Bất cập trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở Bến Tre

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bến Tre đang ở mức báo động do phần lớn các bãi rác đều quá tải.

Tuy nhiên, do mất cân đối thu chi, nợ phí thu gom xử lý rác thải; không đóng phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác của một bộ phận người dân khiến việc thu gom rác ở các địa phương bị đình trệ.

Chưa thu gom hết lượng rác trong dân

Theo thống kê, lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Bến Tre khoảng 200.000 tấn (đặc biệt, lượng rác thải nhựa chiếm tỷ lệ hơn 6%). Lượng rác thải rắn mỗi ngày ở từng gia đình, từng địa phương rất lớn nhưng chưa được thu gom, xử lý hết. Tính đến nay, chỉ có 9,8% hộ nằm trên tuyến đường thu gom đăng ký dịch vụ thu gom rác; có 76,9% rác thải sinh hoạt của các hộ nằm xa tuyến đường thu gom (sâu trong vườn) được gom, xử lý bằng nhiều biện pháp, như: Phân loại, ủ phân compost, chôn lấp và đốt. Lượng rác tồn đọng phần lớn được người dân tiêu hủy bằng cách vứt xuống các kênh, rạch.

 Bãi rác Tân Thanh (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) bị quá tải.

Bãi rác Tân Thanh (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) bị quá tải.

Dạo một vòng dọc sông Tiên Thủy đúng ngày nước cạn, chúng tôi gặp hình ảnh bờ sông ngập tràn rác thải nhựa và xác động vật đang phân hủy. Bà Nguyễn Thị Thanh Kim, ấp Khánh Hội Tây, nhà ở bên sông Tiên Thủy cho biết: "Mùa nắng, rác được gom lại rồi vài ba ngày tôi đốt một lần. Còn mùa mưa thì không đốt được nên chỉ có cách là đem rác ra sông vứt. Từ trước tới giờ tôi chưa thấy ai đến đặt vấn đề thu gom rác. Chắc do đường nhỏ, họ không vào được”.

Không chỉ ở kênh, rạch mà dọc các tuyến Tỉnh lộ 885, 884, không khó bắt gặp nhiều bao rác, túi rác được vứt ngay dưới biển cấm đổ rác. Theo ông Phạm Anh Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách: Chính bất cập, hạn chế trong thu gom rác, chưa có chế tài xử phạt người vứt rác sai quy định kèm với ý thức người dân còn hạn chế nên đối tượng “rác tặc” ngày càng tăng. “Huyện từng gắn camera những nơi người dân thường vứt rác sai quy định, đã tiến hành lập biên bản xử phạt nhưng người vi phạm không thực hiện đóng phạt. Nơi nào gắn camera thì “rác tặc” lại chuyển địa điểm vứt rác nơi khác”, ông Linh nói.

Các giải pháp đều khó thực hiện

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải, tỉnh Bến Tre đã quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt. Theo đó, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP Bến Tre, huyện Châu Thành và khu vực lân cận được thực hiện thông qua Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bến Tre. Theo đó, chi phí cho việc thu gom, vận chuyển đối với hộ gia đình tối đa là 25.000 đồng/tháng và từ 50.000 đến 100.000 đồng/tháng đối với hộ kinh doanh. Tại các huyện còn lại chủ yếu thông qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND các huyện thu gom trong khu vực nội thị và tại một số chợ. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre còn tập trung kêu gọi nhà đầu tư dự án xử lý rác và hướng dẫn người dân xử lý rác tại nguồn. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra đều khó thực hiện.

Ông Nguyễn Thái Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Giồng Trôm cho biết: “Mức giá dịch vụ thu gom rác theo quy định đang “làm khó” chúng tôi. Nhiều xã nợ hàng trăm triệu đồng tiền thu gom, vận chuyển, xử lý rác vì thu không đủ thanh toán cho đơn vị thu gom, xử lý rác. Tính đến tháng 7-2019, các xã trên địa bàn huyện Giồng Trôm nợ Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bến Tre tổng số tiền 1,6 tỷ đồng. Nợ tiền quá lâu và không có nguồn chi trả nên giữa tháng 7-2019, công ty đã ngưng hợp đồng thu gom rác ở 5 xã. Vì thế, lượng rác ngày càng ùn ứ, bốc mùi gây ô nhiễm”.

Đối với giải pháp phân loại rác tại nguồn, trao đổi với chúng tôi, bà Phan Kim Tuyền, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giồng Trôm cho biết: "Đây là giải pháp tốt và mang lại nhiều lợi ích, như: Tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí, giảm tổng lượng rác thải thải ra môi trường... Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn đến nay vẫn chưa thực hiện tốt, có nhà làm, nhà không". Cũng theo bà Tuyền, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn không đem lại hiệu quả, trong đó phải kể đến việc thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiết bị thu gom, vận chuyển. Cụ thể, do thiếu thiết bị thu gom chuyên dụng nên khi người dân phân loại rác tại nguồn thì nhân viên vệ sinh đến thu gom cũng nhập chung vào một. Toàn tỉnh Bến Tre mới chỉ có 5 địa phương, gồm: Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Ba Tri và TP Bến Tre có phương tiện chuyên dụng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến nơi xử lý. Các huyện còn lại, phương tiện thu gom, vận chuyển chủ yếu là xe tải hoặc xe bán tải chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, cũng như việc phân loại rác trong quá trình thu gom, vận chuyển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải đô thị. Việc phân loại chủ yếu được thực hiện dưới hình thức thu gom những vật liệu có thể bán được (nhôm, sắt, thép, đồ nhựa…) để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu.

Theo quy định, không được trích tiền ngân sách để trợ giá thu gom, xử lý rác. Nhưng do lượng rác ùn ứ lớn, gây ô nhiễm nên một số huyện phải chi ngân sách tạm ứng hoặc bù lỗ để việc thu gom không bị gián đoạn. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm tạm thời, về lâu dài, tỉnh Bến Tre cần có biện pháp hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: BÌNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bat-cap-trong-thu-gom-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-o-ben-tre-597392