Hàng gian, hàng giả: 'Độc dược' ẩn mình trong đời sống
Hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược phẩm đang âm thầm đe dọa sức khỏe cộng đồng. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực để xử lý, ngăn chặn.
Thủ tướng đã ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg phát động đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ 15-5 đến 15-6-2025, với mục tiêu “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Trong một tháng qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực xử lý hơn 3.100 vụ vi phạm, với tổng giá trị hơn 63 tỉ đồng.
Không chỉ là vi phạm thương mại
Những năm gần đây, khái niệm hàng giả đã vượt xa việc đơn thuần nhái mẫu mã hay gắn mác thương hiệu. Nhiều sản phẩm được làm giả tinh vi đến mức người tiêu dùng khó phân biệt, thậm chí ngay cả người bán cũng không dễ nhận ra. Nguy hiểm nhất là tình trạng hàng giả len lỏi vào lĩnh vực y tế - nơi đáng lẽ phải là tuyến phòng vệ cuối cùng cho sức khỏe con người, nay lại trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất.
Đặc biệt, với các sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và dược phẩm giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng.

Hàng ngàn hộp thuốc, thực phẩm chức năng bị đổ bỏ ở Bình Chánh, TP.HCM ngày 6-6. Ảnh: NGUYỄN TÂN.
Gần đây, Bộ Công an đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Các vi phạm phổ biến gồm kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, không có giấy phép...Dù kiểm tra tăng cường, tình trạng hàng giả vẫn diễn ra phức tạp. Một trong những nhóm sản phẩm bị làm giả phổ biến nhất là mỹ phẩm, do nhu cầu làm đẹp tăng cao và tâm lý của người tiêu dùng khi chuộng hàng rẻ.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM vẫn nhớ như in trường hợp một bệnh nhân nữ, 48 tuổi, quê Long An, bị tổn thương nặng nề da mặt vì tin vào quảng cáo “trắng nhanh, sạch nám sau 7 ngày” trên mạng.
Sau ba tháng dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, da chị trở nên mỏng đỏ, lộ mao mạch, phát ban, nổi mụn viêm. Dù đã điều trị nhiều tháng bằng kháng sinh, ánh sáng và thuốc phục hồi, làn da không thể phục hồi hoàn toàn.

Số lượng thuốc, thực phẩm chức năng bị đổ bỏ đều là thực phẩm chức năng được khuyên dùng cho trẻ em. ẢNH: PHẠM HẢI
Bác sĩ Hiền cảnh báo, nhiều sản phẩm làm đẹp “thần tốc” trôi nổi chứa corticoid mạnh, chì, thủy ngân, hóa chất lột da, chất tạo màu độc hại… có thể gây kích ứng, lệ thuộc mỹ phẩm, tàn phá làn da, thậm chí dẫn đến ung thư.
"Dù là mỹ phẩm cá nhân hóa hay sản phẩm doanh nghiệp, đều phải công bố thành phần rõ ràng, sản xuất tại nhà máy đạt chuẩn GMP, nhãn mác minh bạch và qua kiểm định. Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những quảng cáo “thần kỳ” thiếu kiểm chứng" - BS Hiền nói.
Nguy hiểm khó lường
Không dừng lại ở mỹ phẩm, hàng giả còn lấn sân mạnh vào nhóm thực phẩm chức năng, sản phẩm được nhiều người sử dụng để tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, niềm tin này đang bị lợi dụng một cách nguy hiểm, người tiêu dùng không chỉ mất tiền mà còn đối mặt với nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, cho biết các sản phẩm này không chỉ là hàng kém chất lượng mà còn thuộc nhóm “gian lận thực phẩm” (food fraud), với các hành vi như: Cố ý thay thế, pha trộn, làm giả nguyên liệu hoặc gian dối thông tin nhãn mác vì mục đích lợi nhuận.

Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM.
Theo Tiến sĩ Đồng, hậu quả của gian lận thực phẩm không chỉ là việc người tiêu dùng vô tình tiếp nhận các sản phẩm thiếu dinh dưỡng thiết yếu, mà còn có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người cao tuổi, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
“Đối với thực phẩm chức năng giả, người dùng thường không nhận được lợi ích như mong đợi vì hàm lượng hoạt chất thấp hoặc chất lượng kém, đồng thời còn gây áp lực tinh thần do lo âu, căng thẳng khi phát hiện sản phẩm không an toàn hoặc không hiệu quả” - TS Đồng nói.
Trước quan niệm cho rằng thực phẩm giả chỉ “kém chất lượng một chút” và không nguy hiểm nếu dùng ngắn hạn, TS Đồng khẳng định đây là suy nghĩ sai lầm. Theo ông, thực phẩm giả không chỉ thiếu dưỡng chất cần thiết như đạm, vitamin mà còn tiềm ẩn nguy cơ chứa chất gây dị ứng, kích ứng hoặc tích tụ độc tố như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, dẫn đến các bệnh mãn tính về lâu dài.
TS Đồng cho hay ngay cả khi sử dụng trong thời gian ngắn, thực phẩm giả vẫn có thể làm giảm sức đề kháng, gây mệt mỏi, suy yếu cơ thể. “Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh có nguy cơ mất đi cơ hội phát triển toàn diện. Nguy hiểm hơn, việc sử dụng thực phẩm giả khi đang mắc bệnh có thể làm chậm trễ điều trị, khiến tình trạng sức khỏe trở nên trầm trọng hơn” - TS Đồng nhấn mạnh.
1 tháng xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm
Đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ 15-5 đến 15-6-2025 do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chủ trì, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau một tháng cao điểm kiểm tra hàng hóa trên cả nước, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 3.114 vụ vi phạm, với tổng giá trị hơn 63 tỉ đồng.
Trong đó, lực lượng chức năng kiểm tra 3.891 vụ, xử phạt hành chính hơn 32 tỉ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá gần 31 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 36 tỉ đồng. Trong đó, 26 vụ có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cho cơ quan điều tra, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỉ trọng lớn nhất, với 1.580 vụ (chiếm 52%), số tiền xử phạt là 16 tỉ đồng. Tiếp theo là nhóm buôn lậu với 648 vụ (chiếm hơn 21%), xử phạt hơn 6 tỉ đồng.
Một số nhóm hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng tiếp tục được giám sát chặt. Riêng nhóm này, từ năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý gần 1.000 vụ, trong đó có 783 vụ liên quan đến sữa vi phạm.
Bài toán nan giải
Thực trạng hàng gian, hàng giả tràn lan không chỉ là bài toán nan giải với cơ quan quản lý, mà còn đe dọa quyền lợi của người tiêu dùng. Theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, người tiêu dùng muốn tự bảo vệ mình cần chủ động hiểu rõ quyền lợi pháp lý, yêu cầu hóa đơn, truy xuất nguồn gốc và chọn sản phẩm minh bạch thông tin.
Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM.
Thực tế, nhiều người vẫn bị thu hút bởi giá rẻ, khuyến mãi hoặc tin mù quáng vào quảng cáo từ người nổi tiếng, đặc biệt với các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
“Lòng tham và sự cả tin khiến người tiêu dùng dễ trở thành nạn nhân” - bà Thu cảnh báo, đồng thời bà nhận định công tác truyền thông còn rời rạc, chưa tiếp cận được nhóm dễ bị tổn thương, nhất là người tiêu dùng phổ thông.
Trong khi đó, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM chỉ có quyền tư vấn, hòa giải, không xử lý được vi phạm. Vì vậy, bà Thu khuyến cáo: "Người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu kỹ sản phẩm, chỉ mua hàng rõ nguồn gốc, có hóa đơn, giấy tờ đầy đủ để tự bảo vệ chính mình".
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/hang-gian-hang-gia-doc-duoc-an-minh-trong-doi-song-post858017.html