Bất cập trong xây dựng tái định cư ở vùng cao Quảng Trị
Những năm qua, ở Quảng Trị, việc xây dựng tái định cư (TĐC) cho người dân bị ngập lụt, sạt lở đất, nhất là đối với dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, việc xây dựng TĐC ở đây vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Đợt mưa lụt cuối năm 2020 khiến hàng chục hộ dân Vân Kiều sinh sống ở khu vực thung lũng, chân dốc của dãy đồi, núi trên địa bàn thôn Cợp, xã Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) thấp thỏm lo âu vì tình trạng sạt lở đất, đá.
UBND huyện Hướng Hóa vì thế đã quyết định việc xây dựng khu TĐC, di dời bà con đến nơi ở mới tại thôn Cha Lỳ, Hướng Lập, cách nơi ở cũ chừng 5km. Khu TĐC có nhiều dãy nhà liền kề, được xây dựng, bố trí theo địa hình bậc thang trông rất đẹp.
Ông Hồ Văn Chiến, một người dân ở đây tâm sự, so với nơi ở cũ, nhà cửa ở đây hơn hẳn nhờ được xây dựng kiên cố, bên cạnh đường sá đi lại thuận lợi và gần trung tâm hành chính xã. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư hệ thống nước tự chảy sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt, trong khi nguồn nước này cách xa nơi ở mới, người dân phải đi xa nhiều cây số để lấy về sử dụng nên rất khó khăn. Ngoài ra, ở khu vực TĐC hầu như không có đất để sản xuất. Vì vậy, qua hơn một năm đến nơi ở mới, đến nay gần 30 hộ dân bị sạt lở ở bản Cợp vẫn đang trong tình cảnh “một chốn hai quê”.
Bà Hồ Thị Tun, ở khu TĐC này trầm ngâm, chia sẻ: “Hàng ngày, bà con mình phải dậy sớm từ 4 – 5h sáng, chuẩn bị sẵn cơm nước cho con cái, rồi phần để bới theo về lại nơi cũ để làm ruộng, rẫy, đến chiều tối 18-19h mới về lại đến nhà. Việc đi lại như thế vào mùa nắng ráo còn được, chứ mùa mưa lụt rất vất vả và nguy hiểm”.
Bà Hồ Thị Ven, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết, toàn xã có gần 500 hộ dân với hơn 1.760 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Vân Kiều, sinh sống ở 5 thôn gồm A Xóc - Cha Lỳ, Cợp - Cuôi, Sê Pu - Tà Păng, Tri và Cù Bai. Điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở vùng này khá thuận cho sự phát triển các loại cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, mưa lụt hằng năm thường gây sạt lở đất, đá sườn núi; những bản làng nằm ở khu vực thung lũng, chân dốc của các dãy đồi, núi này vì thế tiềm ẩn đối diện với nhiều nguy hiểm, buộc phải di dời TĐC.
“Khi tiến hành công tác này, các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương có sự khảo sát, kiểm tra thực địa. Tuy nhiên, do địa hình hầu hết đồi, núi và rất ít vùng đất bằng phẳng. Do đó, khi quyết định xây dựng, địa phương ưu tiên việc lựa chọn gần đường giao thông và khu trung tâm hành chính xã để bà con có nhiều thuận lợi. Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại trước mắt (như về nguồn nước ăn uống, sinh hoạt), đồng thời đảm bảo lâu dài đời sống cho người dân, đặc biệt về sinh kế, xã rất mong muốn được cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí để sớm xây lắp hệ thống nước tự chảy và từng bước mở rộng san lấp mặt bằng thành đất phát triển sản xuất”, bà Ven chia sẻ và mong muốn.
Khu TĐC Trăng - Tà Buồng ở xã Hướng Việt (giáp ranh xã Hướng Lập) được đầu tư xây dựng với mức kinh phí gần 8 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục nhà cửa, đường giao thông và đập thủy lợi. Công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2022, dành cho 50 hộ dân trên địa bàn bị sạt lở đất đến định cư, sinh sống lâu dài. Tuy nhiên, tương tự ở trên, ở đây việc đầu tư khai hoang đất để phát triển sản xuất còn nhiều khó khăn.
Không riêng 2 khu TĐC này, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, ở Quảng Trị còn có nhiều khu TĐC khác, chủ yếu ở các xã, huyện vùng cao, đều có chung đặc điểm là chưa bố trí được đất phát triển sản xuất cho người dân. Thậm chí, ở một số khu TĐC hiện vẫn chưa được đầu tư nguồn điện thắp sáng và nước sạch để ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Người dân ở các khu TĐC này vì vậy phải tự xoay xở, hoặc may mắn hơn được các đơn vị hảo tâm hỗ trợ xây dựng một số công trình thiết yếu như giếng khoan, giếng đào, đường ống dẫn nước tự chảy. Song sự giúp đỡ này là có hạn, không thể đủ cho số lượng lớn hộ dân. Bà Hồ Thị Minh, Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, thực tế hiện nay, người dân ở hầu hết các khu TĐC trên địa bàn toàn tỉnh chưa mấy mặn mà với nơi ở mới do chất lượng cuộc sống ở đây không dễ trong “ngày một ngày hai” bằng với nơi ở cũ. Trong đó, khó khăn chủ yếu là nguồn nước và quỹ đất để phát triển sản xuất.
Trước tình hình này, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng liên quan, nhất là địa phương được đầu tư xây dựng khu TĐC, phải hết sức rút kinh nghiệm; thời gian tới, việc khảo sát, kiểm tra, lựa chọn địa điểm xây dựng khu TĐC phải thiết thực hơn đối với người dân phải di dời đến nơi ở mới này.
Theo bà Minh, cách đây 4 năm, tại phiên giải trình do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức về thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, cho thấy sau hàng chục năm thực hiện, tại thời điểm đó vẫn còn 303.578 hộ thiếu đất sản xuất, 58.123 hộ thiếu đất ở và 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt. Cùng với đó, hơn 24.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cả nước di cư tự phát, chưa được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. Đến nay, con số này có giảm đáng kể song vẫn còn rất lớn. Điều này cho thấy, việc giải quyết bài toán đất ở, đất sản xuất cho người dân, đặc biệt vùng bị sạt lở đến nơi ở mới, là không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay.
“Để giải quyết căn cơ vấn đề này, ngoài nguồn lực từ ngân sách của Nhà nước và xã hội hóa, cần có một hệ thống khung chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp cho chiến lược ứng phó với thiên tai và có tầm nhìn dài hạn”, bà Minh nhấn mạnh.