Bất cập trong thi hành Luật Luật sư

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư năm 2012 (gọi tắt Luật Luật sư) do Đoàn Luật sư tỉnh vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo hành lang pháp lý cho đội ngũ luật sư hành nghề thuận lợi hơn, một số vấn đề của luật cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Các học viên lớp đào tạo kỹ năng luật sư K24 do Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp với Học viện tư pháp mở tại Đồng Nai, diễn án hình sự. Ảnh: Đ.Phú

Các học viên lớp đào tạo kỹ năng luật sư K24 do Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp với Học viện tư pháp mở tại Đồng Nai, diễn án hình sự. Ảnh: Đ.Phú

Chẳng hạn như: quy định về người tập sự hành nghề luật sư, làm việc theo hợp đồng hợp tác cho tổ chức hành nghề luật sư, dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng, quy tắc bảo vệ luật sư…

* Kiến nghị sửa một số bất cập

Hiện Đoàn Luật sư tỉnh có 406 luật sư, hoạt động tại 136 tổ chức hành nghề và 8 luật sư hoạt động với tư cách cá nhân. Đoàn Luật sư tỉnh được đánh giá là đơn vị có đội ngũ luật sư đứng thứ 3 toàn quốc (chỉ sau Đoàn Luật sư TP.Hà Nội và TP.HCM). Tuy nhiên, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh quy mô từ 2-10 luật sư là chủ yếu. Số văn phòng, công ty luật quy mô từ 15-25 và trên 25 luật sư không nhiều.

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lê Quang Y cho biết, trong năm 2022, các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đã thụ lý được trên 3 ngàn vụ việc, với doanh thu đạt trên 58,8 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 5 tỷ đồng. Đặc biệt, đội ngũ luật sư tỉnh đã thực hiện án chỉ định theo luật được khoản 300 trường hợp; tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân trên 2 ngàn trường hợp.

Mặc dù Luật Luật sư tạo hành lang pháp lý trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư tốt, thông thoáng hơn so với Pháp lệnh Luật sư năm 2001, tuy nhiên, các luật sư vẫn cho rằng, qua 15 năm thực hiện, thi hành, Luật Luật sư vẫn bộc lộ một số vấn đề bất cập đối với hoạt động nghề nghiệp của luật sư như: chưa thể tham gia trong giai đoạn tạm giữ người khi chưa có quyết định khởi tố vụ án; luật chỉ quy định luật sư hành nghề tư cách cá nhân, làm việc theo hợp đồng lao động chứ chưa cho phép làm việc theo hình thức hợp đồng hợp tác; chưa quy định rõ luật sư có được ký xác nhận làm chứng đối với giao dịch đất đai bằng giấy tay hay không được...

* Bất cập trong cơ chế đào tạo

Trong 15 năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã phối hợp với Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) mở được trên 10 khóa đào tạo kỹ năng nghề luật sư với từ 60-80 người có bằng cử nhân luật theo học; tổ chức cho hàng trăm các luật sư hoàn thành đào tạo kỹ năng tập sự hành nghề tại các tổ chức hành nghề trên địa bàn tỉnh; trao quyết định kết nạp thành viên cho rất nhiều luật sư là thẩm phán, viện kiểm sát, điều tra viên nghỉ hưu hoặc chuyển ngành. Chính vì rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn đội ngũ luật sư cho tỉnh theo hướng đông về số lượng, đảm bảo về chất lượng, Đoàn Luật sư tỉnh nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong công tác này.

Luật sư Nguyễn Hương Duyên (Đoàn Luật sư tỉnh) góp ý, tại đoạn 1, khoản 1, Điều 14, Luật Luật sư có quy định, thời gian tập sự hành nghề luật sư là 12 tháng là chưa đủ. Do đó, nên tăng thêm thời gian tập sự, vì nghề luật sư đòi hỏi kỹ năng hành nghề, thực tập nhiều hơn so với học lý thuyết. Thời gian tập sự ngắn không đủ cho người tập sự hành nghề tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.

Đồng thời, tại đoạn 1, khoản 3, Điều 14, Luật Luật sư có quy định, người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật. Như vậy, sẽ thiệt thòi cho người tập sự trong suốt thời gian tập sự, họ mất đi cơ hội, điều kiện thông qua thực tiễn để rèn luyện kỹ năng tham gia tố tụng.

Luật sư Phạm Văn Yên (Đoàn Luật sư tỉnh) đề nghị, tại khoản 3, Điều 14, Luật Luật sư nên quy định rõ khách hàng đồng ý bằng văn bản hay bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể; đồng thời không nên liệt kê bị can, bị cáo, người có liên quan trong vụ án hành chính, hình sự, dân sự… sẽ rất dài và liệt kê như vậy sẽ không đầy đủ hết; do đó, nên tóm gọn lại cụm từ những người tham gia tố tụng trong vụ án, vụ việc là hoàn chỉnh nhất.

Luật sư LÝ KHÁNH HÒA, Phó trưởng ban Bồi dưỡng và phát triển nghề luật sư (Đoàn Luật sư tỉnh) đề xuất, Bộ Tư pháp cần ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung và hình thức đối với việc thỏa thuận nhận tập sự hành nghề luật sư; hướng dẫn áp dụng các nội dung tập sự hành nghề; tổ chức tập huấn cho các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư kỹ năng hướng dẫn tập sự hành nghề.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202304/bat-cap-trong-thi-hanh-luat-luat-su-3164302/