Bất cập trong việc dạy tích hợp môn học bậc THCS (Bài 2): Phức tạp hóa bài toán 'giáo viên tích hợp'
Vai trò của giáo viên được xác định là một trong những nhân tố quyết định thành công khi thực hiện chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT). Thế nhưng, việc dạy - học các môn học mới thường được gọi là môn 'tích hợp' ở bậc THCS đang khiến các nhà trường gặp không ít khó khăn về nhân sự giáo viên.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Quảng Trạch (Quảng Xương) kiểm tra, nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa giảng dạy phân môn tích hợp. Ảnh: Phong Sắc
Thiếu “nhân sự tích hợp”
Thiếu giáo viên đứng lớp và chưa có giáo viên “tích hợp” được đào tạo chuẩn chuyên môn là khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Đó là chia sẻ của nhiều lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và lãnh đạo các trường THCS trong tỉnh.
Theo thầy giáo Bùi Đình Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Nham (Quảng Xương): Trong quá trình thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, bên cạnh những thuận lợi, nhà trường gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc triển khai dạy – học các môn thường được gọi là môn “tích hợp”. Hiện nhà trường không có giáo viên được đào tạo dạy cả môn Lịch sử và Địa lý hay dạy cả 3 phân môn Hóa học, Sinh học và Vật lý trong môn Khoa học tự nhiên. Trong khi đó, nhà trường đang thiếu tới 17 giáo viên nên việc bố trí sắp xếp giáo viên dạy các môn như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên là rất khó khăn, bất cập.
Được gọi là 1 môn nhưng nhà trường phải bố trí từ 2 đến 3 giáo viên giảng dạy. Đây là điều chưa có trong tiền lệ dạy học của nhà trường từ trước đến nay. Đặc biệt, để đảm bảo thời lượng giảng dạy các phân môn phù hợp, nhà trường phải thay đổi thời khóa biểu nhiều lần trong kỳ học, thậm chí trong tháng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.
Thầy giáo X. (xin không nêu tên - PV) - lãnh đạo một trường THCS thuộc xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) cho biết: Do thiếu giáo viên nên tại trường, bình quân mỗi giáo viên phải dạy 22 đến 23 tiết, thậm chí 25 đến 26 tiết/tuần, trong khi đó theo quy định 1 giáo viên chỉ dạy 19 tiết/tuần. Tìm hiểu các trường trong vùng, trường nào có đủ giáo viên thì cũng không thể phân 1 giáo viên dạy 1 môn “tích hợp” vì chưa được đào tạo giảng dạy đủ 3 phân môn. Có chăng một vài giáo viên được đào tạo 2 phân môn, nhưng thuộc hệ cao đẳng. Hiện nay chuẩn giáo viên phải là đại học, mà đại học thì chỉ đào tạo 1 phân môn. Thực tế này đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với các nhà trường khi triển khai học các môn thường được gọi là môn “tích hợp”.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi môn tích hợp phải do một giáo viên giảng dạy, nhưng thực tế tại các nhà trường lại hoàn toàn trái ngược vì không có “nhân sự tích hợp”. Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định: Đến thời điểm này, Thanh Hóa vẫn chưa có giáo viên nào được đào tạo chuẩn chuyên ngành đủ 3 phân môn đảm bảo giảng dạy môn Khoa học tự nhiên. Đối với môn Lịch sử và Địa lý có một số ít giáo viên có thể giảng dạy cả 2 phân môn này nhưng họ cũng chỉ chuyên sâu ở 1 trong số 2 phân môn đó. Thực tế này khiến cho việc bố trí sắp xếp giáo viên giảng dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT năm 2018 ở các nhà trường gặp nhiều khó khăn.
Do chưa có “nhân sự tích hợp” nên giải pháp trước mắt được ngành giáo dục triển khai là bồi dưỡng nghiệp vụ. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, giáo viên dạy đơn môn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học của 1 hoặc 2 phân môn khác liệu có đủ năng lực và tự tin để đứng lớp? Giáo viên Vật lý có đủ khả năng dạy Sinh học và Hóa học không? Hay một giáo viên Sinh học có đủ khả năng để dạy tốt Vật Lý và Hóa học? Nhiều giáo viên thừa nhận không thể đảm bảo hiệu quả, chất lượng dù có được bồi dưỡng để đảm nhiệm dạy tích hợp.
Cô giáo Hoàng Thị Bích, Trường Tiểu học và THCS Thạch Tân (Thạch Thành) khẳng định: “Sẽ rất khó đảm bảo để dạy tốt ở cả 2 hoặc 3 phân môn đối với các môn học mới như Lịch sử và Địa lý hay Khoa học tự nhiên mà Chương trình GDPT 2018 đang áp dụng”.
Phương án nào hiệu quả?
Khi nhân sự thiếu, việc sắp xếp bố trí giáo viên giảng dạy, xây dựng thời khóa biểu và lựa chọn phương án dạy học trở thành “bài toán khó” đối với các nhà trường. Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Văn Long, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quang Trường, xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa): Có 3 phương án được đưa ra để dạy học môn “tích hợp”. Thứ nhất dạy song song, đa số các trường đang thực hiện, trong đó có Trường THCS Lê Quang Trường. Với phương án này, đối với môn Khoa học tự nhiên, 3 giáo viên cùng dạy 3 phân môn, thuận lợi cho việc sắp xếp thời khóa biểu, nhưng học sinh vất vả vì các phân môn được phân chia theo đầu sách - giữa sách - cuối sách dẫn đến học sinh phải có 3 cuốn vở ghi khác nhau. Thời khóa biểu thì phải có tuần chẵn - tuần lẻ, nhất là môn Lịch sử và Địa lý có 3 tiết/tuần, bình quân mỗi giáo viên/phân môn dạy 1,5 tiết/tuần nên phải có tuần chẵn - lẻ. Cụ thể tuần lẻ 2 tiết Lịch sử - 1 tiết Địa lý, tuần chẵn ngược lại. Đối với kế hoạch dạy học (phân phối chương trình) của giáo viên phải lên cho từng lớp chứ không phải cả khối lớp như trước đây.
Cô, trò Trường THCS Thành Hưng (Thạch Thành) trong giờ học. Ảnh: Phong Sắc
Thứ hai phương án dạy tuyến tính, vẫn 3 người dạy, mỗi phân môn 1 người theo trình tự sách giáo khoa thì đảm bảo mạch kiến thức nhưng thời khóa biểu phải thay đổi liên tục. Ở phương án này xảy ra tình trạng giáo viên dạy xong phần của mình vài tháng xong lại nghỉ để giáo viên khác dạy. Còn học sinh thì học phân môn không được liên tục sẽ quên kiến thức. Ví dụ lớp 7, phân môn Hóa học chỉ học đầu năm (7 tuần) sau đó nghỉ mãi đến đầu lớp 8 mới quay lại.
Đối với phương án thứ ba, một người dạy cả 3 phân môn từ đầu đến cuối. Phương án này thuận lợi cho nhà trường, giáo viên dễ chấm điểm, nhập điểm... nhưng rất ít giáo viên dạy được cả 3 phân môn. Nếu có thì giáo viên chưa đủ kiến thức, tự tin giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cũng theo thầy Long, hầu hết các trường đang lựa chọn phương án một, nhưng tựu chung cả ba phương án đều rối rắm, gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo viên quá tải, học sinh thiệt thòi.
Ở góc độ khác, một giáo viên giảng dạy tại TP Thanh Hóa phân tích: Nếu dạy học theo chủ đề, trung bình mỗi chủ đề khoảng 1 tháng đến 1 tháng rưỡi. Có nghĩa là học sinh học xong mỗi phân môn cách nhau cả tháng. Vậy khi học qua chủ đề Vật lý và Sinh học, quay về chủ đề Hóa học thì học sinh khó nhớ nổi kiến thức. Chưa kể, mỗi chủ đề gộp rất nhiều kiến thức bắt học sinh phải “tiêu hóa” hết. Đó là sự thiệt thòi cho học sinh.
Chia sẻ về “số phận” của môn “tích hợp”, nhiều người cho rằng, hiện nay chưa có lứa giáo viên đào tạo chính quy nào để giảng dạy các môn mới được gọi là “tích hợp” ở cấp THCS. Lực lượng chủ yếu hiện nay đang giảng dạy các môn này đều là giáo viên trẻ và chỉ chuyên sâu 1 phân môn. Nếu kiên trì để có đội ngũ giáo viên phù hợp dạy tích hợp thì phải chờ 5 đến 10 năm nữa, thậm chí lâu hơn mới có đủ lực lượng đào tạo chính quy thay thế lực lượng hiện tại. Liệu đến lúc đó có thêm cuộc đổi mới giáo dục nào nữa hay không (?!).
Phong Sắc
Bài cuối: Chất lượng giáo dục sẽ về đâu?