Bất cập trong đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2024

UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đang thông tin cho cá nhân, tổ chức đăng ký kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) năm 2024. Tuy nhiên, vì thời gian ngắn, trong khi đi kèm nhiều thủ tục nên nảy sinh những bất cập.

Người dân làm thủ tục đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - chi nhánh Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

Người dân làm thủ tục đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - chi nhánh Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

Có ý kiến đề xuất bỏ quy định trên vì mất nhiều thời gian, tốn chi phí trong khi tính hiệu quả không cao.

* Thời gian ngắn, điều kiện nhiều

Ngày 4-10-2023, UBND H.Nhơn Trạch ban hành văn bản thông báo đăng ký nhu cầu sử dụng đất năm 2024. Theo văn bản này, thời gian từ khi phát hành văn bản cho người dân đăng ký, đến khi cấp xã gửi báo cáo tổng hợp về huyện là 21 ngày. Cụ thể, văn bản của H.Nhơn Trạch thể hiện, để có cơ sở thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền của huyện, đồng thời hoàn thiện hồ sơ lập KHSDĐ năm 2024 gửi cơ quan có thẩm quyền duyệt, Chủ tịch UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn thông báo cho hộ gia đình, cá nhân đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất đối với các chỉ tiêu: Từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm hoặc nuôi trồng thủy sản, từ đất nông nghiệp sang đất ở, từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho hay, hàng năm huyện đều có văn bản và thông tin cho người dân đăng ký KHSDĐ. Quá trình thực hiện có phát sinh bất cập là có hộ dân biết và thực hiện, nhưng cũng có hộ dân không quan tâm, không biết để làm đơn đăng ký, đến khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì không được vì không có trong kế hoạch.

Đăng ký KHSDĐ là cơ sở để lập hồ sơ KHSDĐ cấp huyện, đồng thời thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất năm sau.

Tại H.Trảng Bom, ngày 7-9-2023, UBND huyện ban hành thông báo đăng ký KHSDĐ năm 2024 nhưng thời hạn chỉ 1 tuần, hoàn thành trước ngày 15-9. Văn bản của UBND H.Trảng Bom lưu ý tổ chức, cá nhân chỉ được đăng ký nhu cầu sử dụng đất khi có đủ điều kiện. Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo: Đất có sổ đỏ, vị trí phù hợp quy hoạch sử dụng đất được duyệt, không bị tranh chấp, có cam kết về khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được cho chuyển mục đích sử dụng đất. Riêng trường hợp chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, ngoài các điều kiện trên thì thửa đất cần chuyển mục đích sử dụng phải tiếp giáp đường giao thông được thể hiện trên bản đồ địa chính.

Tương tự, trong tháng 9-2023, UBND TP.Biên Hòa có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký KHSDĐ năm 2024. Thời hạn chỉ 3 ngày đối với dự án cần thu hồi đất và 20 ngày cho trường hợp cần thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều kiện để đăng ký KHSDĐ giống các địa phương nói trên.

Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong tỉnh đều đã ban hành thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký KHSDĐ năm 2024. Nhưng vì thời gian ngắn, trong khi thủ tục nhiều nên không khỏi nảy sinh những bất cập.

* Kiến nghị bỏ đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm

Pháp luật về đất đai hiện hành quy định, vào quý III hàng năm, UBND cấp huyện phải gửi hồ sơ KHSDĐ năm sau đến Sở TN-MT thẩm định, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt trước ngày 31-12.

Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc Trần Quỳnh Trâm cho rằng, để lập KHSDĐ phải mất ít nhất nửa năm, kinh phí hơn 1 tỷ đồng mà hiệu quả mang lại không cao, trừ chỉ tiêu đất ở. Cần xem xét bỏ quy định đăng ký KHSDĐ đối với hộ gia đình nhằm giảm tải công việc và tăng sự điều hành linh hoạt cho các địa phương, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân có đất.

Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Cẩm Mỹ Chế Văn Thành cho hay, bất cập trong KHSDĐ hiện nay là người đã đăng ký được thì không có tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính, còn người muốn chuyển mục đích sử dụng đất lại không có chỉ tiêu. Địa phương không thể linh hoạt lấy chỉ tiêu không thực hiện của người này chuyển sang cho người khác, vì đã được thể hiện vị trí trên bản đồ địa chính.

Tại các hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, một số quan điểm cho rằng, lập KHSDĐ hàng năm chỉ nên áp dụng với các dự án, quy mô đất lớn. Đối với cá nhân, hộ gia đình nên căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để giảm phiền hà và đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Một khu đất dự án tại xã Phước An, H.Nhơn Trạch

Một khu đất dự án tại xã Phước An, H.Nhơn Trạch

Bà Lê Thị Vân, ngụ TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) chia sẻ, yêu cầu đất chuyển mục đích sử dụng phải phù hợp quy hoạch, KHSDĐ đọc có vẻ đơn giản nhưng người dân mất nhiều thời gian để kiểm tra. Bất cập khác là người dân làm hồ sơ đăng ký nhưng phải nửa năm sau mới được chuyển mục đích sử dụng đất, trường hợp hồ sơ trục trặc phải chờ bổ sung KHSDĐ, mất khoảng 1 năm so với lúc đăng ký.

"Người dân có cần mới đi đăng ký, nhưng phải chờ cả năm trời. Không những thế, mỗi năm hệ số K điều chỉnh khiến tiền sử dụng đất phải đóng cũng tăng theo" - bà Vân cho hay.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, hàng năm Sở TN-MT, UBND tỉnh đều có văn bản nhắc nhở địa phương lập, trình KHSDĐ lên Sở thẩm định. Sau khi Sở thẩm định thì trình UBND tỉnh lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, KHSDĐ rồi mới phê duyệt. Ngoài kế hoạch này, mỗi năm địa phương phải lập hồ sơ bổ sung KHSDĐ cho các trường hợp, dự án chưa đăng ký kịp lần đầu. Quá trình này mất nhiều thời gian cho cả địa phương lẫn các sở, ngành.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202310/bat-cap-trong-dang-ky-ke-hoach-su-dung-dat-nam-2024-a5d48cb/