Bất an giữa 'ma trận' hàng giả (*): Vạch trần lỗ hổng, truy tìm trách nhiệm

Thiệt hại do hàng giả không chỉ là vấn đề tài chính mà ảnh hưởng niềm tin người tiêu dùng, ảnh hưởng thương hiệu

Hàng giả ngày càng tinh vi, trong khi công tác kiểm soát còn lỏng lẻo. Doanh nghiệp và người tiêu dùng lại ngại tố giác, khiến thực trạng này âm ỉ kéo dài suốt nhiều năm

Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng trong nước đã được phơi bày, khiến người dân bàng hoàng. Tuy nhiên, cũng không ít người đặt câu hỏi vì sao trong suốt thời gian dài, dù đã có luật, chế tài nhưng hàng giả vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng tinh vi, thách thức người tiêu dùng và cơ quan chức năng.

Phức tạp, nhiều lỗ hổng

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, cho biết thương hiệu hình thành 30 năm thì 30 năm tuyên chiến với hàng giả bởi mặt hàng này siêu lợi nhuận trong khi công tác thực thi còn nhiều lỗ hổng. "Nón Sơn chủ động thành lập đội chuyên trách chống hàng giả, theo dõi thị trường hằng ngày, tự xác minh thông tin sau đó phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc chứ không thụ động chờ đợi. Khi chính quyền địa phương 2 cấp vận hành trơn tru cùng với chuyển đổi số, liên thông dữ liệu, chúng tôi có niềm tin công tác xử lý hàng giả sẽ hiệu quả hơn" - ông Tý tin tưởng.

Cũng theo ông Tý, thiệt hại do hàng giả với Nón Sơn không chỉ là vấn đề tài chính mà ảnh hưởng niềm tin người tiêu dùng, ảnh hưởng thương hiệu. Ông Tý mong muốn người tiêu dùng khi mua sắm hãy thư thái xem xét các yếu tố để mua đúng hàng chính hãng. "Giờ đây, người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online rất nhiều do yếu tố tiện lợi. Nhưng đây cũng là cơ hội để các đối tượng bán hàng giả hoạt động do tính chất ẩn danh. Để xử lý được một vụ hàng giả trên mạng xã hội chúng tôi vất vả hơn rất nhiều so với các điểm bán truyền thống" - ông Tý đánh giá.

Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy các sản phẩm Nón Sơn giả tại TP HCM .Ảnh: NGỌC ÁNH

Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy các sản phẩm Nón Sơn giả tại TP HCM .Ảnh: NGỌC ÁNH

Giám đốc một công ty sản xuất nhớt tại TP HCM cho biết phản ánh thị trường nhớt giả, nhớt kém chất lượng đang rất phức tạp do quản lý lỏng lẻo. Theo ông, loại nhớt này chiếm không dưới 40% thị phần, trong đó phần lớn là nhớt dùng cho xe máy, còn nhớt giả cho ô tô cũng không kém. Nhớt giả có nhiều loại: giả thương hiệu nổi tiếng, không đủ hợp chuẩn, hợp quy, hoặc nguy hiểm hơn là các loại "ba không" (không đăng ký, không địa chỉ, không công bố chất lượng). "Nhóm này đang phát triển mạnh, không ai kiểm soát, bán tràn lan trên thị trường. Chúng tự thiết kế nhãn mác, bao bì, dùng nguyên liệu trôi nổi, đóng gói thành phẩm rồi bán với giá rẻ, được nhiều tiệm sửa xe mua vào để bán cho khách" - đại diện DN này nói.

Chuyên gia thương mại điện tử (TMĐT) Lưu Thanh Phương lý giải tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT hiện nay có thể phát sinh từ việc các sàn chưa có quy trình kiểm duyệt đủ chặt chẽ. Mặc dù các sản phẩm khi đăng tải cần kèm giấy tờ hợp pháp nhưng thực tế nhiều nhà bán hàng đã lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống để làm giả chứng từ, hoặc "treo đầu dê bán thịt chó", sau đó đưa sản phẩm giả lên bán. Điều này khiến người tiêu dùng khi mua hàng không thể nhận diện được sự khác biệt giữa hàng thật và hàng giả, dẫn đến việc mua phải sản phẩm không đạt chất lượng, gây thiệt hại cho họ và làm giảm uy tín của DN đang sở hữu sản phẩm thương hiệu đó.

Ngại tố giác

Trong khi đó, bà Đại Khả Quỳnh, Trưởng Ban Sở hữu trí tuệ và Chống hàng giả của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), cho biết hàng giả hiện nay được làm tinh vi, giống hệt hàng thật, thậm chí còn in cả mã QR, tem chống giả. Các sản phẩm giả này vẫn in rõ thương hiệu của các DN xe máy thuộc VAMM, kèm theo tem hợp quy, tem chống giả và cả dòng chữ ghi đơn vị sản xuất thuộc hiệp hội. Do đó, người tiêu dùng khi mua linh kiện xe máy cần kiểm tra kỹ bao bì.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cũng nhận định hàng giả hiện nay rất phức tạp, hầu như mặt hàng nào cũng có hàng giả, khiến người tiêu dùng hoang mang, khó mua được sản phẩm thật. Người tiêu dùng cũng không biết nên tìm mua hàng chính hãng ở đâu. Các chủ nhãn hiệu hiện vẫn còn hạn chế trong việc truyền thông, cung cấp thông tin để người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả.

DN cũng chưa làm tốt công tác tuyên truyền, chưa hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện và mua hàng chính hãng. Thậm chí, ngại công bố thông tin về sản phẩm của mình bị làm giả, vì lo sợ gây hoang mang và ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng vẫn ngại tố giác, khiếu nại khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, vì tâm lý cho rằng đã mua giá rẻ nên khi phát hiện cũng bỏ qua.

Chính điều này vô tình tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả và khiến người tiêu dùng không thể nhận diện. Khi hàng giả tràn lan, cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát hết. Do đó, ông Hồng đề nghị cần có biện pháp xử lý nghiêm, áp dụng chế tài đủ mạnh để răn đe, không cho các đối tượng tái phạm. Đồng thời, người tiêu dùng cần tẩy chay, nói không với hàng giả, không tiếp tay tiêu thụ hàng giả.

Khó xác định người bán, hàng hóa

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, cho biết trong lĩnh vực TMĐT, các đối tượng vi phạm dễ dàng ẩn danh sau tài khoản ảo, thông tin giả, thậm chí điều hành từ nước ngoài hoặc vận chuyển hàng liên tỉnh mà không để lại dấu vết cụ thể. TMĐT giúp họ tiếp cận người tiêu dùng nhanh, phạm vi rộng, dễ thay đổi thông tin, khiến việc kiểm tra, truy vết của cơ quan chức năng thêm khó khăn.

Các đối tượng còn dùng nhiều chiêu trò tinh vi như bán hàng giá rẻ nhưng quảng cáo bằng hình ảnh hàng thật; sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), giả khuôn mặt (deepfake) để giả mạo người nổi tiếng, giọng nói, hình ảnh, lừa người tiêu dùng thiếu hiểu biết hoặc lớn tuổi. Ngoài ra, chúng còn lập website, fanpage có giao diện, tên miền, logo giống thương hiệu lớn để lừa đảo.

Ông Huy thừa nhận nút thắt lớn nhất hiện nay là tính ẩn danh và phân tán thông tin trên TMĐT. Việc xác định người bán, kho hàng, địa điểm lưu trữ rất khó vì họ dùng địa chỉ ảo, số điện thoại không chính chủ, giao dịch tiền mặt, vận chuyển qua nhiều trung gian làm đứt gãy truy vết.

Trong khi đó, ông Trần Việt Hùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ QLTT, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng chính sách tự công bố, hậu kiểm là phù hợp thông lệ quốc tế, song quan trọng nhất vẫn là đạo đức, trách nhiệm của DN, hộ kinh doanh. "Ở nước ngoài, ai vi phạm sẽ bị cấm hoạt động vĩnh viễn, không thể đổi tên lập DN mới" - ông nhấn mạnh.

Do đó, ông mong muốn DN, hộ kinh doanh nâng cao ý thức, không vì lợi nhuận mà làm sai, công bố một đằng, sản xuất một nẻo, để người tiêu dùng Việt phải gánh hậu quả. Ông cũng kêu gọi người tiêu dùng hãy nói không với hàng giả, hàng nhái, đồng thời các cơ quan chức năng quyết liệt "làm ngày, làm đêm" để dẹp sạch hàng kém chất lượng.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, đề nghị DN nên mở rộng mạng lưới phân phối, thêm cửa hàng trực tiếp, trung tâm giới thiệu sản phẩm, nơi có thể trưng bày hàng thật - hàng giả giúp người tiêu dùng dễ phân biệt.

Về lâu dài, để chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cho biết Bộ Công Thương đang triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 theo Quyết định 319 của Chính phủ, trước mắt tập trung truy xuất nguồn gốc cho các ngành như dệt may, da giày, điện tử.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-6

Sáng nay, 2-7, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin" qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tọa đàm được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia và DN góp thêm ý kiến, giải pháp nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, mang lại sự minh bạch cho thị trường.

Tránh gây xáo trộn

Ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy, cho biết việc cơ quan chức năng tổng lực kiểm tra hàng lậu, hàng giả đã góp phần làm sạch thị trường, bảo vệ DN làm ăn chân chính. Tuy nhiên, cuộc chiến này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến DN.

"Nghe tin bắt giữ hàng giả hàng loạt, người tiêu dùng trở nên hoang mang, e dè mua sắm. Ngay cả công ty chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nặng, các kênh phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại tạm ngưng nhập hàng để nghe ngóng. Khách hàng nước ngoài cũng trì hoãn nhập vì lo ngại. Sức mua giảm sút, không xuất được hàng, công ty phải sản xuất cầm chừng cả tháng qua" - ông Thủy nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO cà phê Meet More, cho rằng thị trường cà phê vốn đã tồn tại tình trạng thật giả lẫn lộn suốt hàng chục năm. Nay cả nước đồng loạt chống hàng giả khiến ngành cà phê không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Ông đề nghị nên có lộ trình từng bước, từng khu vực để tránh gây đứt gãy chuỗi phân phối. "Quản lý lâu nay còn lỏng lẻo, quy định cũng chưa rõ thế nào là hàng kém chất lượng. Nhiều DN vẫn sản xuất hàng thật nhưng tỉ lệ ra sao thì đạt chuẩn lại chưa cụ thể" - ông Luận cho biết.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bat-an-giua-ma-tran-hang-gia-vach-tran-lo-hong-truy-tim-trach-nhiem-196250701205844848.htm