khi mùa 2021/22 bắt đầu, Chủ tịch Barca, Joan Laporta, và nhiều thành viên ban lãnh đạo đội bóng thường xuyên nói về sự kiên nhẫn. Barca đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử CLB.
Sự rời đi của Lionel Messi chắc chắn chỉ khiến mọi thứ tệ hơn. Tuy nhiên, câu hỏi với các nhà lãnh đạo Barca là khi nào thì đội bóng xứ Catalonia mới có thể trở lại?
Một đội bóng tầm thường
Barca không thắng trận thứ ba liên tiếp. Sau thất bại 0-3 trước Bayern Munich và hòa 1-1 hú vía khi đối đầu Granada, một điểm tẻ nhạt mà Barca có được trên sân Cadiz ở vòng 6 La Liga rạng sáng 24/9 (giờ Hà Nội) không khiến nhiều người ngạc nhiên.
Barcelona được đánh giá cao hơn Cadiz, nhưng khi trận đấu kết thúc, người ta đã hiểu tại sao đội bóng xứ Catalonia rơi vào khủng hoảng. Trước đó vài ngày, Koeman và các cầu thủ bị chế giễu vì tạt bóng 54 lần trong trận hòa Granada. Một Barca kiểm soát và đập nhả đẹp mắt trong quá khứ đã biến mất, thay vào đó là một đội bóng chơi trực diện và thử tấn công bằng đủ mọi cách.
Koeman phải chịu trách nhiệm cho lối chơi thất vọng của đội chủ sân Camp Nou. Nhưng lỗi liệu có nằm hoàn toàn ở HLV người Hà Lan?
Sau khi để cặp trung vệ Pique và Araujo lên đá tiền đạo ở trận gặp Granada, ông Koeman thừa nhận Barcelona không còn có thể chơi tiki-taka như trước. "Đội bóng buộc phải làm vậy vì thiếu nhân sự. Tôi vẫn muốn Barcelona thi đấu với lối đá phối hợp đặc trưng, nhưng phải thay đổi vì tình hình thực tế", Koeman cho biết.
HLV người Hà Lan không nói dối. Ở mùa giải trước, Barca của Koeman vẫn có những mảng miếng phối hợp trung lộ đặc trưng. Từng có nhiều năm thi đấu ở Barca cũng như dẫn dắt các CLB hàng đầu Hà Lan, Koeman thừa hiểu ông sẽ bị chỉ trích thế nào nếu để đội bóng xứ Catalonia chơi theo kiểu tạt cánh đánh đầu.
"Các bạn phải thực tế, phải nhìn vào đội hình Barca đang có, với những con người đang vắng mặt", Koeman nói sau trận hòa Cadiz. "Chúng tôi luôn cố thắng từng trận một, nhưng với tình hình nhân sự hiện tại là không dễ dàng".
Koeman thực tế bị chỉ trích nặng nề từ vài tuần qua, vì công khai chê bai năng lực của đội hình Barca hiện tại. Trả lời phỏng vấn kênh NOS của Hà Lan, cựu thuyền trưởng Everton bảo rằng cứ nhìn vào các buổi tập là biết trình độ cầu thủ Barca như thế nào.
HLV người Hà Lan cũng ám chỉ sự lệ thuộc của Barca vào Messi. Khi siêu sao người Argentina ra đi, phần còn lại của đội bóng không đủ năng lực để khỏa lấp khoảng trống Leo để lại.
Cuộc khủng hoảng tài chính của Barca không giúp ích gì cho Koeman trong việc tái thiết hậu kỷ nguyên Messi. Sau khi để Atletico Madrid ép giá thành công trong vụ mượn Antoine Griezmann ở ngày cuối của phiên chợ hè 2021, Barca phải mượn Luuk de Jong, người khi đó không còn được đá chính tại Sevilla để chữa cháy.
Luuk de Jong thậm chí đá chính cho Barca ở vai trò trung phong trong 3 trận gần nhất. Trước Granada, Koeman phải sử dụng Yusuf Demir, chân sút sinh năm 2003 để đá cặp cùng Depay và De Jong trên hàng công.
Với một hàng tiền đạo có chất lượng như thế, không khó hiểu khi Barca chơi bế tắc trước Cadiz. Sau giai đoạn thăng hoa đầu mùa, Depay trở về với đúng đẳng cấp vốn có của mình trước khi đến Barca.
Chân sút người Hà Lan bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn nhất, chơi bóng rườm rà và còn lâu mới có thể cứu giúp Barca khỏi cảnh khó khăn. Cú dứt điểm đi ra ngoài trong tư thế thoải mái ở phút bù giờ cuối cùng trận gặp Cadiz của Depay nói lên tất cả.
Cựu tiền đạo Manchester United là một chân sút giỏi, nhưng chưa đủ đẳng cấp và sự ổn định để trở thành đầu tàu của Barca, giống như Messi hay Luis Suarez trong quá khứ.
Trong màu áo tuyển Hà Lan ở Euro 2020, Depay cũng thường mất hút trong những trận cầu quan trọng. Người hâm mộ Barca có lẽ cũng không thể kỳ vọng gì nhiều hơn ở một bản hợp đồng theo dạng miễn phí từ Lyon, đội bóng tầm trung của nước Pháp.
Ở hàng tiền vệ, tài năng trẻ Gavi được RAC1 bầu chọn là cầu thủ hay nhất trận. Việc Barca dựa vào một cầu thủ sinh năm 2004 như Gavi cho thấy sự xuống dốc của đội bóng này.
HLV Arsene Wenger từng nói rằng khi một CLB hay HLV quyết định đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ, họ phải hiểu rằng hiếm mầm non nào có thể vụt sáng ngay lập tức.
Bất kỳ việc sử dụng một cầu thủ trẻ nào cũng sẽ khiến đội bóng phải hy sinh thành công trong giai đoạn ngắn hạn. Hoặc thậm chí, đó là đánh mất cơ hội cạnh tranh những danh hiệu cao nhất như Arsenal trong một thập niên qua.
Những phát biểu gây hấn của Koeman với ban lãnh đạo Barca và truyền thông xứ Catalonia trong thời gian qua không phải vô lý. HLV người Hà Lan tin rằng một khi ông buộc phải sử dụng các cầu thủ 17 hay 18 tuổi, đừng bao giờ kỳ vọng quá nhiều.
Khi nào Barca sa thải Koeman?
Bây giờ, câu hỏi với ban lãnh đạo Barca có lẽ là khi nào, chứ không còn là nên hay không sa thải Koeman nữa. Mối quan hệ giữa HLV người Hà Lan với ban lãnh đạo và người hâm mộ Barca đã xấu đi trong vài tuần qua.
Thậm chí, Koeman có thể đang đánh mất phòng thay đồ của đội bóng xứ Catalonia vì sự bướng bỉnh và những quyết định nhân sự độc đoán. Chiến lược gia người Hà Lan ám chỉ Laporta "lèm bèm" và không tôn trọng vai trò của HLV trưởng.
Ông Koeman còn công khai chê bai chất lượng cầu thủ Barca hiện tại, và khẳng định nhờ có Messi nên phần còn lại của đội bóng mới "trông có vẻ tốt". Trước Cadiz, nhà cầm quân 58 tuổi đã bị trọng tài truất quyền chỉ đạo sau khi phàn nàn về tấm thẻ đỏ của Frenkie de Jong.
Cả hai tấm thẻ vàng mà Frenkie de Jong phải nhận ở trận đấu vừa qua đều gây tranh cãi. Tuy nhiên, cái cách Koeman mất bình tĩnh cho thấy HLV người Hà Lan hiểu số phận sắp tới của mình như thế nào. Laporta chưa bao giờ đặt trọn niềm tin vào nhà cầm quân này.
Với cá tính mạnh của mình, Koeman cũng không tỏ vẻ ý nhị khi được hỏi về mối quan hệ với vị chủ tịch hiện tại của Barca. Koeman được Josep Maria Bartomeu, người đang bị các CĐV Barca coi là tội đồ, bổ nhiệm. Khi Laporta chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Barca vào tháng 3, ông đã muốn thay Koeman vì không tin tưởng năng lực của cựu danh thủ người Hà Lan.
Tuy nhiên, sau khi xem bản báo cáo tài chính của CLB, Laporta hiểu việc sa thải Koeman trước thời hạn tốn kém như thế nào. Bên cạnh đó, Barca cũng không có nhiều lựa chọn tốt trên băng ghế huấn luyện nếu sa thải Koeman.
Đó là lý do Laporta tiếp tục đặt niềm tin vào Koeman trước mùa giải 2021/22. HLV người Hà Lan có khởi đầu ổn khi cho thấy khả năng "liệu cơm gắp mắm", và sử dụng những cầu thủ trẻ như Gavi hay Demir.
Nhưng mọi chuyện xấu đi nhanh chóng kể từ sau trận thua 0-3 trước Bayern. Trước Bayern, các cầu thủ Barca cho thấy sự thụt lùi lớn về đẳng cấp so với các đội bóng lớn còn lại của châu Âu. Ngay cả khi sa thải Koeman, Barca cũng không dễ để tìm người thay thế.
Liệu HLV đẳng cấp nào sẽ chấp nhận giải cứu đội bóng xứ Catalonia? Nhìn quanh thị trường HLV đang tự do vào thời điểm hiện tại, người ta không thấy chiến lược gia đẳng cấp nào phù hợp với Barca.
Những Xavi hay Roberto Martinez đã được đề cập, nhưng họ chắc chắn cần thời gian để tái thiết đội bóng. Và thậm chí việc lựa chọn những cái tên kể trên cũng mang đến rủi ro cho Barca.
Nếu đến Barca, Xavi hay Martinez sẽ phải hài lòng với một ngân sách chuyển nhượng hạn chế, cùng việc sử dụng những cầu thủ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Bài học từ Arsenal một thập niên qua còn đó.
Sau khi Arsene Wenger rời đi, "Pháo thủ" thậm chí đánh mất luôn suất dự Champions League của mình. Nhà Kroenke, chủ sở hữu Arsenal, vài năm qua phải nới lỏng hầu bao để ngăn đà xuống dốc.
Về nền tảng tài chính, Barca lúc này còn kém hơn Arsenal, đội đang được hỗ trợ từ ông chủ người Mỹ và tiền bản quyền truyền hình Premier League.
Barca giờ kém Real Madrid đến 7 điểm và tụt xuống vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng La Liga. Nếu cứ chơi như thế này, đội chủ sân Camp Nou có lẽ phải tập trung cho cuộc đua top 4 thay vì giành chức vô địch La Liga.
Mọi chuyện với Barca sẽ còn tệ hơn nếu họ văng khỏi top 4 La Liga vào cuối mùa. Đội chủ sân Camp Nou phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhanh chóng, nếu không muốn đi vào vết xe đổ của Arsenal vài năm qua.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/barca-co-nguy-co-truot-dai-nhu-arsenal-post1258293.html