Bất cập nhiệm kỳ thành viên hội đồng quản trị
Quy định về nhiệm kỳ thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), không quy định nhiệm kỳ chung của HĐQT cùng với phương thức bầu cử thông thường có thể hạn chế cổ đông thiểu số khi muốn tham gia.
Cổ đông Công ty cổ phần Bao bì dầu khí Việt Nam (PBP) vừa chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, PBP chuẩn bị họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.
Chỉ vài tháng nữa, khi sang năm 2020, HĐQT của PBP hiện nay sẽ hết nhiệm kỳ. Việc PBP bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT vào thời điểm này khiến cổ đông lo ngại, Công ty sẽ không bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, mà chỉ bầu thay thế những thành viên đã hết nhiệm kỳ.
Nếu tình huống này xảy ra, các cổ đông không sở hữu tỷ lệ chi phối sẽ rất khó có được một đại diện trong HĐQT.
PBP được thành lập năm 2010, vốn điều lệ hiện tại 47,9 tỷ đồng, cổ đông nắm quyền chi phối là Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM, sở hữu 51,03%). Ngoài ra, Doanh nghiệp tư nhân Phương Ngọc nắm giữ hơn 7%, có 3 cổ đông cá nhân nắm giữ trên 5% cổ phần PBP.
Năm 2018, PBP có 2 thành viên HĐQT từ nhiệm và Công ty đã bầu bổ sung trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Tại đại hội, một cổ đông cá nhân đã tham gia ứng cử cùng với 2 đại diện của DCM. Điều kiện đắc cử là ứng viên trúng cử theo thứ tự số cổ phần ủng hộ từ cao đến thấp, nhưng phải đạt trên 51% số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông có mặt tại đại hội. Xét trên tỷ lệ sở hữu, các ứng viên không phải là đại diện vốn của Công ty mẹ không có cơ hội trúng cử.
Vừa qua, PBP có thông báo chốt danh sách cổ đông để tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019, với nội dung duy nhất là miễn nhiệm và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.
Cổ đông của PBP cho rằng, đầu năm 2020, PBP sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và có thể bầu lại toàn bộ HĐQT do hết nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Vậy nhưng, PBB lại tiến hành bầu bổ sung lần lượt từng thành viên khi mỗi thành viên hết nhiệm kỳ 5 năm, thay vì bầu lại toàn bộ HĐQT.
Do DCM chiếm tỷ lệ chi phối 51%, nên việc PBP bầu lại từng thành viên HĐQT sẽ khiến các cổ đông khác không có hy vọng trúng cử, dù tập hợp được tỷ lệ nhiều nhất có thể.
Hiện HĐQT PBP có 5 thành viên, trong đó 4 người là đại diện vốn của DCM, một thành viên còn lại là ông Trần Thiên Hồng.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 150, Luật Doanh nghiệp, nhiệm kỳ của thành viên HĐQT, thành viên độc lập HĐQT không quá 5 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên HĐQT phải thường trú ở Việt Nam do điều lệ công ty quy định.
Điều lệ của PBP cũng quy định tương tự như Luật Doanh nghiệp, chỉ quy định về nhiệm kỳ của thành viên HĐQT, không quy định về nhiệm kỳ của HĐQT.
Luật sư Hồ Anh Khoa (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét, đây là một hạn chế của Luật Doanh nghiệp 2014 khi không quy định về nhiệm kỳ của HĐQT, chỉ quy định nhiệm kỳ của thành viên HĐQT.
Trong trường hợp doanh nghiệp có cổ đông chi phối 51% thì việc bầu bổ sung thành viên HĐQT khi có thành viên hết nhiệm kỳ sẽ khiến các cổ đông lại khó có cơ hội tranh được “ghế” HĐQT.
Thực tế, một số công ty cổ phần đã vận dụng quy định này để tiến hành bầu riêng lẻ từng thành viên HĐQT, kết hợp với việc không sử dụng phương thức bầu dồn phiếu, nhằm hạn chế cổ đông thiểu số có đại diện trong HĐQT.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần có thể chọn một trong hai phương thức bầu thành viên HĐQT: bầu dồn phiếu, hoặc bầu thông thường. Luật sư Hồ Anh Khoa đánh giá, với quy định về nhiệm kỳ thành viên HĐQT và phương thức bầu cử tại Luật Doanh nghiệp 2014, quyền lợi của cổ đông thiểu số sẽ bị hạn chế.
Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định về nhiệm kỳ chung của HĐQT, thành viên được bầu bổ sung/thay thế có nhiệm kỳ là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ chung HĐQT và chỉ quy định phương thức bầu dồn phiếu.
Hiện Luật Doanh nghiệp 2014 đang trong quá trình sửa đổi. Bản dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định, trường hợp điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu.
Luật sư Hồ Anh Khoa cho rằng, cần ghi nhận lại nhiệm kỳ chung của HĐQT, nhiệm kỳ cá nhân thành viên HĐQT phải theo nhiệm kỳ chung.
Tuy nhiên, xét trên quyền lợi chung, trong một số tình huống, nếu doanh nghiệp không có cổ đông lớn, chiếm ưu thế hoàn toàn trong điều hành công ty thì giữa các nhóm cổ đông rất dễ xảy ra xung đột, có thể làm đình đốn hoạt động kinh doanh.
Đây là một phần nguyên nhân Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra các quy định nhằm tạo sự tự do lựa chọn phương thức bầu HĐQT, Ban kiểm soát, để tự các bên tự cân nhắc, thương thảo trước khi ngồi cùng một “con thuyền” doanh nghiệp.
“Tựu trung, khi nói về quyền lợi của nhóm cổ đông thiểu số, thì cũng cần nhìn lại về quyền của nhóm cổ đông lớn - tức là yêu cầu về sự hài hòa lợi ích”, luật sư Hồ Anh Khoa nói.