Bất cập của Sổ sức khỏe điện tử khiến người dân kêu trời
Trong những ngày gần đây, nhiều người dân than phiền khi gặp các vấn đề bất cập của Sổ sức khỏe điện tử như chậm cập nhật, thiếu thông tin, thông tin chưa chính xác về tình trạng tiêm chủng...
Nhiều thông tin bỗng dưng “biến mất”
Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng trên nền tảng thiết bị điện tử giúp người dân Việt Nam biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân. Sổ sức khỏe điện tử cũng là ứng dụng có tiện ích chứng nhận tiêm chủng COVID-19.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử
Với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, mỗi người dân Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin COVID-19 sẽ có 1 “chứng nhận tiêm chủng” điện tử bằng mã QR, kèm theo giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Người dân có thể tra cứu "Chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19" của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Người tiêm xong mũi 1 có chứng nhận màu vàng, còn đã hoàn thành mũi 2 có chứng nhận màu xanh lá cây.
Ngay sau khi ra đời, Sổ Sức khỏe điện tử đã trở thành một trong những ứng dụng điện thoại được tải nhiều nhất tại Việt Nam. Hiện đã có gần 6,7 triệu điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng này. Tuy nhiên, vì mới ra đời và đi vào hoạt động nhanh chóng nên ứng dụng này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Trong những ngày gần đây, nhiều người liên tục than phiền khi gặp các vấn đề liên quan đến ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Người dân lo lắng khi TP HCM có kế hoạch áp dụng “thẻ xanh”, “thẻ vàng” để cho phép người dân đi lại, làm việc nhưng dù đã đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 nhưng trên Sổ sức khỏe điện tử chỉ cập nhật 1 mũi. Có người đã hoàn thành 2 mũi tiêm nhưng Sổ sức khỏe điện tử vẫn chưa cập nhật bất kỳ mũi nào; có người đã tiêm nhưng không có giấy chứng nhận nên không thể đề nghị chỉnh sửa hay tiêm mũi thứ 2.
Trong đó, lỗi phổ biến nhất nhiều người dân phản ánh là sau khi tải app về và sử dụng thì gặp một loạt các vấn đề như không đăng ký được tài khoản, thường xảy ra lỗi, không quét được mã QR trên bảo hiểm y tế, ứng dụng hoạt động chập chờn…
Một vấn đề cũng được người dân đặc biệt quan tâm đó là giấy chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19 trên Sổ sức khỏe điện tử. Không ít người cho biết đã tiêm 1-2 tháng nhưng khi tra cứu trên ứng dụng thì vẫn chưa được cập nhật thông tin.
Những sai sót, thiếu dữ liệu trên Sổ sức khỏe điện tử khiến nhiều người không khỏi lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quá trình áp dụng "thẻ xanh", "thẻ vàng" với người đã tiêm vắc xin như một loại "giấy thông hành" khi tham gia giao thông và trở lại làm việc, học tập... tại một số tỉnh thành trong thời gian sắp tới.
Cơ quan chức năng đang tập trung giải quyết
Theo đại diện đơn vị cung cấp phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, trong 4 ngày tính đến sáng 13/9, đã có khoảng 800.000 người gửi phản ánh việc gặp các rắc rối khi truy vấn thông tin tiêm chủng cá nhân. Trong đó 60% phản ánh có liên quan việc "đã tiêm rồi nhưng cổng chưa cập nhật thông tin" hoặc "tiêm đủ 2 mũi nhưng mới chỉ cập nhật 1 mũi", "sai thời gian tiêm", "đã gửi thông tin lên hệ thống nhưng chưa được cập nhật"... Các phản ánh này chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.
Đến ngày 13/9, qua so sánh dữ liệu cá nhân, đơn vị này cho hay, còn khoảng 2 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật dữ liệu lên ứng dụng tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, hệ thống mới vận hành, chưa phải tất cả các đơn vị tiêm đã tổ chức tiêm trên phần mềm nên dẫn đến dữ liệu bị cập nhật chậm lên hệ thống.
Ngoài ra, hệ thống quản lý điều hành cũng chưa hoàn thiện, thiếu một số chức năng cho người quản lý điều hành cấp; số liệu thống kê chưa chính xác. Đặc biệt, các địa phương chưa được cấp tài khoản để xem danh sách người dân đăng ký tiêm trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và cổng thông tin tiêm chủng .
Đại diện Cục Công nghệ thông tin cũng lưu ý, trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 mới có danh sách gần 9.000 điểm tiêm chủng, trong khi thực tế có khoảng 18.000 điểm tiêm chính thức và rất nhiều còn các điểm tiêm lưu động. Do đó, nhiều người dân khi cập nhật sẽ không tìm được địa điểm nơi mình đã tiểm chủng, nên không đủ thông tin cần thiết, đây là nguyên nhân phần mềm sẽ không tiếp nhận thông tin đưa lên hệ thống.
Hướng dẫn người dân đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” tại chốt kiểm soát dịch nút giao IC7 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ
Trước tình hình này, ông Nguyễn Trường Nam cho hay, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương, đôn đốc các đơn vị triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19, đồng thời cập nhật kết quả tiêm trước đó lên hệ thống trước ngày 20/9.
Ông Nam cho biết thêm, trong trường hợp muốn điều chỉnh thông tin tiêm vắc xin, người dân cần cung cấp đầy đủ thông tin, đính kèm ảnh chụp Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 vào phần phản ánh thông tin tiêm vắc xin COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng tiemchungcovid19.gov.vn hoặc đến số đường dây nóng 19009095.
Sau đó, người dân cần điền đầy đủ các thông tin cá nhân cần thiết như họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, đơn vị công tác, số điện thoại và cuối cùng là mục thông tin cần điều chỉnh.
Tại đây, người dùng có thể gửi yêu cầu điều chỉnh thông tin về mũi tiêm một, mũi tiêm 2 hoặc cả hai mũi, sau đó nhập thông tin cần điều chỉnh và bấm thêm tệp để tải lên giấy chứng nhận được cấp trước đó rồi bấm gửi.
Khi nhận được thông tin, đơn vị tiêm vắc xin COVID-19 sẽ chịu trách nhiệm cập nhật và nhập dữ liệu của người được tiêm vắc xin lên hệ thống.
Đại diện Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - đơn vị được giao triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia - cho biết đơn vị có thực hiện nâng cấp hiệu năng hệ thống nên có thể đây là nguyên nhân khiến nhiều người dùng bị mất các chứng nhận tiêm đã có. Song, đại diện Viettel Solutions cho biết chỉ một số ít trường hợp tạm thời không nhìn thấy chứng nhận tiêm. Viettel Solutions cũng khẳng định không có chuyện mất dữ liệu tiêm chủng của người dân. Toàn bộ dữ liệu đều được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.