Bắt cá, cào ốc ở 'rừng ngập mặn' giữa TP Phan Thiết
Ẩn mình giữa lòng TP Phan Thiết là quần thể thực vật ngập nước tự nhiên rộng 32 ha. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, như một lá phổi xanh của thành phố.
Gần 23h, bên trong cánh "rừng ngập mặn" gần cầu Hùng Vương (TP Phan Thiết) vẫn thấp thoáng ánh đèn pin. Người dân ở đây ai cũng quen với hình ảnh người đàn ông lọ mọ một mình chèo thuyền thúng, kéo lưới rập trong đêm.
Ngày nào cũng vậy, ông Trần Văn Phương đều đặn đi thả lưới rập bắt tôm, cá trong quần thể thực vật ngập mặn này. Buổi chiều, tranh thủ nước lớn, ông Phương thả hơn 50 chiếc lưới, chờ một buổi tối bội thu.
Đêm xuống, tiếng ếch nhái xen với âm thanh vo ve của muỗi.
"Không có nhang thì muỗi bu kín mặt”, vừa nói, ông Phương vừa đẩy mái chèo, đưa thúng tiến vào con lạch sâu phía trong.
Mưu sinh trong "rừng ngập mặn"
Ông Trần Văn Phương (53 tuổi, phường Phú Hài) sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Phan Thiết. Ông đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của thành phố vài năm trở lại đây.
Thời trai trẻ, ông Phương theo thuyền đi biển. Có lúc ông gom đủ vốn để đóng một chiếc thuyền riêng. Tuy nhiên, thời gian sau, ông không đủ sức, đánh bắt hải sản ít dần nên ngư dân này bán con thuyền, trở về với chiếc thúng trên sông.
Hơn 10 năm qua, ông Phương cùng chiếc thuyền thúng mon men mọi ngóc ngách trong quần thể thực vật ngập mặn. Mỗi ngày được vài cân cua, cá, tôm đất... Ông mang tất cả ra chợ bán được khoảng 300.000-500.000 đồng.
Người đàn ông 53 tuổi cặm cụi gỡ vài con cá trên lưới. Càng về khuya, không gian càng im ắng, chỉ còn tiếng bập bõm của những chiếc lưới rập được kéo lên.
"Ngày nào cũng 3-4h sáng mới về, kịp giờ bà nhà đem tôm, cá ra chợ bán", ông Phương nói.
Chiếc thuyền thúng cùng đống lưới rập kia là phương tiện ông Phương dùng để mưu sinh, nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học. Đối với một người dân xứ biển như ông Phương, chiếc thúng như gắn liền với cả cuộc đời.
Sáng hôm sau, ông trở lại với guồng quay công việc giũ, rửa và xếp lưới rập để tranh thủ 15h vào "rừng" thả lưới.
Ông Phương nhớ lại ngày trước, cánh "rừng" này chỉ là đầm tôm, đầm muối, sau khi nhiều người làm ăn không được thì bỏ lại. Lâu ngày, cây đước, bần mọc lên ngày càng dày và cao. Gần 20 năm, nơi đây mới hình thành một khu "rừng ngập mặn" xanh tốt được bao quanh bởi con sông Cầu Ké. Từ đó, các loài chim, cò bay về trú ngụ.
Tờ mờ sáng cuối tháng 4, tranh thủ nước tại con sông ven "rừng" rút gần cạn, anh Trương Văn Tý (phường Thanh Hải) cùng một số ngư dân trong vùng đem theo đồ nghề đến mò ốc quắn.
Buộc dãy thau nhựa vào người, anh Tý lội xuống sông, dùng tấm lưới tự chế kéo thau là là mặt nước. Cứ liên tục như vậy khoảng 2-3 giờ, những chiếc thau nhựa đầy ắp những con ốc vừa nhỏ vừa dài.
Mỗi năm, cứ vào khoảng sau Tết đến hết tháng 3 âm lịch, người dân quanh vùng sông Cầu Ké lại tranh thủ đi cào ốc quắn. Ốc quắn là loại thủy sản có thân dài, đuôi nhọn, sống ở các vùng nước lợ ven biển. Vài năm trở lại đây, chúng được nhiều trại nuôi tôm hùm ưa chuộng mua về làm thức ăn cho tôm.
Càng về trưa, thủy triều càng lớn, nước giữa sông lên quá đầu người, cũng là lúc anh Tý kết thúc công việc cào ốc. Trung bình mỗi ngày anh Tý cào được 7-8 bao tải ốc.
"Nghề này cũng nhàn, mỗi buổi làm liên tục 3 giờ cũng được 700.000-800.000 đồng tiền ốc", anh Tý cho biết.
Cũng như ông Phương, anh Trương Văn Tý là một trong số nhiều người lao động tại Phan Thiết đang sống dựa vào khu "rừng ngập mặn" này.
Giữ lại toàn bộ quần thể thực vật ngập nước
Nhiều người dân TP Phan Thiết chia sẻ khi con đường Hùng Vương (tuyến đường nối trung tâm thành phố Phan Thiết với khu du lịch Mũi Né) mở rộng thì khu "rừng ngập mặn" mới lộ ra, được nhiều người biết đến.
Quần thể thực vật ngập nước này được con sông Cầu Ké bao quanh, nằm trên địa bàn 3 phường Phú Thủy, Phú Hài và Thanh Hải, tạo mảng xanh và hệ sinh thái độc đáo ngay trung tâm TP Phan Thiết.
Khu "rừng ngập mặn" còn gọi là khu vực dự án 5 (Công viên Hùng Vương) có diện tích hơn 32 ha, vốn được quy hoạch là khu công viên, cây xanh, thể thao.
Tuy nhiên, năm 2009, nơi này được điều chỉnh quy hoạch, khoảng 12 ha dùng để xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ, giao thông và phần công viên còn khoảng 20 ha. Việc tách 12 ha làm khu dân cư, thương mại dịch vụ để tỉnh tổ chức đấu giá đất lấy tiền xây dựng phần công viên.
Sau chuyến thị sát hồi tháng 4/2021, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho rằng cần giữ lại toàn bộ diện tích khu đất ngập nước có cây tái sinh này làm công viên cây xanh, phát triển hệ sinh thái đặc biệt này, giữ lá phổi xanh cho TP Phan Thiết.
Chia sẻ với Zing, Bí thư Dương Văn An nói rằng quỹ đất để phát triển khu dân cư hay thương mại dịch vụ ở TP Phan Thiết còn nhiều, có thể tổ chức đấu giá đất ở những nơi khác. "Nhiều nơi người ta bỏ tiền ra để trồng thêm rừng ngập mặn, trong khi ở đây có quần thể thực vật ngập nước tái sinh là điều hiếm hoi, cần phải giữ lại. Nếu làm khu dân cư ở đây, Phan Thiết sẽ mất một phần khu sinh thái ngập nước không thể tái tạo được", ông An nói.
"Thường trực Tỉnh ủy đã có kết luận giao UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo vệ và phát triển hệ sinh thái ngập nước tại khu đất này, đồng thời báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh quy hoạch theo hướng giữ lại toàn bộ khu đất này để làm công viên sinh thái và một số công trình công cộng phù hợp", Bí thư Dương Văn An cho biết thêm.
Điều đó có nghĩa là không thực hiện việc “cắt” đất làm khu dân cư nữa. Theo ông Dương Văn An, tỉnh sẽ cải tạo nơi này thành khu công viên sinh thái ngập nước, dựa trên không gian và quần thể cây, lạch nước, hồ nước hiện hữu.
"Phía ngoài kênh sẽ được xây kè để bảo vệ, chống xâm thực, sạt lở, tạo đường đi bộ, xe đạp quanh khu vực. Phía trong, bên những con lạch kết nối với kênh thoát lũ để lấy nước và tạo điều kiện cho các loài thủy sinh phát triển, có thể làm hệ thống cầu bộ hành, tạo đường đi dạo dưới tán cây để người dân đi bộ, tập thể dục... hay đắp những mô đất cho các bạn trẻ có thể đến sinh hoạt dã ngoại", ông An nói về ý tưởng bảo tồn và phát triển quần thể thực vật ngập nước giữa lòng Phan Thiết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bat-ca-cao-oc-o-rung-ngap-man-giua-tp-phan-thiet-post1208460.html