Bất an những chuyến đò trên đầm Thị Nại
Nhiều tuyến đò dân sinh ở Bình Định hoạt động không đảm bảo an toàn, người dân không mặc áo phao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.
Tính mạng treo trên ngọn nước
Tuyến đò thôn Vinh Quang 2 đi Cồn Chim thuộc xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) là tuyến thủy nội địa duy nhất để người dân ra vào Cồn Chim. Mỗi ngày, có hàng chục lượt đò chở hàng trăm người dân ra vào trung tâm xã để học tập, buôn bán cũng như chở du khách ra Cồn Chim tham quan.
Có mặt tại bến đò Vinh Quang 2 vào những ngày đầu tháng 12, PV Báo Giao thông ghi nhận thời tiết xấu, có mưa lớn và gió mạnh. Dù vậy, đây là phương tiện duy nhất để người dân ra vào Cồn Chim nên các chuyến đò vẫn hoạt động bình thường.
Từ hướng Cồn Chim, một chiếc đò băng đầm Thị Nại hướng vào bến Vinh Quang 2. Nói là bến, nhưng bến đò Vinh Quang 2 chẳng có cầu tàu. Các phương tiện được người điều khiển tấp vào sát bờ đê, sau đó hàng chục người dân thản nhiên bước xuống.
Mặc dù phải di chuyển cắt ngang qua đầm Thị Nại mênh mông nước, nguy cơ tai nạn rình rập, nhất là vào mùa mưa bão, nhưng hầu như trên chuyến đò ngang hoạt động ở đây hiếm thấy hành khách mặc áo phao.
Người điều khiển đò là một phụ nữ đã lớn tuổi cũng không hề mặc áo phao. Người này cho biết, đa số người đi đò là dân địa phương đã quen sông nước nên không ai muốn mặc áo phao vì họ đều… biết bơi. Còn học sinh không mặc vì thấy bất tiện, mất thời gian.
Khoảng cách từ xóm Cồn Chim đến thôn Vinh Quang 2 khoảng 600m. Thời gian đi đò mất chừng 5-10 phút nếu thời tiết tốt. Còn khi thời tiết xấu, có gió mạnh, thủy triều dâng cao, thời gian di chuyển dài hơn.
Tương tự, tại bến đò Hàm Tử (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đi Nhơn Châu hay tuyến đò dân sinh vượt hồ Núi Một từ xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) đi làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh), mỗi ngày có hàng chục lượt người qua lại.
Những tuyến đò này mất từ 1-2 giờ lênh đênh trên mặt nước nhưng đa số theo quan sát đều không thấy người dân mặc áo phao khi ngồi trên đò.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Theo ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, để đảm bảo vận chuyển hành khách đi lại trên tuyến đò ngang Cồn Chim - Vĩnh Quang 2, chính quyền đã hỗ trợ 750 triệu đồng để đóng mới 2 phương tiện đò ngang, giao cho 2 cá nhân trúng đấu giá (việc đấu giá tiến hành hằng năm) vận hành rồi thu phí. Mỗi năm, 2 cá nhân vận hành phương tiện trên đóng lại cho xã vài chục triệu.
"Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã trang bị đầy đủ áo phao, cấp phát áo phao miễn phí cho người dân. Xã cũng thường xuyên nhắc nhở các chủ đò yêu cầu khách mặc áo phao, song vẫn còn tình trạng người dân chủ quan", ông Hải thừa nhận.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 tuyến thủy nội địa Hải Cảng - Nhơn Châu được công bố là đang hoạt động. Những tuyến thủy khác vẫn hoạt động để phục vụ người dân nhưng không đủ điều kiện để công bố.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Định cho hay, thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho chủ các phương tiện, người điều khiển phương tiện, vận động hành khách mặc áo phao. Tuy nhiên, việc chấp hành chưa nghiêm nên nguy cơ TNGT vẫn rất cao.
"Để ngăn tai nạn, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Về phía sở, sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến thủy nội địa, điểm, bãi đón trả khách, phương tiện, người điều khiển không đủ điều kiện", ông Tuấn nói.