Bất cập trong vấn đề phát triển mô hình 'bác sĩ gia đình'

Tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 13/6 về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra các bất cập, vướng mắc cản trở sự phát triển của mô hình 'bác sĩ gia đình'.

Phiên thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra vào sáng nay. Ảnh: quochoi.vn

Phiên thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra vào sáng nay. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án bác sĩ gia đình.

Phòng khám bác sĩ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến. Đồng thời, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế.

Theo mô hình này, bác sĩ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân.

Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế. Mục đích nhằm có thể thực hiện vừa chăm sóc, điều trị bệnh vừa tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và hỗ trợ về tâm lý và xã hội. Bác sĩ gia đình là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật giúp giảm tải ở bệnh viện.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, theo bà Huế, mô hình này hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá, chưa thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình. Đồng thời, chưa xây dựng được quy chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân.

Chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm. Ngoài ra, mô hình này chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ.

Nói thêm về bất cập của mô hình này, theo Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Nguồn nhân lực được đào tạo có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân còn nhiều bất cập. Không có cơ chế tài chính đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y học gia đình để duy trì, phát triển. Các cơ sở y học gia đình chưa ký được bảo hiểm y tế ban đầu, nên chưa khuyến khích được sự tham gia…

Để hoàn thiện mô hình này, bà Huế đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế.

Đồng thời cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong khoa khám bệnh, ngoại trú. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa, có thể đưa vào một điều luật cụ thể về nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bà Hà cũng cho rằng cần luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Thu hút nhân lực công nghệ cao cao để người dân tiếp cận với nền y học tiên tiến nhất

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, qua 27 ý kiến phát biểu, ý kiến tranh luận, nhiều vấn đề đã được phân tích làm sâu sắc thêm, cũng có thêm nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra.

Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị phù hợp với xu thế quốc tế. Đồng thời tính đến tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam để có các quy định tối ưu nhất trong dự thảo Luật.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Về vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, các khái niệm quy định trong luật, Phó Thủ tướng nêu rõ, nguyên tắc là Luật Khám, chữa bệnh thì sẽ quy định liên quan Luật bảo hiểm y tế, chi phí khám, chữa bệnh sẽ do bảo hiểm y tế chi trả, chi phí liên quan y tế dự phòng sẽ do ngân sách đảm bảo.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu sâu hơn xu thế của quốc tế, vì ngoài các vấn đề với các căn bệnh suy dinh dưỡng hay việc truyền căn bệnh HIV từ mẹ sang con, cũng cần xác định ranh giới theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và đặc biệt là tiếp thu xu thế của thế giới hiện nay.

Về vấn đề về ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó là tìm hiểu sâu hơn xu thế trên thế giới về nội dung này trên tinh thần khuyến khích để thu hút nhân lực công nghệ cao, chất lượng cao vào Việt Nam để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến nhất.

Về vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như trên thế giới, để phân tuyến chuyên môn nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo xu hướng tăng nhiều hơn.

Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bat-cap-trong-van-de-phat-trien-mo-hinh-bac-si-gia-dinh-post7400.html