Bất cập trong giải ngân

Sáu ngân hàng đối tác tài trợ vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) chính cho Việt Nam (gồm WB, ADB, JICA, KfW, K-Exim, AFD) mới đây đã đặc biệt quan ngại trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm tại Việt Nam.

 Tỷ lệ giải ngân năm 2018 của Việt Nam chỉ ở mức 11,2%, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2011-2014 là 21,7% . Ảnh minh họa: VGP

Tỷ lệ giải ngân năm 2018 của Việt Nam chỉ ở mức 11,2%, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2011-2014 là 21,7% . Ảnh minh họa: VGP

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân năm 2018 của Việt Nam chỉ ở mức 11,2%, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2011-2014 là 21,7% và cũng chỉ bằng một nửa các quốc gia khác. Trong khi, tỷ lệ giải ngân trung bình toàn cầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 21% và Ngân hàng Thế giới (WB) là 20,2%... Thậm chí, tỷ lệ giải ngân hiện tại của Việt Nam đang thấp hơn cả các quốc gia ngang hàng. Tổng số vốn cam kết năm 2018 là 28,9 tỷ USD, trong đó, số vốn chưa giải ngân là 16,9 tỷ USD.

Bộ Tài chính thừa nhận, việc chậm giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài nói riêng, đầu tư công nói chung đã làm giảm đi những nỗ lực của việc huy động, bố trí nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 31% vốn được bố trí (tương đương 134.000 tỷ đồng), trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước chỉ đạt 35% kế hoạch Quốc hội giao; còn tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm.

Việc chậm giải ngân vốn ODA tác động không tích cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế, khiến Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn; chi phí quản lý dự án tăng lên theo thời gian; các tranh chấp về hợp đồng với nhà thầu không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn uy tín của Việt Nam.

Giải trình từ Bộ Tài chính cho rằng, vướng mắc chính là vốn đối ứng. Khi ký kết hiệp định vay vốn ODA, các nhà cung cấp bao giờ cũng đề nghị có nguồn vốn đối ứng để giải quyết vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu... Các bộ, ngành cũng cam kết có vốn đối ứng, nhưng khi thực hiện lại chưa bố trí kịp thời.

Tuy nhiên, khảo sát mới đây của ADB tại 81 ban quản lý dự án ODA cho thấy, có 4 vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là: Quy định của Chính phủ về quản lý vốn ODA không thống nhất và thường xuyên thay đổi; chậm phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án; phân bổ vốn hàng năm không đáp ứng nhu cầu; các cơ quan của Chính phủ chậm trả lời, phê duyệt khi xem xét dự án.

Thực tế, ngay cả một thay đổi nhỏ trong các dự án như bổ sung phạm vi, thay đổi cơ cấu chi phí, sử dụng các khoản dự phòng... cũng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hệ quả là, trong khi chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư, không thể bắt đầu bất cứ việc chuẩn bị nào và hoạt động thanh quyết toán cũng bị tạm dừng. Nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh thì đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án và kéo dài...

Các chuyên gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, giao kế hoạch vốn hàng năm, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn... và giảm số lượng các bước phê duyệt để đưa dự án vào thực hiện. Mặt khác, Chính phủ cũng cần tăng cường ủy quyền cho các cấp thấp hơn có thể tự quyết định những thay đổi tương xứng; tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan đến ODA thông qua việc phối hợp, giám sát, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng...

Trước nghịch lý có tiền không tiêu được, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực của mình, xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thiết nghĩ, muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2019, chúng ta phải có đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công. Do vậy, phải chấn chỉnh, xử lý quyết liệt vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm như hiện nay.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bat-cap-trong-giai-ngan