Bắt buộc kê đơn thuốc điện tử
Các chuyên gia đề xuất ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để buộc các cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc thực hiện nghiêm túc quy định kê đơn thuốc điện tử
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, từ 1-10, các bệnh viện bắt buộc kê đơn thuốc điện tử. Đây là lần thứ ba lùi mốc triển khai việc kê đơn thuốc điện tử do nhiều nơi chưa đồng bộ với hạ tầng và kết nối hệ thống.
Chấm dứt đơn thuốc viết tay
Lộ trình triển khai kê đơn thuốc điện tử được Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư 26 về quy định đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực từ đầu tháng 7-2025. Theo đó, các bệnh viện phải thực hiện kê đơn điện tử trước ngày 1-10-2025, còn các cơ sở khám chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 1-1-2026.
Việc thực hiện kê đơn thuốc điện tử đã được Bộ Y tế đặt ra từ năm 2022. Tuy nhiên, do vướng mắc về hạ tầng công nghệ và dữ liệu liên thông, thời hạn bị lùi nhiều lần. Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế xác định đây là mốc "bắt buộc, không thể trì hoãn".
Thống kê cho thấy hiện cả nước mới có khoảng 12.000 trong hơn 60.000 cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên kết nối đơn thuốc điện tử, chủ yếu là bệnh viện công lập. Nhiều bệnh viện tuyến cuối chỉ liên thông đơn thuốc bảo hiểm, chưa triển khai với đơn khám theo yêu cầu. Gần 40.000 cơ sở tư nhân chưa thực hiện liên thông, còn nhiều nơi vẫn kê đơn giấy hoặc dùng phần mềm nhưng không chuẩn, không kết nối hệ thống. Trong hơn 218 triệu đơn thuốc đã liên thông, chỉ khoảng 3,6 triệu đơn ngoại trú được cập nhật là đã bán tại nhà thuốc.
Theo quy định mới, đơn thuốc điện tử bắt buộc có số định danh cá nhân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Khi đã có số định danh, người bệnh không cần kê khai thêm giới tính, ngày sinh, địa chỉ. Với thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất, bác sĩ chỉ được kê khi thật sự cần, kèm theo lý do, liều dùng và cam kết từ người bệnh hoặc người giám hộ. Phần thuốc chưa dùng hết cũng phải được hoàn trả, báo cáo đầy đủ nếu bệnh nhân ngừng điều trị hoặc qua đời.
Hiện Bộ Y tế đã vận hành hệ thống đơn thuốc quốc gia, tích hợp đầy đủ mã cơ sở y tế, mã bác sĩ và mã đơn thuốc. Hệ thống này giúp kết nối giữa nơi khám chữa bệnh và cơ sở bán lẻ thuốc, hướng tới mục tiêu mỗi năm có thể lưu trữ khoảng 600 triệu đơn thuốc.
Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, khi đơn thuốc được cập nhật lên hệ thống, nhà thuốc sẽ kiểm tra mã QR trước khi cấp phát, giúp theo dõi chính xác loại thuốc đã bán và phát hiện sai sót, đặc biệt với kháng sinh. Về lâu dài, đơn thuốc điện tử cũng là nền tảng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân, phục vụ quản lý điều trị liên tục.

Hệ thống máy tính được trang bị tại bệnh viện, phục vụ việc kê đơn thuốc điện tử và liên thông dữ liệu. Ảnh: NGỌC DUNG
Vướng liên thông dữ liệu quốc gia
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ tháng 11-2024, bệnh viện đã ngừng hoàn toàn việc sử dụng bệnh án giấy, chuyển sang bệnh án điện tử, bao gồm cả kê đơn thuốc. "Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 8.000 đến 10.000 lượt bệnh nhân, lượng giấy tờ rất lớn. Việc số hóa không chỉ giúp giảm tải hành chính mà còn hướng tới mô hình bệnh viện thông minh" - PGS Cơ nói.
BSCK2 Trần Chánh Xuân, Bệnh viện quận 11 (phường Phú Thọ, TP HCM), cho biết tại bệnh viện đã áp dụng đơn thuốc điện tử từ lâu, song song với việc sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện.
Thực tế, nhiều người có thói quen đi khám tại bệnh viện, sau khi dùng hết thuốc thì không tái khám mà tự mua thuốc ở các nhà thuốc. BS Xuân nhận định đơn thuốc điện tử sẽ góp phần hạn chế tình trạng này.
"Khi đơn thuốc điện tử được áp dụng đồng bộ, mỗi đơn sẽ có hiệu lực trong một đợt khám cụ thể. Nếu quá thời hạn hoặc không có đơn hợp lệ, phần mềm nhà thuốc sẽ không cho phép bán thuốc kê đơn. Như vậy, người dân buộc phải quay lại khám để bác sĩ đánh giá lại tình trạng bệnh. Đây là cách hiệu quả để tránh việc dùng thuốc sai liều, sai bệnh, đặc biệt với các loại thuốc kháng sinh hay đặc trị" - BS Xuân phân tích.
BSCK2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (phường Bình Trưng, TP HCM), cho biết bệnh viện cũng đã chính thức đưa vào sử dụng bệnh án điện tử và thực hiện kê đơn thuốc điện tử nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc liên thông dữ liệu lên Hệ thống thông tin y tế quốc gia vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đồng bộ. Các khó khăn chủ yếu tập trung ở 3 mảng: Tài chính, hạ tầng phần mềm và nhân lực công nghệ thông tin.
Trong khi đó, theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Bệnh viện Đa khoa quốc tế Minh Anh (phường An Lạc, TP HCM), bệnh viện đã triển khai kê đơn thuốc điện tử từ nhiều năm nay. Không chỉ vậy, bệnh viện còn thường xuyên tổ chức "bình toa thuốc". Đó là một quy trình kiểm tra và đánh giá chặt chẽ các toa thuốc được kê tại bệnh viện, nhằm bảo đảm tính hợp lý, an toàn và hiệu quả của việc điều trị bằng thuốc.
Tính đúng, tính đủ vào viện phí
Để thúc đẩy quá trình liên thông dữ liệu và vận hành kê đơn điện tử đồng bộ, hiệu quả, bền vững, BSCK2 Trần Văn Khanh kiến nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý sớm có những hỗ trợ cụ thể.
Thứ nhất, tính chi phí đầu tư công nghệ thông tin và bệnh án điện tử vào cơ cấu viện phí, giúp các bệnh viện chủ động tài chính trong nâng cấp hạ tầng.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình kết nối hệ thống bệnh viện với Hệ thống thông tin y tế quốc gia, qua đó tạo nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ chuyên môn và quản trị.
Thứ ba, số hóa toàn bộ hồ sơ nội trú, ngoại trú và ban hành lộ trình xử lý hồ sơ giấy cũ nhằm giải quyết tình trạng quá tải kho lưu trữ và thiếu không gian bảo quản lâu dài.
L.Anh
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bat-buoc-ke-don-thuoc-dien-tu-196250709192010583.htm