Bất cập việc khai thác mỏ khoáng sản quý, hiếm và những mỏ đất, đá đều như nhau

Tại phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi khoáng sản ở nhóm 4 không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trong khi tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp đang diễn ra rất nghiêm trọng…

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 28/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 28/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Chiều 28/6, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

“Đất hiếm” không thấy được ghi trong dự thảo luật

Quan tâm đến vấn đề phân loại nhóm khoáng sản (Điều 7), đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình phân loại thành 4 nhóm như dự thảo.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu loại khoáng sản của nhóm 3 và nhóm 4 có những loại lẫn lộn với nhau thuộc khoáng sản thông thường, vật liệu san lấp cho nên khó xác định được thuộc loại khoáng sản của nhóm 3 hay nhóm 4, dẫn đến việc sử dụng, khai thác, thuế tài nguyên chưa hợp lý, công bằng, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, gây ảnh hưởng đến dự trữ tài nguyên quốc gia, tạo khoảng trống pháp lý có thể sai phạm, thất thoát, lãng phí…

“Đề nghị giải trình loại khoáng sản làm vật liệu thông thường nhóm 3 là loại khoáng sản nào cũng như đất hiếm là loại khoáng sản của nhóm nào mà chúng tôi không thấy ghi vào luật, đề nghị nên có giải trình” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Cùng quan tâm đến vấn đề đất hiếm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Một trong những khoáng sản chúng ta đứng thứ 2 thế giới là đất hiếm. Tôi đọc 4 nhóm này, tôi không biết đất hiếm rơi vào nhóm nào”.

Tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp diễn ra rất nghiêm trọng

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề phân loại nhóm khoáng sản. Theo đại biểu, nếu đưa cát vào nhóm 2 là khoáng sản làm vật liệu trong công nghiệp, ví dụ như cát trắng có thể dùng làm vật liệu công nghiệp rất tốt, còn cát ở nhóm 4 đưa vào là chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp.

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu lo lắng với quy định của dự thảo luật là nhóm 4 thì chỉ đăng ký và không cấp phép bởi như nhóm 4 còn có đất sét, đất đồi. “Chúng tôi nghĩ đất sét cũng rất quan trọng và ngày càng hiếm; đất lẫn cát, sỏi hiện nay có vấn đề họ khai thác gian lận về trữ lượng, hủy hoại tài nguyên và làm mất ổn định đời sống của Nhân dân rất nhiều. Nếu chúng ta cho là nhóm 4 không cần cấp phép mà chỉ đăng ký, hiện nay chúng ta đang rất khó khăn về vấn đề quản lý việc khai thác vật liệu nhóm 4 này” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định.

Do đó, đại biểu đề nghị nhóm 4 cũng vẫn cấp phép nhưng có thể ủy quyền cấp phép ở cấp huyện. Theo đại biểu, làm như vậy, chẳng những sẽ quản lý về chuyện khai thác số lượng, trữ lượng mà còn quản lý được cả về vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường…

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, tại khoản 1 Điều 76 quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thuộc nhóm 4 là các loại khoáng sản làm vật liệu san lấp không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản và chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản. Việc bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản được cơ quan soạn thảo giải trình là nhằm đơn giản hóa về trình tự, thủ tục hành chính so với quy định hiện hành. Đại biểu cho rằng, điều này chưa phù hợp.

 Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp diễn ra rất nghiêm trọng, bên cạnh vi phạm hành chính thậm chí có trường hợp còn bị xử lý về hình sự, hậu quả không chỉ tàn phá môi trường sống, đe dọa an toàn các công trình đê điều, thủy lợi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dẫn đến thiếu hụt các nguồn cung nguyên vật liệu thi công các dự án, công trình trọng điểm về an ninh, quốc phòng, về giao thông, công trình dân sinh…

“Chính vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và hết sức cân nhắc không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác, nhất là đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, tránh tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến vi phạm không đáng có, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản khi luật có hiệu lực” - đại biểu Trần Thị Thanh Hương.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, báo cáo tham gia thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề cập một thực trạng rất đáng chú ý, đó là tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản nhóm 4 diễn biến phức tạp ở các địa phương.

 Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đó, các đối tượng đã lợi dụng tình hình khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia để khai thác trái phép khoáng sản, cát, đá và sỏi, đất làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp.

Trong quý I/2024, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về bảo vệ môi trường đã phát hiện 2.083 vụ vi phạm, tương đương cùng kỳ năm 2023. Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã trực tiếp khởi tố 8 vụ án về tội phạm vi phạm về quy định khai thác tài nguyên, công an các cấp đã khởi tố 118 vụ, 159 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản…

“Vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu, quy định rõ hơn về việc đăng ký khai thác khoáng sản nhóm 4 cũng như xem xét, xác nhận bản đăng ký nói trên, tránh dẫn tới việc vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng trầm trọng, khó đảm bảo yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về khoáng sản” - đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai kiến nghị.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp khai thác những mỏ khoáng sản quý, hiếm và những mỏ đất, đá đều như nhau

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, các ĐBQH cơ bản đồng tình với việc phân chia thành 4 nhóm khoáng sản. Theo Bộ trưởng, việc này sẽ giải quyết được những bất cập từ Luật Khoáng sản năm 2010.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, rất nhiều địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, những mỏ hiếm, quý giá và những mỏ đất đá đều như nhau, tức là khoáng sản hiện nay xem như một, cho nên quy trình, thủ tục như nhau, cũng đánh giá trữ lượng, thăm dò và tất cả các thủ tục. Theo Bộ trưởng, như vậy, chúng ta chậm đưa tài nguyên vào khai thác và có cả những bất cập trong quản lý.

Về ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc thêm nhóm 3 và nhóm 4 có lẫn lộn với nhau hay còn đan xen với nhau vì nhóm 3 là khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nhóm 4 là khoáng sản, đất đá phục vụ san lấp để thực hiện các dự án, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “thấy rất đúng”.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

“Tôi lấy ví dụ cát thôi, nhưng cát thì có nhiều loại khác. Ví dụ cát cao nhất làm vật liệu xây dựng là cát silic, cát này chúng ta chế biến để làm các loại sản phẩm rất quan trọng, kể cả làm bề mặt rồi làm tất cả mọi thứ về cát; cát thứ hai là cát xây dựng, đủ điều kiện để xây dựng các công trình, đấy là cát vật liệu xây dựng và cát thứ ba là cát san lấp, trong cát tôi đang tính sơ sơ như vậy đã thấy rằng các loại khác nhau” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phân tích.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ rất đồng ý với ý kiến các đại biểu, nhất là ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh) rằng đất sét có những loại khác nhau. Theo Bộ trưởng, sét là khoáng sản và từ sét chế biến ra các loại vật liệu khác tốt và có những loại sét đơn giản chỉ dùng để san lấp.

“Ý kiến của các đại biểu thì cơ quan soạn thảo thấy rằng rất quý giá để chúng tôi rà soát lại trong việc phân nhóm, phân loại thế nào để cho hợp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/bat-cap-viec-khai-thac-mo-khoang-san-quy-hiem-va-nhung-mo-dat-da-deu-nhu-nhau-160376.html