Bất cập Khu tái định cư được xây dựng sát bên mỏ đá
Khu tái định cư Tân Phước, thuộc phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đi vào hoạt động từ năm 2016 nhưng đến nay mới chỉ có 7 hộ dân xây dựng nhà và sinh sống.
Nguyên nhân là do khu tái định cư được quy hoạch xây dựng ngay sát một mỏ đá đang hoạt động. Việc khai thác đá khiến cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề của bụi, tiếng ồn và rung chuyển của nổ mìn khai thác đá.
Khu tái định cư Tân Phước với 532 lô đất, được xây dựng bài bản trên một khu đất rộng và bằng phẳng với diện tích 15ha, hệ thống giao thông được thảm nhựa rộng rãi, thông thoáng, hệ thống điện được xây dựng ngầm. Đây là khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án tại phường Tân Phước và các xã, phường lân cận thuộc huyện Tân Thành cũ nay là thị xã Phú Mỹ. Tuy nhiên, khu tái định cư lại được quy hoạch xây dựng ngay sát bên mỏ đá của Công ty Cổ phần Phước Hòa Fico, trong khi mỏ đá này có giấy phép hoạt động từ năm 1986 và phải đến năm 2045 mới hết hạn.
Việc khu tái định cư được quy hoạch nằm ngay sát mỏ đá khiến nhiều hộ dân sau khi Nhà nước thu hồi đất làm các dự án và được bố trí tái định cư tại đây không muốn về xây dựng nhà cửa. Do vậy, toàn bộ khu tái định cư rộng đến 15ha nhưng chỉ lác đác có 7 hộ dân sinh sống.
Là một trong 7 hộ dân đang có nhà tại Khu tái định cư Tân Phước, anh Nguyễn Văn Hiếu, về đây sinh sống từ năm 2021 đến nay cho biết: Hằng ngày, cứ vào khoảng 11 giờ 30 là mỏ đá lại nổ mìn để khai thác. Ở ngay gần mỏ đá nên mỗi khi nổ mìn là nhà anh lại rung lên bần bật dù đã được xây dựng kiên cố. Vào mùa khô, bụi từ mỏ đá bay mù mịt lan ra cả khu vực rộng lớn. Người dân đã làm đơn gửi chính quyền địa phương phản ánh về tình trạng nổ mìn và ảnh hưởng từ bụi khai thác đá, nhưng đến nay chưa có phản hồi hay phương án xử lý. Nhiều người được cấp tái định cư ở khu vực này nhưng khi tới đây thấy quá bụi và sát bên mỏ đá nên đã bán đất, đi nơi khác sinh sống.
Do có rất ít người dân về xây dựng nhà cửa nên hệ thống đường điện ngầm dưới đất đã bị kẻ gian đào cắt trộm gần như hoàn toàn, trộm cắp vặt cũng thường xuyên xảy ra, tình hình an nình trật tự trong khu vực khá phức tạp.
Còn anh Nguyễn Thành Trung, ở phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ chia sẻ, gia đình anh có 200m đất bị giải tỏa để làm đường chữ T, cách đây hơn 3 tháng, gia đình anh bốc thăm tái định cư và trúng về khu Tân Phước. Mặc dù biết là ở gần ngay mỏ đá, ngày ngày mìn nổ, bụi đá bay khắp nơi nhưng gia đình anh không có lựa chọn nào khác. Dự kiến đầu năm 2024 anh sẽ tiến hành xây dựng nhà tại khu tái định cư.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Phi Trường, Chủ tịch UBND phường Tân Phước cho biết, việc người dân tại Khu tái định cư Tân Phước phản ánh bụi từ việc khai thác đá và nổ mìn làm rạn nứt nhà các hộ dân là đúng thực tế. Ông được biết, huyện Tân Thành cũ (nay là thị xã Phú Mỹ) chọn khu đất tại phường Tân Phước làm khu tái định cư là do theo quy hoạch, ngay sát bên hông Khu tái định cư Tân Phước sẽ là những con đường lớn, nối từ trung tâm thị xã Phú Mỹ về đây và kết nối với quốc lộ 51. Như vậy trong tương lai, khu tái định cư này giao thông đi lại rất thuận tiện, là khu vực trung tâm của thị xã Phú Mỹ. Bên cạnh đó, tại khu vực này có sẵn một phần là diện tích đất công nên việc đền bù giải phóng mặt bằng không mất nhiều đất của người dân, giảm chi phí trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
“Trước tình trạng bụi do ô nhiễm từ khai thác đá, giải pháp trước mắt là tại các khu đất công còn lại ngay sát Khu tái định cư Tân Phước, UBND phường đã trồng nhiều cây tràm để che chắn bớt phần nào bụi bay ra trong quá trình nghiền đá, nổ mìn. UBND phường đã làm việc với các mỏ đá, doanh nghiệp cũng cam kết giảm thiểu tối đa bụi bằng việc tưới nước, ứng dụng các công nghệ vào trong hoạt động khai thác đá. Phía doanh nghiệp cũng đã thực hiện cam kết này”, ông Nguyễn Phi Trường thông tin thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, trước thực trạng trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chủ trương thúc đẩy phía Công ty Cổ phần Phước Hòa Fico tăng nhanh sản lượng khai thác để kết thúc hoạt động, sớm đóng cửa mỏ. Biện pháp hiện nay thị xã đang thực hiện là thường xuyên làm việc với doanh nghiệp, yêu cầu phía doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường trong quá trình khai thác mỏ. Tuy nhiên, do mỏ đá đang khai thác quá gần khu dân cư nên khó tránh khỏi bụi.
Theo ghi nhận thực tế, các giải pháp mà phường và UBND thị xã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện chỉ hạn chế được phần nào bụi từ mỏ đá phát tán ra do khoảng cách giữa mỏ và khu dân cư quá gần nhau. Những cây tràm được trồng hiện nay do ô nhiễm, bụi đá phủ kín lá khiến cây cũng không lớn nổi.
Khu tái định cư Tân Phước hiện còn rất nhiều lô đất trống chưa có chủ. Người dân trên địa bàn thị xã Phú Mỹ sau khi thu hồi đất được Nhà nước đền bù giải phóng mặt bằng, có đủ điều kiện nhận tái định cư vẫn bốc số và được sắp xếp vào đây. Tuy nhiên, hầu hết người dân không vào ở mà rao bán đất để đi nơi khác sinh sống hoặc bỏ không. Những hộ dân không có lựa chọn khác thì đành chịu cảnh hằng ngày sống chung với bụi, tiếng ồn, rung chuyển nhà do nổ mìn trong quá trình khai thác đá.