Bất cập xử lý rác thải sinh hoạt ở vùng cao

Thiếu kinh phí xây dựng khu xử lý rác thải, ý thức người dân còn hạn chế... là những nguyên nhân dẫn đến tiêu chí thành phần (17.6) trong tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Ảng chưa đạt. Việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn huyện, nhất là các xã vùng cao vẫn là 'bài toán' khó.

“Rác thải sinh hoạt thì bỏ ra sau nhà. Nếu nhiều thì đào hố lấp đất lên là xong. Mình quen rồi. Bao nhiêu năm nay cũng vậy có sao đâu...”; “Di chuyển 3 – 4km để vứt rác thì xa quá. Ở đây nhà nào tự xử lý của nhà đấy thôi”... là những chia sẻ của nhiều người dân khu vực nông thôn ở huyện Mường Ảng về việc xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày.

Tại huyện Mường Ảng, việc thu gom rác để xử lý đang được thực hiện tại trung tâm huyện, các xã, thị trấn có đông dân cư. Đối với các xã vùng cao, việc xử lý rác phụ thuộc lớn vào ý thức mỗi người dân. Dù xử lý bằng cách tự đào hố rác gần nhà hay chôn, đốt rác... thì vẫn không đúng quy định, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Điểm xử lý rác thải tại bản Noong Háng, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) bị hư hỏng và phải dừng hoạt động từ tháng 5/2024.

Điểm xử lý rác thải tại bản Noong Háng, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) bị hư hỏng và phải dừng hoạt động từ tháng 5/2024.

Ông Lường Văn Sết, Chủ tịch UBND xã Xuân Lao cho biết: Không phải bây giờ mà từ trước đến nay ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường chưa cao. Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhưng chỉ được thời gian ngắn. Đơn cử như việc xử lý rác thải sinh hoạt gia đình, xã đã nhắc nhở bà con trong điều kiện Nhà nước chưa có kinh phí xây dựng khu xử lý rác thải tập trung thì bà con cố gắng tập kết rác ở một điểm nào đó, có thể chôn, hoặc đốt nhưng đừng xả bừa bãi ra môi trường gây mất mỹ quan. Có người nghe, có người không nghe. Dẫu vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Tương tự xã Xuân Lao, tại xã Nặm Lịch, việc xử lý rác thải rắn, rác thải sinh hoạt của người dân cũng là bài toán khó với cấp ủy, chính quyền. Theo ông Lương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch, thay đổi tư duy của người dân là việc khó, không phải ngày một, ngày hai mà cần cả quá trình. Tước mắt, xã vẫn đang tuyên truyền để người dân xử lý rác thải tại nhà bằng cách chôn, lấp. Về lâu dài, xã mong muốn Nhà nước sớm đầu tư, phân bổ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng khu xử lý rác thải tập trung cho xã để bảo đảm môi trường sống và mỹ quan nông thôn.

Không có khu xử lý rác thải cố định, người dân xả rác dọc trục đường.

Không có khu xử lý rác thải cố định, người dân xả rác dọc trục đường.

Theo tiêu chí số 17 về môi trường, trong số 9 xã của huyện Mường Ảng thì có tới 5 xã chưa đạt tiêu chí thành phần về “Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định”, gồm: Ẳng Tở, Xuân Lao, Nặm Lịch, Mường Đăng, Ngối Cáy.

Khắc phục thực trạng trên, đầu tư lò đốt công suất nhỏ là giải pháp tình thế, góp phần giải quyết nhanh chóng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Huyện Mường Ảng đã đầu tư lò đốt rác tại bản Noong Háng, xã Ẳng Cang với công suất 5 tấn/ngày đêm, thực hiện việc xử lý rác thải của khu vực thị trấn Mường Ảng và một phần của các xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Ẳng Tở. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, lò đốt rác này đã hỏng và phải dừng hoạt động từ tháng 5/2024. Tất cả rác thải từ đó đến nay phải chuyển về thị trấn Tuần Giáo để xử lý.

Chưa quan tâm đến môi trường, một số hộ dân xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) nuôi nhốt gia súc gần nhà.

Chưa quan tâm đến môi trường, một số hộ dân xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) nuôi nhốt gia súc gần nhà.

Ông Lò Văn Thăng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng cho biết: Nếu còn hoạt động thì lò đốt rác tại bản Noong Háng, xã Ẳng Cang cũng chỉ xử lý được rác thải tại thị trấn Mường Ảng và một phần của xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Ẳng Tở. Còn lại người dân vùng cao vẫn phải xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức chôn lấp hoặc theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải rắn ở khu vực nông thôn vẫn là “bài toán” khó.

Kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường, huyện Mường Ảng đã có chủ trương xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại bản Pá Sáng, xã Búng Lao trên diện tích gần 45.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Hiện nay, các thủ tục đã hoàn tất. Công trình sẽ được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại bản Pá Sáng, xã Búng Lao sau khi được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

Khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại bản Pá Sáng, xã Búng Lao sau khi được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Trần Minh Giáp, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Ảng cho biết: Năm 2024, tổng khối lượng rác thu gom trên địa bàn một số xã, thị trấn trên 4.000 tấn (thị trấn Mường Ảng 1.313,94 tấn; Ẳng Nưa 356,28 tấn; Ẳng Cang 686,29 tấn; Ẳng Tở 571,22 tấn; Búng Lao 1.133, 14 tấn). Nếu tính cả huyện thì khối lượng rác thải sẽ cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại bản Pá Sáng, xã Búng Lao là hết sức cần thiết, qua đó, giảm thiểu tác động tiêu cực từ rác thải, đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt ra môi trường.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/batcap