Bất cập trong giảm thuế giá trị gia tăng ở các bến phà
Việc giảm thuế giá trị gia tăng trên giá vé hành khách, phương tiện tại các bến phà ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn, vì không có tiền mệnh giá nhỏ để trả lại. Số tiền thừa do khách bỏ lại ở các công ty phà quản lý hiện nay lên đến hàng tỷ đồng nhưng không thể hạch toán vào ngân sách, không biết sử dụng cho mục đích nào.
Sau đại dịch Covid-19, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Cuối tháng 6/2024, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 142/2024/QH15 tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024. Theo đó, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định việc giảm 2% trên 10% hoặc 20% của 3% để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu của các sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục quy định (có phụ lục kèm theo). Đây là một quyết sách lớn, đúng đắn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau dịch bệnh. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, ngành nghề ở cơ sở phát sinh vướng mắc, bất cập vì giá trị giảm thuế nhỏ tạo giá dịch vụ có số lẻ, khó thanh toán.
Trả lại bằng kẹo thay tiền lẻ
Công ty cổ phần Phà An Giang hiện đang quản lý, khai thác chín bến khách ngang sông trên toàn tỉnh An Giang. Trong đó, lớn nhất và sôi động nhất là bến phà An Hòa nối đôi bờ thành phố Long Xuyên với huyện Chợ Mới, bến phà Ô Môi, phà Mương Ranh, phà Trà Ôn, phà Tân Châu, phà Năng Gù, phà Thuận Giang và phà Vàm Cống. Tổng lưu lượng phương tiện xe máy, xe cơ giới trung bình của chín bến phà lên tới khoảng 37.800 lượt/ngày. Riêng bến phà An Hòa có khoảng 18 nghìn lượt phương tiện, trong đó có 2.000 lượt ô-tô các loại mỗi ngày.
Theo đó, lĩnh vực hoạt động vận chuyển hành khách của Công ty cổ phần Phà An Giang thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phà An Giang Phạm Châu Hà cho biết, quá trình thực hiện công ty đã gặp khó khăn. Lý do là khi tính ra mệnh giá vé rất nhiều số lẻ, không thể có tiền mệnh giá nhỏ để thoái trả lại cho khách qua phà. Theo thống kê của doanh nghiệp này, mức giá giảm thấp nhất cho mỗi lượt phương tiện cùng hành khách (xe hai bánh) là 109 đồng và mức giảm cao nhất là 1.725 đồng đối với ô-tô khách từ 45 ghế trở lên hoặc ô-tô giường nằm từ 22-30 giường. Minh chứng cho điều này, lãnh đạo Công ty cổ phần Phà An Giang cung cấp bảng giá vé cho các loại phương tiện của cả chín bến phà trên toàn tỉnh. Điển hình như, giá vé hành khách đi xe gắn máy, mô-tô 2-3 bánh khi chưa giảm giá là 6.000 đồng/lượt.
Sau khi giảm 2%, tức là giá vé bao gồm 8% thuế giá trị gia tăng cho cùng đối tượng này là 5.891 đồng/lượt. Đối với ô-tô dưới bảy ghế giá vé từ 25.000 đồng, giảm còn 24.546 đồng/lượt. Hay như ô-tô khách từ 45 ghế giá vé sau khi giảm thuế là 93.275 đồng/lượt. “Công ty đã có văn bản hỏi cơ quan thẩm quyền là Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các cơ quan chức năng như Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh An Giang; đồng thời đưa ra phương án xin giữ nguyên giá vé đối với các loại vé mức giảm thuế giá trị gia tăng dưới 1.000 đồng, thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các loại vé có mức giảm từ 1.000 đồng trở lên. Hằng tháng, công ty sẽ thống kê, ghi nhận và quản lý số tiền giảm thuế 2% này, đến cuối năm sẽ báo cáo và thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh”, ông Hà cho biết.
Cục Thuế tỉnh An Giang có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, yêu cầu Công ty cổ phần Phà An Giang phải thực hiện đúng việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng trên giá vé bán; đồng thời đề xuất phương án dùng kẹo để thoái trả cho khách thay cho tiền mệnh giá nhỏ. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện, lái xe khi qua phà An Hòa được nhân viên bán vé thoái trả phần tiền lẻ bằng hai viên kẹo đã tỏ ra khó chịu. “Mặc dù phần tiền thừa cho mỗi lượt qua phà không lớn, nhưng việc dùng kẹo thay tiền mà không hề tham vấn ý kiến hành khách xem có đồng ý hay không.
Tôi làm tài xế chạy dịch vụ, chở thuê, mỗi ngày qua lại mấy lần thì trong xe đầy kẹo. Thay vì được trả lại tiền lẻ, nhiều chuyến có thể gom lại trả tiền vé cho lượt đi sau”, lái xe Nguyễn Thanh Bình, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang nêu quan điểm. Lãnh đạo Công ty Phà An Giang cũng thừa nhận, thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều trong phương án nêu trên. Tuy nhiên, công ty cũng cẩn thận, muốn làm gì đều xin ý kiến cơ quan cấp trên và thực hiện đúng theo hướng dẫn.
Tính từ thời điểm bắt đầu áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/2/2022 đến nay, tổng số tiền chênh lệch từ việc thu dư trên giá vé bán ra của Công ty cổ phần Phà An Giang lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Công ty có văn bản đề nghị Cục Thuế tỉnh An Giang hướng dẫn kê khai nộp vào ngân sách nhà nước nhưng chưa được giải quyết. Tương tự, thống kê của Cụm phà Vàm Cống trong hơn hai năm qua, tính từ tháng 2/2022 đến nay, tổng số tiền chênh lệch do thu dư từ bán vé là hơn 367 triệu đồng cũng không thể nộp ngân sách tỉnh Vĩnh Long (nơi đặt trụ sở Cụm phà Vàm Cống). Dự kiến sẽ nộp về cơ quan quản lý là Khu quản lý Đường bộ 4 hoặc Cục Đường bộ.
Tính từ thời điểm bắt đầu áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/2/2022 đến nay, tổng số tiền chênh lệch từ việc thu dư trên giá vé bán ra của Công ty cổ phần Phà An Giang lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Công ty có văn bản đề nghị Cục Thuế tỉnh An Giang hướng dẫn kê khai nộp vào ngân sách nhà nước nhưng chưa được giải quyết. Tương tự, thống kê của Cụm phà Vàm Cống trong hơn hai năm qua, tính từ tháng 2/2022 đến nay, tổng số tiền chênh lệch do thu dư từ bán vé là hơn 367 triệu đồng cũng không thể nộp ngân sách tỉnh Vĩnh Long (nơi đặt trụ sở Cụm phà Vàm Cống). Dự kiến sẽ nộp về cơ quan quản lý là Khu quản lý Đường bộ 4 hoặc Cục Đường bộ.
Không có, không chủ động trả lại tiền lẻ?
Tương tự, khi chúng tôi đi thực tế bến phà trên địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long đã tiếp tục ghi nhận những bất cập này. Trong đó, có bến phà Đại Ngãi (thuộc Cụm phà Vàm Cống, Khu quản lý Đường bộ 4, Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải), ở thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nối với bờ huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng và thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Theo mức giá và thông tin ghi rõ trên vé: loại ô-tô dưới 12 chỗ ngồi có giá 39.700 đồng/lượt. Tuy nhiên, chúng tôi đưa 40 nghìn đồng thì nhân viên bán vé thu tiền và không thoái trả tiền thừa, cũng không một lời giải thích. Khi bị thắc mắc, nam nhân viên bán vé khẳng định: “Mức giá trên vé là giá giảm nhưng lãnh đạo công ty chỉ đạo thu đủ 40 nghìn đồng”.
Còn tại bến phà Đình Khao (cùng thuộc Cụm phà Vàm Cống), nối bờ xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long với huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cũng trong tình trạng thu tiền thừa của chủ xe, lái xe mà không một lời giải thích. Lái xe điều khiển ô-tô năm chỗ ngồi đưa 25.000 đồng mua vé qua phà Đình Khao. Nữ nhân viên in tờ giấy có một mã QR và dòng thông tin, giá vé 24.700 đồng. Khi bị thắc mắc vì sao giá vé 24.700 đồng mà lại không trả lại tiền thừa, nữ nhân viên này quay quắt: “Muốn nhận tiền lẻ thì lên văn phòng nhận, ở đây không có tiền lẻ”. Bến trưởng phà Đình Khao Lê Hoàng Thông cho rằng, nhân viên bán vé trả lời lái xe vậy là “tầm bậy”. Ông sẽ làm việc, chấn chỉnh đối với nhân viên của đơn vị, còn những khoản tiền chênh lệch, thu dư của hành khách thời gian qua được đơn vị quản lý, ghi chép và nộp về Cụm phà Vàm Cống để nộp ngân sách.
Giám đốc Cụm phà Vàm Cống Lê Văn Mười cho biết, đơn vị hiện quản lý bốn bến phà, trong đó có hai bến phục vụ không thu phí, còn hai bến thu phí là bến phà Đình Khao và Đại Ngãi. “Hai bến phà nêu trên của đơn vị chúng tôi thuộc đối tượng thực hiện giảm 20% của 3% để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu của hoạt động vận tải. Trong quá trình thực hiện cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc, vì giá vé có số tiền lẻ, không tìm được tiền mệnh giá nhỏ phù hợp để trả lại cho hành khách”, ông Mười giải thích.