Bất cập gây tai nạn chết người tội nhẹ hơn thương tích
Thực tế xét xử cho thấy, việc áp dụng Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ đang có những bất cập khi tài xế gây tai nạn chết người tội nhẹ hơn gây tai nạn làm nạn nhân thương tích.
Linh hoạt áp dụng hình phạt phù hợp
Ngày 15/9/2023, Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt 18 tháng tù giam đối với bị cáo N.T.B (47 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Tòa án Nhân dân huyện Phú Riềng tuyên phạt bị cáo N.T.B 18 tháng tù giam.
Ngày 16/1/2023, tài xế B điều khiển ô tô lưu thông trên đường tỉnh 759, đến đoạn qua xã Phước Tân, huyện Phú Riềng thì ô tô lấn sang làn đường bên trái, va chạm với xe mô tô lưu thông chiều ngược lại, do ông N.H.T điều khiển chở bà Đ.T.H.V (ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Hậu quả, hai người trên xe mô tô tử vong tại hiện trường.
Kết luận điều tra xác định nguyên nhân chính gây ra TNGT do bị cáo B điều khiển ô tô đi không đúng phần đường quy định.
Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã thông qua Án lệ 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi gây tai nạn. Nhưng trong xây dựng pháp luật, các cơ quan liên quan cần phải bịt mọi kẽ hở để tránh những đối tượng xấu lợi dụng.
Cần nghiên cứu, rà soát những bất cập để có giải pháp điều chỉnh phù hợp hơn với diễn biến trong thực tế. Trước mắt, trong khi chờ đợi sửa luật thì có thể đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn để điều chỉnh những nội dung có sự bất hợp lý.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Trước đó, ngày 29/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm, phạt tài xế Bùi Thế H (SN 1975, trú TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) mức án 3 năm tù vì tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", được quy định tại điểm b, e khoản 2 Điều 260, Bộ luật Hình sự.
Ngày 12/4/2021, H điều khiển ô tô BKS 68H - 3951 lưu thông trên quốc lộ 61 đã thiếu quan sát, va chạm vào ông Nh (SN 1977) và bà C đi bộ qua đường.
Tai nạn xảy ra làm bà C bị thương tích 99%, còn ông Nh bị thương tích 23%. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nh và bà C là 122%.
Một kiểm sát viên tại Hà Nội chia sẻ, trong quá trình tham gia xét xử các vụ án tai nạn giao thông cho thấy, việc áp dụng quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự hiện có những bất cập, gây khó khăn khi xử lý, giải quyết các vụ án liên quan TNGT.
"Hiện, bị can phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ mà hậu quả làm 1 người chết; hoặc làm 2 người bị thương nhưng tổng tỷ lệ thương tích từ 61-121% thì sẽ bị truy cứu hình sự theo điểm a khoản 1 Điều 260 với khung hình phạt từ 1-3 năm tù.
Nhưng nếu gây tai nạn làm 2 người bị thương với mức thương tật từ 122% trở lên, thì sẽ ở khung hình phạt của điểm e khoản 2 Điều 260, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 3-10 năm tù", kiểm sát viên này phân tích.
Xác nhận thực tế định khung hình phạt, nếu gây TNGT làm 2 người chết, 1 người bị thương có thể đối diện mức án 3-10 năm tù, nhưng nếu làm 3 người bị thương với tổng thương tích 201% trở lên thì khung hình phạt là 7-15 năm tù, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, Điều 260, Bộ luật Hình sự quy định tội danh có cấu thành tội phạm vật chất, nghĩa là việc truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm đặt ra đối với hành vi phạm tội khi có hậu quả xảy ra.
Luật sư phân tích, có những trường hợp nạn nhân trong các vụ TNGT bị thương tích với tỷ lệ từ 61% trở lên, có những trường hợp phải sống thực vật kể từ khi gặp tai nạn, gây ra nỗi khổ tâm, khó khăn cho bản thân nạn nhân và người thân trong gia đình.
"Khi đó, thiệt hại về vật chất và tinh thần rất lớn, không khác gì thiệt hại về tính mạng. Có trường hợp nạn nhân không tử vong ngay thời điểm tai nạn, nhưng do thương tích nghiêm trọng, sức khỏe giảm sút nên tuổi thọ cũng không được kéo dài", ông Cường nói.
Bởi vậy, luật sư cho rằng để so sánh hậu quả nạn nhân tử vong với hậu quả nạn nhân bị thương tích nghiêm trọng phải điều trị dài ngày, sức khỏe suy giảm, chi phí chăm sóc lớn cái nào thiệt hại hơn là rất khó.
Hiện nay, Điều 260, Bộ luật Hình sự đang có những khung hình phạt dao động ở các mức khác nhau (1-5 năm, 3-10 năm...). Do đó, khi áp dụng pháp luật hình sự, cơ quan tiến hành xét xử sẽ linh hoạt trong việc áp dụng hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Không để kẽ hở tạo "luật ngầm" man rợ
Tuy nhiên, việc áp dụng Điều 260, Bộ luật Hình sự đang khiến nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý lo ngại về những kẽ hở có thể bị trục lợi, mà câu chuyện giới tài xế rỉ tai nhau về việc cố ý tông chết người bị tai nạn để đỡ phải thăm nuôi, đền bù nhiều lần tốn kém như một thứ "luật ngầm" man rợ, khiến người tham gia giao thông lo sợ.
"Quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền sống. Hành vi làm chết người phải có khung hình phạt cao hơn hành vi làm thương tích. Khi luật áp dụng vào cuộc sống phát sinh bất cập thì cần phải sửa đổi, không thể áp dụng khung hình phạt bị thương cao hơn với mức chết người", luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông luật nhìn nhận.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM phân tích, kẽ hở pháp lý có thể tạo động cơ xấu cho các đối tượng phạm tội. Chẳng hạn như sau khi gây tai nạn đối tượng phạm tội sẽ không chủ động đưa người bị nạn đi cấp cứu mà có thể bỏ mặc, hoặc cố tình làm cho người bị nạn chết nhằm được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao thông làm chết hai người lại bị xử tội nhẹ hơn làm bị thương ba người; hoặc làm chết một người lại áp dụng khung hình phạt thấp hơn hai người bị thương, có sự bất cập.
"Những bất cập nêu trên có thể sẽ tạo động cơ xấu cho các đối tượng phạm tội. Thực tế trong thời gian qua, không ít vụ việc tài xế khi gây tai nạn giao thông không cứu giúp người bị nạn, mà họ còn thực hiện hành vi cán qua lại để cho người bị hại chết", ông Hòa nêu ví dụ.