Bất cập trong thực hiện quy hoạch rừng đặc dụng hồ Núi Cốc
Nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hồ Núi Cốc là công trình thủy lợi nhân tạo, chung quanh là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện quy hoạch rừng hồ Núi Cốc thành rừng đặc dụng đang nảy sinh không ít bất cập, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hồ Núi Cốc là công trình thủy lợi nhân tạo, chung quanh là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện quy hoạch rừng hồ Núi Cốc thành rừng đặc dụng đang nảy sinh không ít bất cập, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hồ Núi Cốc rộng hơn 25 km2, trải rộng trên địa bàn TP Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Ðại Từ, phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Bao quanh là gần 3.453 ha rừng với chức năng phòng hộ, cảnh quan và bảo vệ môi trường, trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc (Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc) được giao quản lý gần 2.400 ha; người dân và các tổ chức quản lý, sử dụng hơn 1.000 ha.
Chi cục trưởng Kiểm lâm Thái Nguyên Vũ Văn Phán cho biết: “Mặc dù là rừng phòng hộ, nhưng qua nhiều lần rà soát, đánh giá hiện trạng thì có đến 80% diện tích là rừng keo, hơn 10% diện tích là rừng tự nhiên tái sinh nghèo, diện tích còn lại là chè, cây ăn quả của người dân. Ða dạng sinh học của rừng chủ yếu là các loài động, thực vật thông thường, không có loài động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Mặt khác, rừng phòng hộ hiện nay bị chia cắt, đan xen với đất trồng chè, đất trồng cây ăn quả, đất ở của người dân, đất của các tổ chức”.
Rừng phòng hộ hồ Núi Cốc chủ yếu là keo (thuần loài) nên tính bền vững không cao, đến tuổi cây sẽ thoái hóa, phải khai thác để trồng rừng thay thế. Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc Nguyễn Văn Quý chia sẻ: “Ðể đáp ứng tốt chức năng phòng hộ, cảnh quan và môi trường, chúng tôi có chủ trương từng bước trồng rừng thay thế cây keo, trồng xen bằng các loại cây lâu năm như trám, sấu, mít, dổi, bồ đề... nhưng việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư hằng năm hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu, năm 2020 không có kinh phí trồng rừng thay thế”.
Dù được xác lập là rừng phòng hộ, nhưng hiện nay trong hơn 1.000 ha do người dân địa phương và các tổ chức quản lý, trồng rừng và khai thác rừng, nhiều diện tích là nhà ở. Ðiển hình là ở xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên, người dân mở nhiều tuyến đường lâm nghiệp lên trên đồi để khai thác rừng. Ông Lương Văn Ngọc ở xóm 10, xã Phúc Tân cho hay: “Người dân địa phương thuê máy ủi mở đường lên các khu rừng, thuê nhân công khai thác, thuê ô-tô lên vận chuyển gỗ đi tiêu thụ làm giảm chức năng phòng hộ của rừng”. Gia đình anh Hà Tiến Dũng ở xóm 10, xã Phúc Tân vừa khai thác hơn 1 ha rừng keo thuộc quy hoạch rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, khai thác xong anh Dũng lại tiếp tục trồng keo. Ðứng tại xóm 10, nhìn sang xóm 1 Ðồng Vầu thấy đường lâm nghiệp do người dân địa phương mở mới ngay sát mép nước hồ Núi Cốc, bên trên đồi là rừng đã bị “cạo” trọc để trồng rừng keo mới. Hạt phó Hạt Kiểm lâm Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc Ðỗ Ðình Trường cho biết: “Theo quy định quản lý rừng phòng hộ, người dân được khai thác theo lô, khoảnh với diện tích tối đa là 3 ha, sau đó trồng rừng thay thế; hoặc khai thác tỉa thưa, để lại tối thiểu là 600 cây/ha. Trên thực tế, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc phần lớn là cây thuần loài (cây keo) nên đến tuổi thì phải khai thác, còn nếu để 600 cây/ha theo quy định thì cây sẽ bị nghiêng, đổ, xẻ cành dẫn đến chức năng phòng hộ suy giảm”.
Năm 2014, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc được quy hoạch thành rừng đặc dụng với diện tích 6.000 ha. Thực hiện quy hoạch này, thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên phối hợp TP Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Ðại Từ tiến hành điều tra chi tiết, rà soát hiện trạng, đánh giá đa dạng sinh học, xác định ranh giới, diện tích, đánh giá các giá trị lịch sử- văn hóa, cảnh quan; phân tích giữa lợi ích người dân và bảo vệ cảnh quan môi trường, phát triển du lịch trong khu vực. Nhưng kết quả cho thấy, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc không đáp ứng các tiêu chí của rừng đặc dụng, cụ thể là không đáp ứng các tiêu chí của khu dự trữ thiên nhiên và rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan. Hiện trạng rừng phòng hộ hồ Núi Cốc hiện nay với diện tích 3.453 ha, để có đủ 6.000 ha thì sẽ phải mở rộng phạm vi đến tám xã, không phù hợp với thực tế vì sẽ vướng vào nhà cửa, đất canh tác, rừng sản xuất của người dân địa phương.
Hiện nay có 905 hộ gia đình sinh sống trong khu vực, trong đó có hàng trăm hộ gia đình đang nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, trồng keo và khai thác keo khi đến chu kỳ, khi thực hiện quy hoạch rừng đặc dụng hồ Núi Cốc sẽ bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Vì khi đã xác lập là rừng đặc dụng thì sẽ nghiêm cấm các hành vi tác động đến rừng, trong khi đó chính sách hỗ trợ người dân đã có nhưng địa phương lại không có nguồn lực để thực hiện. Khi Chi cục Kiểm lâm và đơn vị tư vấn lấy ý kiến người dân tại sáu xã, 39 thôn thì có gần 70% số người dân không đồng thuận với việc xác lập rừng đặc dụng hồ Núi Cốc.
Chi cục trưởng Kiểm lâm Thái Nguyên Vũ Văn Phán cho biết: “Năm 2019 chúng tôi đã mời tư vấn độc lập rà soát kỹ các tiêu chí của rừng đặc dụng về đa dạng sinh học, loài quý hiếm cần bảo tồn, hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng, sinh vật, thực vật đặc hữu, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, diện tích... nhưng đều không đáp ứng các tiêu chí của rừng đặc dụng. Ðồng thời người dân trong vùng rừng phòng hộ hồ Núi Cốc và vùng giáp ranh chưa đồng thuận với việc xác lập rừng đặc dụng nên chúng tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không xác lập rừng hồ Núi Cốc là rừng đặc dụng mà giữ là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường như hiện nay”.
Khi không đáp ứng các tiêu chí mà vẫn xác lập rừng phòng hộ hồ Núi Cốc là rừng đặc dụng thì không những không có giá trị về mặt bảo tồn mà còn tác động đến phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Việc trở thành rừng đặc dụng bắt buộc thực hiện quy chế bảo vệ nghiêm ngặt, người dân không thể khai thác được rừng do mình trồng, rất dễ nảy sinh những tâm tư cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống; các dự án phát triển du lịch trong khu vực cũng không thể triển khai được. Tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Thái Nguyên với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngày 18-2 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Cao Chí Công đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần căn cứ các quy định hiện hành, báo cáo làm rõ quá trình thực hiện quy hoạch rừng đặc dụng trên địa bàn, trong đó có quy hoạch rừng đặc dụng hồ Núi Cốc, những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt khi xác lập rừng đặc dụng hồ Núi Cốc sẽ không đáp ứng các tiêu chí của rừng đặc dụng và sẽ ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trong khu vực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cho biết: “Tới đây các cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ rà soát lại một lần nữa về hiện trạng rừng, quản lý, bảo vệ, đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan một cách kỹ lưỡng, căn cứ cơ sở pháp lý để trình cấp có thẩm quyền quyết định có xác lập rừng hồ Núi Cốc là rừng đặc dụng hay giữ nguyên hiện trạng là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường như hiện nay. Là rừng phòng hộ thì cũng phải nâng cao chất lượng rừng để bảo vệ nguồn nước, cảnh quan, môi trường khu vực hồ Núi Cốc, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch tại đây”.
Trong những năm tới, tỉnh Thái Nguyên cần từng bước trồng thay thế rừng keo có giá trị thấp về phòng hộ, cảnh quan, môi trường hiện nay bằng các loài cây lâu năm như trám, sấu, lát... để dần hình thành rừng hỗn giao nhằm nâng cao chất lượng rừng, tăng cường chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực hồ Núi Cốc.