Bất cập trong chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ: Vất vả mưu sinh để giữ nghề

Đến bây giờ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới có báo cáo gửi Quốc hội, đề cập một số tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đó là một tồn tại từ nhiều năm nay đối với các nghệ sĩ nhưng chưa/không được giải quyết. Rõ ràng, các nghệ sĩ cần sự đãi ngộ xứng tầm để yên tâm cống hiến, bởi ai cũng hiểu văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù, cần được đối xử đúng với tính chất đặc thù đó.

Đau đáu tìm giải pháp

Cách đây 10 năm, khi tôi đi làm phóng sự về đời sống của các nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng, nghệ sĩ xiếc và nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, chúng tôi đã chứng kiến những nỗi niềm, sự vất vả, nhọc nhằn của họ để tồn tại với nghề. Ngày đó, nhiều nghệ sĩ đêm đi biểu diễn, ngày đi tập và tranh thủ làm thêm nhiều việc để mưu sinh. Câu chuyện đó đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự dù 10 năm đã trôi qua.

Tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ về một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là chế độ tiền lương đối với các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn một lần nữa lại làm nóng dư luận về một điều tưởng như là cũ nhưng vẫn luôn “thời sự”.

Nghệ sĩ xiếc chật vật mưu sinh để tồn tại với nghề.

Nghệ sĩ xiếc chật vật mưu sinh để tồn tại với nghề.

Đó là những bất cập từ chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước, chẳng hạn như chế độ tiền lương được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06; diễn viên hạng III từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Qua khảo sát, đánh giá hiện nay, đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận khoảng 5 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng. Còn những nghệ sĩ trẻ vừa vào nghề, hệ lương trung cấp sẽ rất thấp, hơn mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại đối với người diễn viên. Mức bồi dưỡng tối thiểu cho nghệ sĩ từ nhiều năm nay cũng chỉ 80.000 đồng/buổi diễn, nhiều người ngậm ngùi, chưa bằng 2 cốc nước, cao nhất chỉ 200.000 đồng/buổi diễn, từ 2015 đến nay không đổi.

Theo biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, đây là vấn đề tồn tại từ rất lâu, các đơn vị đã nhiều lần có ý kiến nhưng chưa được giải quyết do những vướng mắc về chế độ tiền lương. Chị thẳng thắn, đi tìm giải pháp của vấn đề này như “húc đầu vào đá”. Vì thế, trước khi chờ đợi những quyết sách từ Chính phủ, lãnh đạo của đơn vị nghệ thuật phải linh động” để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ làm việc, níu giữ được tài năng.

Chị nói: “Những bất cập này tồn tại nhiều năm nay, khiến nghệ sĩ chật vật để mưu sinh, nhất là trong lĩnh vực múa, xiếc và nghệ thuật truyền thống. Nhưng, trước khi chờ cơ chế, bản thân nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật phải tự vận động. Tuổi đời ở các ngành đặc thù như múa và xiếc ngắn ngủi nhưng chúng ta có thể linh động chuyển đổi vị trí việc làm, diễn viên hết tuổi diễn có thể làm phiên dịch, làm tổ chức, rồi đi học thêm để làm công tác giảng dạy. Nhiều đơn vị nghệ thuật công lập kêu ca vì người già vẫn ở lại nắm biên chế, người trẻ không có biên chế nên không mặn mà, vì thế không tuyển được người tài. Lý do là các đoàn không luân chuyển cán bộ trong cùng một hệ thống”.

Theo chị, ở mảng nghệ thuật truyền thống, các đơn vị có thể vận dụng Luật Di sản bởi trong luật có chế độ chính sách đào tạo của nghệ nhân, nếu linh hoạt có thể vận dụng vào các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, múa rối để tạo điều kiện cho nghệ sĩ có thêm nguồn thu nhập. Còn lĩnh vực múa, theo chị, đời nghệ sĩ ngắn hay không cũng một phần do chính họ. “Nếu thực sự đam mê và giỏi, với múa, nghệ sĩ có thể sống khỏe bằng nghề, có nhiều việc để làm và mỗi độ tuổi sẽ có những cơ hội cống hiến khác nhau. Chúng ta vẫn nhìn thấy những nghệ sĩ múa gạo cội làm nghề như nghệ sĩ Trúc Quỳnh, nghệ sĩ Anh Phương. Chính nghệ sĩ phải không ngừng học tập để chuyển đổi, phải có nền tảng kiến thức tốt mới tồn tại được với nghề”.

Thiếu vắng tài năng một phần do chế độ đãi ngộ, nhưng một phần là do công tác đào tạo. “Ngày xưa chúng tôi học biên đạo và phải mất rất nhiều thời gian mới dựng được vở, còn bây giờ, các em trẻ chỉ nhăm nhăm học vài bí kíp là ra ngoài đi làm. Rồi, các giải thưởng, các cuộc thi làm cho giá trị nghệ thuật thay đổi, chất lượng đi xuống, tài năng cứ dần dần nhạt nhòa”. Biên đạo múa Tuyết Minh nhấn mạnh. Theo chị, có lẽ lĩnh vực cần được quan tâm nhiều nhất là xiếc, vì họ không có nhiều lựa chọn, cả đời chỉ tập một tiết mục, đời sống rất khó khăn, vì thế xiếc rất thiếu vắng nhân tài.

Nỗi niềm nghề xiếc

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh vợ chồng nghệ sĩ Đức Thắng và Thùy Dương trong căn phòng trọ tồi tàn, chật chội năm xưa. Họ chật vật sống để giữ tình yêu của mình với xiếc. Rồi, hình ảnh nghệ sĩ Tuyết Hoàn ngồi trên chiếc xe lăn khi tuổi đời còn rất trẻ do một tai nạn khi biểu diễn. Ai đó từng nói rằng, nghèo như đời xiếc. Ngẫm lại càng thấy xót xa. NSND Tâm Chính chia sẻ: Nghệ sĩ xiếc chưa được quan tâm một cách đúng mức, nếu không nói họ quá thiệt thòi. Tôi thấy buồn khi những tác phẩm đỉnh cao có nguy cơ mai một. Nghệ sĩ xiếc mà phải xoay ra làm đủ nghề, cắt tóc, bán cà phê, làm cửa kính, xe ôm... thì còn đâu thời gian mà luyện tập. Nhưng, họ khổ quá, họ phải làm thôi. Chúng ta đang làm mất dần cái cao siêu của xiếc rồi.

Tuổi của nghề múa ngắn ngủi, nhưng nếu nghệ sĩ nỗ lực vẫn có nhiều cơ hội cống hiến.

Tuổi của nghề múa ngắn ngủi, nhưng nếu nghệ sĩ nỗ lực vẫn có nhiều cơ hội cống hiến.

Đời xiếc ngắn ngủi, họ sẽ đi đâu, làm gì khi tuổi lao động vẫn còn. NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết khi hết tuổi nghề, diễn viên xiếc khó khăn tìm công việc mới, chưa kể sức khỏe đi xuống, chấn thương dai dẳng. Có những nghệ sĩ gặp tai nạn, phải dừng diễn khi tuổi còn trẻ. Vì thế, có những người đã bỏ Nhà nước ra làm cho tư nhân để có mức lương cao hơn.

“Liên đoàn xiếc có nhiều nghệ sĩ còn sức khỏe nhưng không lên sân khấu diễn được nữa. Một số đi làm các công việc như bảo vệ, làm phục trang nhưng số lượng đó không nhiều, không dễ có vị trí để thay thế. Họ đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình với mức thù lao khiêm tốn nên bây giờ bảo họ đi học thêm, nâng cao chuyên môn để giảng dạy cũng rất khó vì họ không có tiền, cơ quan thì không có kinh phí. Đây là một bài toán nan giải của ngành xiếc, một ngành đặc thù trong các ngành nghệ thuật”.

Thực tế, diễn viên xiếc khổ luyện cường độ cao từ nhỏ nên sức khỏe, xương khớp họ không tốt, có những người 20 tuổi nhưng xương khớp đã ở độ tuổi 30. Rồi những tai nạn bất ngờ khiến nhiều người vĩnh viễn dừng lại khi còn rất trẻ, những chấn thương liên miên, rất nhọc nhằn. “Nhưng, nghề xiếc chưa bao giờ được đãi ngộ xứng đáng, hợp lý với những gì họ đã khổ luyện, vất vả. Đó là một bất cập khiến xiếc thiếu vắng nguồn nhân lực một cách đáng báo động”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

NSND Vũ Ngoạn Hợp nói: “Nghề xiếc tai nạn là thường xuyên, nhưng hiện nay vẫn chưa có bảo hiểm nghề nghiệp cho họ. Ở các nước phát triển, nghề xiếc được xếp vào loại hình lao động nghệ thuật đặc thù, lương cao và có nhiều chế độ ưu đãi cho nghệ sĩ yên tâm làm nghề, còn ở đây, tất cả đều là viên chức nhà nước”.

Ở lĩnh vực cải lương, số phận cũng tương tự khi ngày càng thiếu vắng nhân lực. Cải lương vắng khán giả. Nghệ sĩ không mặn mà. Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, chỉ tiêu biên chế hiện nay đang giảm, mà tuổi về hưu lại tăng nên không có chỗ cho nhân lực trẻ. Tìm được tài năng đã khó, muốn giữ được tài năng lại càng khó hơn.

Đến khi nào chúng ta mới giải được bài toán khó này? Nghệ sĩ còn phải mòn mỏi chờ đến bao giờ?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/bat-cap-trong-che-do-dai-ngo-doi-voi-van-nghe-si-vat-va-muu-sinh-de-giu-nghe-i734295/