Bất cập triển khai Nghị định 67: Mong mỏi ra khơi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nhiều tàu cá của ngư dân đóng mới, nâng cấp từ thực hiện Nghị định số 67 đang hoạt động kém hiệu quả.
Sau 5 năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đóng mới, nâng cấp 59 tàu cá. Đến nay, 44 tàu cá đóng mới và 4 tàu nâng cấp đã đi vào hoạt động. Theo đó, các ngân hàng thương mại ở tỉnh Kiên Giang cho vay đóng mới và nâng cấp 48 tàu cá này với tổng số tiền 332,7 tỷ đồng, đã giải ngân gần 330 tỷ đồng.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, theo thống kê của ngành ngân hàng đến cuối tháng 9/2019, tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (tàu cá 67) đa phần hoạt động hòa vốn và thua lỗ. Cụ thể có 13 tàu hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn thu và có lãi, 22 tàu hoạt động hòa vốn và 11 tàu hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ.
Nguyên nhân là do hiện nay, hoạt động khai thác hải sản trên biển gặp nhiều khó khăn, bất lợi, sản lượng khai thác sụt giảm do thời tiết không thuận lợi, nguồn thủy sản tự nhiên suy kiệt nghiêm trọng trong khi số lượng tàu cá đánh bắt khá dày. Từ đó, nhiều tàu cá 67 hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập chính để trả nợ vay đóng mới tàu. Hiện, trong tổng số 48 tàu cá theo Nghị định 67 đã hạ thủy đi vào hoạt động có 2 tàu đã tất toán các khoản vay.
Nhiều chủ tàu cá 67 cho biết, tàu hoạt động không hiệu quả, ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ, nhất là những tàu cá khai thác đánh bắt thua lỗ liên tục gần như không có khả năng trả nợ ngân hàng, tàu nằm bến ngừng hoạt động và chưa biết khi nào mới trở lại biển. Chủ tàu nợ ngân hàng cũng không biết lấy nguồn thu nào trả nợ trong khi muốn bán tàu không có người mua.
Tại tỉnh Kiên Giang, ngoài tàu cá 67 hoạt động kém hiệu quả còn có nhiều tàu cá khác của ngư dân trong tình trạng tương tự phải cho tàu nằm bến, ảnh hưởng bất lợi đến nghề khai thác thủy sản của tỉnh này.
Nhiều chủ phương tiện neo đậu hai bên bờ sông Cái Bé đoạn sông thuộc địa bàn huyện Châu Thành cho biết, rất nhiều tàu nằm bến từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến nay, không còn khả năng ra khơi khai thác. Những tàu cá còn ra khơi hiện nay gần như hoạt động cầm chừng, nguy cơ tiếp tục “nằm bến” rất cao.
Ông Nguyễn Văn Diều ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang có 9 cặp tàu công suất lớn từ 500 CV trở lên nhưng 6 cặp đã nằm bến từ tháng 2 đến nay. Ông Diều cho biết, nguyên nhân nguồn thủy sản trên ngư trường cạn kiệt, đánh bắt không hiệu quả, giá dầu ở mức cao, nhưng giá tôm, cá, mực không tăng, thua lỗ liên tục. Lao động đi biển thiếu hụt, khan hiếm và nảy sinh tình trạng có nhiều ngư phủ mượn tiền chủ tàu rồi không đi hoặc ra tới biển tìm cách trốn về.
“Mặt khác, chủ tàu thiếu vốn lưu động do khi đáo hạn xong ngân hàng từ chối cho vay mới nên không còn sự lựa chọn nào khác là cho tàu nằm bến.”, ông Diều cho biết.
Tương tự, anh Lê Thanh Dũng ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang có 6 cặp tàu đánh bắt xa bờ nhưng 3 cặp neo đậu tại bến từ sau Tết đến nay. Anh Dũng hy vọng 3 cặp tàu còn đang hoạt động trên ngư trường khai thác đạt hiệu quả để tiếp sức cho 3 cặp nằm bến trở lại với biển.
Anh Dũng chia sẻ, nguồn thủy sản không còn nhiều như trước do số lượng tàu cá quá nhiều, ngư trường quá tải. Nhiều hình thức khai mang tính hủy diệt nhưng chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là đánh bắt ven bờ làm suy kiệt nguồn lợi cá, tôm. Mỗi chuyến biển hiện nay được chuyến nào thì mừng chuyến đó, nhưng phần lớn là thua lỗ.
Anh Dũng mong các cơ quan chức năng thực hiện tái tạo, khôi phục nguồn lợi thủy sản tự nhiên bằng cách giảm tàu đánh bắt ven bờ, chuyển đổi nghề cho bà con sang nuôi biển, xử lý mạnh những trường hợp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, xâm hại khu vực cấm khai thác đánh bắt.
Cũng tại xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành), sau hơn 10 tháng nằm bến, ông Nguyễn Thái Danh vừa đưa 1 cặp tàu làm nghề lưới thưng trở lại ngư trường nhưng chuyển sang đánh bắt cá cơm vẫn kém hiệu quả, nguy cơ trở lại neo đậu tại bến là rất cao.
Ông Thái Danh bày tỏ nguyện vọng các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác đánh bắt hiệu quả. Cụ thể tiếp tục cho ngư dân vay vốn lãi suất ưu đãi, tái tạo khôi phục nguồn lợi thủy sản trên ngư trường, sắp xếp lại nghề cá hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Diều, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) cho biết, nhiều chủ tàu hiện nay muốn bán tàu để chuyển sang nghề khác sinh sống nhưng không bán được. Có con tàu đóng hơn 10 tỷ đồng, hiện nay bán giá 5 tỷ cũng không có người mua mua. Trong khi đó, tầu neo đậu tại bến không những xuống cấp, hư hỏng nhanh mà còn tốn nhiều chi phí khác, nhất là hàng tháng phải trả lãi ngân hàng do trước đó vay đóng mới, nâng cấp.
Trước tình trạng có nhiều tàu cá nằm bờ, dự kiến năm 2019 này, sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản của tỉnh Kiên Giang khoảng 490.000 tấn, đạt 83% kế hoạch và giảm 17% so với năm 2018. Dự báo, lĩnh vực khai thác thủy sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang kiến nghị, Nhà nước cần bổ sung cơ chế cho các tàu đóng mới theo Nghị định 67 được vay vốn có hỗ trợ lãi suất để tiếp tục đầu tư trang thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời, bổ sung cơ chế cho phép chủ tàu 67 chuyển đổi nghề, hỗ trợ lãi suất.
Trong giai đoạn hiện nay, để tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển khai thác đánh bắt cần có sự tham gia của các ban ngành; trong đó phải đảm bảo về lực lượng lao động trên tàu đầy đủ. Tiếp đến, Chính phủ có những chính sách khoanh nợ trong thời gian tàu nằm bờ hay tàu khai thác không hiệu quả, không tính lãi suất ngân hàng để bà con vươn khơi khai thác hải sản cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang đang triển khai sắp xếp lại nghề cá theo dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang” gắn với khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên ngư trường. Đồng thời, tỉnh thực hiện một số giải pháp trước mắt, hỗ trợ ngư dân đưa tàu đang nằm bến trở lại biển hoạt động, khai thác đánh bắt hiệu quả để ngành kinh tế này phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bat-cap-trien-khai-nghi-dinh-67-mong-moi-ra-khoi/139380.html