Bất bình đẳng giáo dục tại Pakistan

Pakistan đối mặt với khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng, khi hơn 26 triệu trẻ em không được đến trường, phần lớn ở các vùng nông thôn.

Trẻ em gái Pakistan phải làm ruộng thay vì được đi học.

Trẻ em gái Pakistan phải làm ruộng thay vì được đi học.

Các vấn đề cơ bản như đói nghèo, cơ sở hạ tầng kém, thiếu giáo viên và tác động của biến đổi khí hậu đã làm tình hình giáo dục thêm trầm trọng.

Sau khi đi học về, em Aneesa Haroon, 11 tuổi, sống tại một ngôi làng ở ngoại ô Karachi, Pakistan, vội vàng cất chiếc cặp sách cũ nát để cùng cha ra đồng hái rau. Aneesa được đến trường thay vì phải làm việc ngoài đồng cả ngày là kết quả của cuộc “đàm phán” giữa cha mẹ và giáo viên từ khi em mới 7 tuổi. Thời điểm đó, cha mẹ Aneesa từng định cho em nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Không may mắn như Aneesa, nhiều trẻ em tại Pakistan, nhất là trẻ em gái, không được đến trường. Nguyên nhân là nhiều gia đình tin rằng làm ruộng mang lại thu nhập và nhiều lợi ích hơn đi học. Điều này khiến trẻ em Pakistan không được giáo dục đầy đủ và ngành Giáo dục nước này lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh không tin tưởng vào khả năng cạnh tranh của con cái mình nếu chúng học ở các trường công kém chất lượng. Vì vậy, họ chọn cho con em mình học các kỹ năng lao động, thay vì tiếp cận giáo dục chính quy.

Ngoài ra, giáo dục ở Pakistan còn bị chi phối bởi các yếu tố khác như bất ổn trong khu vực, thời tiết cực đoan và thiếu hụt cơ sở vật chất. Chính phủ Pakistan, dù đã đưa ra “tình trạng khẩn cấp về giáo dục” và hứa tăng ngân sách giáo dục, vẫn không thể giải quyết tận gốc các vấn đề này.

Ở các khu vực ngoại ô Karachi, các trường học tư thục phi lợi nhuận như Roshan Pakistan Foundation đã trở thành cứu cánh duy nhất cho nhiều trẻ em. Trường giúp cộng đồng nhận ra tầm quan trọng của giáo dục. Tuy nhiên, nhiều gia đình chỉ đồng ý cho con cái đi học nếu được đổi lại khẩu phần ăn, bù đắp cho thu nhập bị mất.

GS Adil Najam, giảng dạy tại Đại học Boston chỉ ra: “Chất lượng giáo dục thấp đã làm tăng tình trạng bỏ học, đặc biệt khi phụ huynh nhận thấy con cái mình không thể cạnh tranh với học sinh từ các trường tốt hơn. Điều này dẫn đến việc các gia đình thay vì đầu tư vào giáo dục, lại chọn dạy con cái các kỹ năng lao động để kiếm sống”.

Tình trạng giáo dục tại Pakistan phản ánh vấn đề toàn cầu về sự công bằng trong giáo dục. Đối với nhiều trẻ em ở các vùng nông thôn, việc đến trường không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một cuộc chiến đấu không ngừng với đói nghèo, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội. Nếu không có những cải cách mạnh mẽ và toàn diện, tương lai của hàng triệu trẻ em ở Pakistan vẫn bị đe dọa và tình trạng thiếu công bằng trong giáo dục ngày một sâu sắc hơn.

Các cuộc khảo sát cho thấy, tình trạng trẻ em bỏ học đã giảm từ 44% vào năm 2016 xuống còn 36% vào năm 2023. Tỷ lệ giảm nhưng con số thực vẫn tăng do dân số gia tăng. Trẻ em gái là đối tượng chịu thiệt thòi nhất, đặc biệt ở các vùng nghèo như Balochistan, nơi một nửa số trẻ em gái không được đến trường. Chính phủ Pakistan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về giáo dục và cam kết sẽ tăng ngân sách giáo dục trong năm năm tới. Mặc dù vậy, những thay đổi này vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề căn bản.

Theo France 24

Phạm Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bat-binh-dang-giao-duc-tai-pakistan-post716472.html