Bất cập xử lý xe hợp đồng
Trong 6 tháng đầu năm, dù được cho là mạnh tay xử lý vi phạm với trên 1.000 biên bản phạt hành chính, với số tiền gần 2 tỷ đồng, cùng với đó là các hình thức tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe, tước phù hiệu... nhưng trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vẫn cố tình vi phạm các quy định.
Dư luận đang đặt câu hỏi, phải chăng nhà quản lý chưa làm hết trách nhiệm? Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng tham mưu tổng hợp (Thanh tra sở GTVT Hà Nội), thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch về việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn TP Hà Nội. Kết quả, trong hai quý đầu năm 2020, lực lượng thanh tra đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 1.038 trường hợp, phạt tiền gần 2 tỷ đồng, tạm giữ 24 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 2 tháng đối với 198 trường hợp và tước phù hiệu xe vận tải hành khách xe hợp đồng 48 trường hợp…
Tuy nhiên, với con số nêu trên, dư luận cho rằng, số tiền phạt cũng như việc tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe chưa thấm vào đâu so với lợi nhuận mà các chủ phương tiện cũng như các doanh nghiệp vận tải thu được. Bên cạnh đó, hằng ngày, hằng giờ nhiều xe ô tô hoạt động sai phạm trên các tuyến phố của Hà Nội mà vẫn dễ dàng qua mắt lực lượng chức năng.
Theo Nghị định 10 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/4/2020 quy định rõ, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết (dán cố định) cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và niêm yết một số thông tin khác trên xe.
Đáng chú ý, với loại xe công nghệ, ông Lê Mạnh Hùng, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi Nghị định 10 có hiệu lực, các hãng xe công nghệ dù lựa chọn loại hình nào, cũng phải tuân thủ các quy định về gắn dòng chữ “Xe hợp đồng”, sau đó là phù hiệu...
Thế nhưng, những ngày qua, ghi nhận của PV trên các tuyến phố của Hà Nội như Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Xiển, Cầu Giấy… rất nhiều xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vẫn cố tình vi phạm các quy định hiện hành như: Không dán phù hiệu “Xe hợp đồng” cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, không thực hiện niêm yết các thông tin khác trên xe, không niêm yết cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe;...
Lái xe Grap Nguyễn Văn Thành cho hay, hiện rất nhiều xe ô tô dưới 9 chỗ không niêm yết hoặc niêm yết thiếu thông tin vì trong số các xe chạy dịch vụ “taxi công nghệ” có nhiều xe gia đình, họ chỉ chạy bán thời gian nên có tâm lý ngại dán nhiều thông tin lên xe. Còn với những người xác định nghề Grabcar để mưu sinh thì gần như họ đã đáp ứng yêu cầu, kể cả những quy định sắp có hiệu lực.
Nhưng thực tế với xe công nghệ Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận được rất ít các trường hợp xin cấp lại phù hiệu xe, chuyển đổi hình thức theo quy định mới.
Ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng Vận tải, sở GTVT Hà Nội cho biết: Chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 10 sau đó sẽ kiểm tra, xử lý tài xế và doanh nghiệp vi phạm. Như vậy, có thể thấy với loại xe công nghệ, trách nhiệm của ngành giao thông là thực hiện kế hoạch chưa thường xuyên, chưa đôn đốc kịp thời các doanh nghiệp vận tải thực hiện triệt để theo kế hoạch việc xin cấp lại phù hiệu xe, chuyển đổi hình thức theo quy định mới.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-cap-xu-ly-xe-hop-dong-490382.html