Bất cập khai hải quan xuất khẩu gạo
Sau khi Chính phủ cho xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4-2020, người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long rất vui vì giá đã tăng trở lại nhưng doanh nghiệp kinh doanh gạo và nếp đang lâm vào cảnh khó khăn vì không kịp làm tờ khai báo hải quan từ lúc 0 giờ đến 3 giờ sáng 12-4.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (Quốc lộ 1A, phường Tân Khánh, TP Tân An, tỉnh Long An) Nguyễn Tuấn Khoa cho biết, để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo, thời gian qua, doanh nghiệp đã chọn hướng xuất khẩu gạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao gắn với nhãn hiệu hàng hóa gạo Việt Nam. Với cách làm này, thời gian qua, doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng với đối tác Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines để tiêu thụ gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Sau khi tiếp nhận thông tin của Thủ tướng Chính phủ cho phép trong tháng 4-2020, các doanh nghiệp được xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo, công ty lên lịch sản xuất và hoàn tất đóng 1.037 tấn gạo thơm vào 45 container vận chuyển về cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh để xuất bán cho các đối tác.
Thế nhưng, vào lúc 0 giờ sáng 12-4, có thông tin cho mở tờ khai hải quan, công ty chỉ thực hiện được hai tờ khai, tổng cộng năm container với sản lượng 119 tấn. Hiện tại, còn lại 40 container đã hạ bãi cảng Cát Lái chờ xuất từ ngày 24-3 đến nay không thể thông quan để giao hàng cho các đối tác.
Với số lượng 40 container đang lưu cảng, mỗi ngày, công ty phải tốn chi phí 3.000 USD. Mặt khác, gạo đã đóng vào container để lưu bãi càng lâu thì chất lượng càng giảm không thể xuất bán cho khách hàng sẽ dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp tồn kho 7.500 tấn gạo chất lượng cao, nếu không được thông quan thì sẽ không thể thu mua lúa hè thu của nông dân chuẩn bị thu hoạch. Trước tình hình này, công ty kiến nghị cấp trên cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu đối với các hợp đồng đã ký để giải quyết hết lượng hàng còn nằm lại ở cảng Cát Lái.
Không chỉ gạo mà mặt hàng nếp thương phẩm ở Long An cũng không thể thông quan bán được cho khách hàng. Vì trong số 400 nghìn tấn gạo Chính phủ cho phép xuất khẩu thì không có sản lượng nếp thương phẩm.
Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, thị trấn Thủ Thừa (tỉnh Long An) Nguyễn Quang Hòa cho biết, bình quân mỗi năm, công ty thu mua và tiêu thụ khoảng 200 nghìn tấn nếp thương phẩm của bà con sản xuất. Từ ngày 24-3 đến nay, doanh nghiệp không xuất bán được container nếp thương phẩm nào cho khách hàng do không có tên trong danh sách cho xuất khẩu. Hiện tại, công ty đã dừng mọi hoạt động sản xuất, hơn 13 nghìn tấn nếp thương phẩm đang nằm tại ụ cảng Cát Lái và 30 nghìn tấn trong kho không biết làm sao tiêu thụ.
Hợp đồng đã ký xuất khẩu với các đối tác, nếu không giao đúng thời hạn sẽ phải bồi thường hợp đồng. Với tình hình này kéo dài, công ty sẽ phá sản vì mặt hàng nếp thương phẩm là sản phẩm đặc thù, chuyên làm nguyên liệu sản xuất bánh. Nếu không xuất khẩu được, để lâu trong kho sẽ giảm chất lượng, tiêu thụ trong nước thì chẳng được bao nhiêu người mua.
Giám đốc Sở Công thương Long An Lê Minh Đức cho biết, Long An là tỉnh sản xuất lúa gạo đứng thứ ba toàn quốc và sản xuất nếp đứng nhất cả nước. Vừa qua, Chính phủ cho xuất 400 nghìn tấn thì Long An chỉ kịp thời khai hải quan được 8.500 tấn, quá ít so với tổng sản lượng sản xuất của Long An, trong đó mặt hàng nếp thương phẩm không có tên trong danh sách được xuất khẩu. Đây là vấn đề khó khăn cho tỉnh Long An.
Qua thống kê, vụ đông xuân 2019 - 2020, nông dân Long An gieo trồng khoảng 65 nghìn ha, chiếm khoảng 32% diện tích trồng lúa trong toàn tỉnh, sản lượng khoảng 65 nghìn tấn. Từ ngày 24-3 đến nay, tất cả doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng nếp thương phẩm đã phải tạm dừng hoạt động vì chưa được phép thông quan xuất khẩu. Hiện tại, lượng nếp thương phẩm tồn kho là 56 nghìn tấn được doanh nghiệp thu mua của người dân trong chuỗi sản xuất. Vấn đề này đang làm nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng nếp thương phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải cứu sản lượng nếp thương phẩm đang tồn kho và để bảo đảm mục tiêu duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, cho Long An xuất khẩu mặt hàng nếp thương phẩm không hạn chế số lượng, có mã HS 1006.30, nhằm giải quyết xuất khẩu lượng nếp tồn kho của các doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới tiếp tục thu mua nếp của nông dân với giá mua tốt hơn.
Trong đợt khai báo vừa qua, có 41 doanh nghiệp kịp thời khai hải quan, trong đó Công ty cổ phần tập đoàn Intimex có số lượng khai báo nhiều nhất là 96.234 tấn, thấp nhất là Công ty TNHH thương mại Chiến Thắng với số lượng chín tấn. Mặt khác, việc khai hải quan xuất khẩu gạo vừa qua được diễn ra từ 0 giờ đến 3 giờ sáng 12-4 nên có rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện được.
Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp mong Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét lại việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu một cách hợp lý, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.