Bất an dưới chân núi

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện các điểm sạt lở đất, đá và sụt lún rất nguy hiểm. Các phương án tạm thời đã được đưa ra, tuy nhiên điều người dân mong mỏi là các ban, ngành liên quan của tỉnh sớm vào cuộc bằng các giải pháp căn cơ, lâu dài.

Nơm nớp lo sạt lở

Hơn 2 tháng qua, cuộc sống của người dân bản Qua, xã Xuân Hòa (Bảo Yên) bị đảo lộn bởi xuất hiện một vết nứt lớn lưng chừng đồi. Các vết nứt xuất hiện rải rác, trong đó vết nứt dài nhất khoảng 100 m, rộng 0,5 m, chiều cao tính từ chân đồi lên đến vết nứt 35 m đến 40 m, khối lượng đất đá khu vực vết nứt khoảng 10.000 m3. Căn nhà của anh Lìu Sơn Vảng đang xây dựng bị đất làm sạt một góc buộc phải tạm dừng toàn bộ, hiện cả gia đình đã đi ở nhờ nơi khác. Nhìn căn nhà mơ ước đã dựng thành hình nay phải vứt bỏ, anh Vảng không khỏi tiếc nuối nhưng nếu cố ở thì tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Khu vực sạt lở ở bản Qua, Xuân Hòa.

Khu vực sạt lở ở bản Qua, Xuân Hòa.

Cùng với gia đình anh Vảng, tại đây, tính mạng và tài sản của 5 hộ khác với 38 nhân khẩu cũng đang bị đe dọa. Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Qua kiểm tra, vết nứt đang tiếp tục sụt lún, nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa trực tiếp đến các hộ trên nên xã đã huy động các lực lượng tổ chức di dời khẩn toàn bộ nhân khẩu và tài sản. Tuyến đường qua khu vực đã lập 2 chốt ở 2 đầu, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và có người canh gác hạn chế người dân qua lại.

Tại thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Thẩn (Si Ma Cai) những ngày qua, mỗi khi mưa lớn, người dân nơi đây lại thấp thỏm lo đá lăn. Từ đỉnh núi phía sau khu định cư lâu đời của 8 hộ với 31 nhân khẩu, những tảng đá “mồ côi” bỗng dưng cựa mình lăn xuống phía dưới. Anh Cư Seo Quáng cho biết, cách đây gần 2 tháng, 1 tảng đá lăn từ đỉnh núi xuống trúng 2 tảng đá phía dưới vỡ ra và tiếp tục lăn xuống khiến người dân được một phen hú vía. “May có cây to chắn lại, nếu không sẽ lao thẳng vào nhà các hộ phía dưới” - Anh Quáng nói.

Người dân Nà Chí Phàng làm rào ngăn đá lở.

Người dân Nà Chí Phàng làm rào ngăn đá lở.

Đáng lo hơn, phía dưới khu vực đá lăn còn 1 phân hiệu mầm non với 14 trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Thầy giáo Cư Seo Dìn lo lắng lắm nhưng ngày nào cũng phải trấn an các cha mẹ để họ yên tâm đưa trẻ ra lớp. Sườn đồi dốc đứng, nếu đá lăn xuống thì bức tường xây của phân hiệu chẳng thể ngăn nổi, nghĩ đến đó thầy Dìn không muốn nói thêm nữa!

Mong mỏi tái định cư

Sau sự việc trên, UBND xã Lùng Thẩn đã báo cáo UBND huyện Si Ma Cai tìm phương án xử lý. Huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương dùng bột nở phá những tảng đá lớn. Một số tảng đá kích cỡ quá lớn không thể di chuyển được, người dân nghĩ ra cách làm rào bao quanh để “nhốt” lại. Anh Vàng Seo Sừ bảo, từ hôm tảng đá “mồ côi” lăn xuống, chưa hôm nào anh ngủ tròn giấc. Ban ngày còn đỡ lo chứ đêm xuống thì không biết trước điều gì, hôm nào mưa to, cả gia đình lại trèo lên gác ngủ đề phòng rủi ro.
Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn La Văn Nghiệp chia sẻ, do kinh phí dự phòng của xã hạn hẹp nên chỉ xử lý bước đầu. Việc di chuyển các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm rất khó thực hiện do kinh phí lớn, hơn nữa, ở vùng cao Lùng Thẩn tìm được mặt bằng tái định cư phù hợp không hề dễ.

Ông Trương Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết, về lâu dài, huyện đang tính toán xây dựng phương án đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ đến nơi ở an toàn hơn.

Tại Bản Qua, xã Xuân Hòa, sau khi xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở, UBND huyện Bảo Yên đã họp khẩn các đơn vị để có phương án ứng phó tại khu vực có khả năng sạt lở. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Tô Ngọc Liễn đã yêu cầu các lực lượng liên quan tổ chức ứng trực 24/24 giờ theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời kiên quyết không cho người dân quay trở về nhà ngủ để đảm bảo tính mạng. Tuy nhiên sau hơn 2 tháng chúng tôi quay trở lại nơi đây, một số hộ đã rục rịch về nơi ở cũ sinh sống. Ông Lý Văn Chung, Trưởng bản Qua cho biết, cả 6 hộ trong diện nguy cơ cao sau khi được chính quyền địa phương vận động đã chuyển đến ở tạm các hộ khác trong thôn, tuy nhiên sau một thời gian ở nhờ, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn nên họ lại quay về nhà cũ dù biết rất nguy hiểm. Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người dân đều hy vọng Nhà nước bố trí kinh phí xây dựng khu tái định cư để đồng bào nơi đây có điều kiện sinh sống tốt hơn.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh đã đến thực địa kiểm tra 2 khu vực trên và trong thông báo kết luận mới đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện Si Ma Cai và Bảo Yên phối hợp với sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án cụ thể, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Mùa mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, điều mong mỏi nhất của người dân lúc này là các sở, ngành liên quan sớm thống nhất phương án để bà con ổn định sinh sống.

Mạnh Dũng - Thành Phú

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/bat-an-duoi-chan-nui-z5n20200927142011865.htm