Bất cập trại tạm giam nằm trong khu dân cư
Những cảnh gào thét, khóc, cười, than vãn, chửi rủa, phá phách... của phạm nhân, những tưởng chỉ cán bộ trực tiếp quản lý trại giam hứng chịu, nhưng người dân sống bên cạnh Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã và đang chịu như vậy. Không chỉ thế, còn nhiều bất cập khác khi trại nằm trong khu dân cư đông đúc.
Bất cập trại tạm giam nằm trong
Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận - nơi tạm giam nhiều tội phạm nguy hiểm nằm trên đường Thủ Khoa Huân, giữa lòng thành phố Phan Thiết. Trại tạm giam có tứ cận phần lớn giáp nhà dân, cách nhau bức tường cao 2 m với hàng rào kẽm gai sét rỉ trên cao. Mọi hành động của phạm nhân trong khu giam giữ của trại giam, người dân sống xung quanh đều nhận biết. Vụ "trùm" ma túy Nguyễn Viết Huy và Nguyễn Văn Nưng ở cùng buồng giam số 5, khu B đã trèo lên tường rào băng qua dãy nhà dân đào tẩu khỏi trại tạm giam vào một đêm đầu tháng 7, người dân cho đến nay vẫn chưa quên những tiếng chó sủa inh tai và rầm rầm trên mái nhà.
Cam chịu
Phần lớn cư dân sống quanh trại tạm giam là những cán bộ công an, quân đội đã nghỉ hưu thuộc tổ 1 và tổ 9 khu phố 11, phường Phú Thủy, với khoảng 70 hộ dân. An ninh khu vực yên ổn như bao khu phố khác, nhưng sống bên cạnh trại tạm giam có phần lo ngại. “Các con tôi bảo, ban đêm có động tĩnh gì thì mẹ đừng ra ngoài, chỉ đứng trong nhà nhìn qua khe cửa sổ. Nếu mẹ ra sẽ gặp nguy hiểm”, bà Nh nhà sát hàng rào khu vực giam giữ phạm nhân của trại tạm giam chia sẻ.
Sau vụ 2 phạm nhân trốn trại nổi tiếng cả nước, người dân cảnh giác hơn nhưng không khỏi lo lắng và tự suy diễn, dù tường rào trại tạm giam cao, nhưng mái nhà thì thấp, một khi tội phạm cố tình trốn trại thì cũng dễ dù có vọng gác. Tuy vậy, bà Nh cũng như người dân khác vẫn tin tưởng vào công tác bảo đảm an ninh, an toàn của cơ sở giam giữ, ngăn chặn phạm nhân vi phạm nội quy của trại giam. “Phòng ngừa là tốt, nhưng thiết nghĩ bên trại họ canh gác 24/24 giờ, rồi có camera”, bà Nh chỉ tay sang trại tạm giam nói thêm.
Cuộc sống dường như đã an bài bởi có muốn thì cũng không thể thay đổi, bằng chi đợi Nhà nước sớm chuyển trại tạm giam đi nơi khác. Người dân vẫn tiếp tục nghe phạm nhân hò hét, than vãn, chửi cán bộ, đập cửa ầm ầm... từ bên trại vọng qua. Tâm lý chung của phạm nhân trong nhà biệt giam là sự sợ hãi đến hoảng loạn đã khiến tất cả họ đều trở nên bất bình thường, có khi thoắt vui rồi lại thoắt buồn, có khi vừa cười nói, hát hò vui vẻ bỗng gào lên kêu cứu... Nhà bà Tr cũng sát tường rào trại tạm giam diễn tả cảnh đập cửa rầm rầm, nói chuyện ầm ĩ, hát đối từ buồng giam bên này với buồng giam bên kia, rồi hò cán bộ ơi cứu... của phạm nhân. Ban ngày thường im ắng, cứ vào khoảng 17 giờ chiều cho đến 22 giờ đêm như một núi những âm thanh hỗn độn. Đối với phạm nhân, đặc biệt tử tù thì bình minh của họ là khi mặt trời lặn, họ ngủ ban ngày và thức ban đêm.
Cần sớm đưa ra khỏi khu dân cư
Không chỉ người dân mà cán bộ quản lý trại tạm giam cũng có nỗi khổ. Ngoài nỗi khổ nghề nghiệp đối mặt với việc canh giữ phạm nhân - những thành phần bất hảo luôn nghĩ ra nhiều chiêu trò, phương kế trốn trại, thì còn lo tác nhân bên ngoài hỗ trợ vì khu vực giam giữ sát nhà dân. Chỉ cần người dân vô tình hay kẻ xấu cố ý quăng những vật sắt nhọn, chất gây nghiện vào trại là vào tay phạm nhân, lúc đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Để phòng tình huống xấu xảy ra, trại giam thường xuyên phát dọn cây cối của nhà dân tỏa cành, nhánh mất tầm nhìn sang phía trại. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị phục vụ giám sát... hư hỏng gây khó công tác quản lý phạm nhân.
Thực trạng trên cũng đã được lãnh đạo các cơ quan tố tụng báo cáo với đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật làm trưởng đoàn về Bình Thuận khảo sát tình hình chấp hành pháp luật vào giữa tháng 8/2019. Ông Dương Xuân Sơn - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị với đoàn công tác phải sớm di dời cơ sở giam giữ này ra khỏi khu dân cư. Để trong khu dân cư ngày nào là thêm nỗi lo ngày đó, bởi cơ sở đã quá xuống cấp và sát nhà dân. Đại tá Phạm Thật – Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng quan điểm với ý kiến của ông Sơn, nêu thêm, dự án di dời cơ sở giam giữ đi nơi khác có từ lâu, nhưng hiện nay kinh phí sửa chữa hoạt động tạm thì hạn chế, ngoài ra trang thiết bị phục vụ khác cũng chưa đảm bảo, rất khó khăn cho công tác quản lý phạm nhân.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Thế - Phó Cục trưởng Cục C11 thuộc Bộ Công an: Sau khi triển khai thực hiện Quyết định 611 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp các trại giam, nhà tạm giam thuộc Bộ Công an quản lý, được sự quan tâm của Bộ Công an, trong những năm qua công tác cải tạo nâng cấp các cơ sở giam giữ đã có chuyển biến. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ sở đang xuống cấp rất nhanh tạo ra tình trạng quá tải gây khó khăn cho những người thực thi công tác này. Bộ Công an đã có chủ trương xây dựng đề án tổng thể, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nhà tạm giam, trại giam... nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này.
Lê Ninh