Bắt căn bệnh lâu ngày về chậm giải ngân vốn đầu tư công
'Mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý và giữa chính quyền các cấp với nhau trong một dự án đầu tư công hiện nay rất phức tạp, chồng chéo, không rõ ràng khâu này níu chân khâu kia', Dương Quang Chính – Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước – cho biết.
Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 22-9, ông Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước – chia sẻ, số vốn giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức 159.000 tỉ đồng – tương ứng 33,9% kế hoạch vốn do Quốc hội giao – gồm 145 ngàn tỉ đồng từ nguồn vốn trong nước, 7,061 ngàn tỉ đồng từ nguồn vốn vay nước ngoài và 7,065 ngàn tỉ đồng là vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo ông, tỷ lệ này dù đã tăng khoảng 5,34% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu
Thực trạng nói trên, theo ông Đoàn Xuân Tiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì nguyên nhân chủ quan là sự chậm trễ của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án tại một số khâu, gồm: hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công còn chậm…
Thậm chí, vai trò chỉ đạo, tinh thần dám nhận trách nhiệm của người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương cũng chưa được đề cao.
Thêm vào đó, kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là ở các dự án dưới thực hiện theo hình thức đối tác công tư.
Mở rộng vấn đề, Thạc sĩ Dương Quang Chính – Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước – cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công là cơ chế chính sách chưa rõ ràng, đồng bộ.
Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền giữa địa phương và trung ương trong quản lý, phê duyệt, thực hiện dự án còn nhiều bất cập. Kết quả, nhiều dự án xuất hiện tình trạng “quyền lợi thì vơ vào, trách nhiệm đùn đẩy, thoái thác” – khi phát sinh vấn đề thường không có ai đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết.
Ông Chính cho rằng, ngân sách địa phương chiếm đến hơn 80%, trong khi ngân sách trung ương chỉ chiếm chưa tới 20% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách trong năm 2020.
“Dù số vốn quản lý được phân cấp rõ ràng, nhưng quy trình quản lý và thủ tục hành chính lại không như vậy”, ông Chính nếu vấn đề.
Theo ông, vai trò của địa phương đối với các dự án đầu tư do Trung ương quản lý rất lớn, như vai trò trong việc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Ngược lại, vai trò của các bộ, ngành trung ương đối với các dự án đầu tư của địa phương cũng không hề nhỏ, như cho ý kiến về chủ trương đầu tư, đánh giá tính khả thi dự án, đề xuất bố trí vốn...
“Quan hệ quản lý, hay nói cụ thể là mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý và giữa chính quyền các cấp với nhau trong một dự án đầu tư công hiện nay rất phức tạp, chồng chéo, không rõ ràng khâu này níu chân khâu kia”, ông Chính kết luận.
Thách thức đến từ đền bù giải phóng mặt bằng
Một vấn đề khác cũng được Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước nêu ra là trách nhiệm được giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong Luật Đầu tư công 2019 nhằm bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư theo kế hoạch và các chế tài liên quan đến việc lập kế hoạch sử dụng vốn không sát với thực tiễn, thậm chí rất mơ hồ.
Với công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án, ông Chính cho biết, cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Nhưng Luật Đất đai 2013 đã không lường hết khả năng giá trị mỗi mảnh đất sẽ biến đổi – sau khi chúng bị thu hồi, giao cho các nhà đầu tư triển khai dự án – khiến giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng gia tăng.
Theo ông Chính, có một nguyên nhân khiến nhiều dự án đầu tư công có kế hoạch chi tiền rồi, nhưng người dân không bàn giao đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị kẹt cứng, không thể triển khai trên thực tế các dự án và dòng vốn sẽ không chảy được.
ThS. Ngô Minh Kiểm – Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước – nhận xét, các dự án sử dụng vốn vay ODA lớn như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên hiện chịu nhiều điều kiện ràng buộc điều kiện từ bên cho vay trong việc nhập khẩu vật tư, thiết bị, sử dụng chuyên gia, nhà thầu nước ngoài dẫn đến khó khăn, chậm trễ khi xử lý những phát sinh, tranh chấp.
Liên quan tới tới vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Hà – Giám đốc Sở Tài chính TPHCM – từng đề xuất Bộ Tài chính làm văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất giá trị vốn vay ODA với dự án Bến Thành - Suối Tiên. Trong đó, Bộ Tài chính chấp thuận để UBND TPHCM được hoàn vốn đã ứng trước cho dự án với giá trị hơn 4.419 tỉ đồng.
Hoàng Thắng