Bất chấp căng thẳng ở Ukraine, Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Nga
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ tới Nga là sự tiếp nối các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên giữa hai bên.
Bất chấp xung đột ở Ukraine đang leo thang và áp lực liên tục từ phương Tây về việc “cắt giảm quan hệ với Moscow”, Ấn Độ vẫn khẳng định mối quan hệ của mình với Nga.
Theo New Indian Express, bằng chứng là chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tới Nga từ ngày 7-8/11.
Trong chuyến công du kéo dài 2 ngày, Ngoại trưởng S. Jaishankar sẽ gặp người đồng cấp Sergei Lavrov và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Denis Manturov.
Hai Ngoại trưởng đã gặp nhau 4 lần vào năm 2021. Thủ tướng Narendra Modi và các quan chức cấp cao khác của Ấn Độ như Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh thường xuyên tiếp xúc với những người đồng cấp Nga.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai Ngoại trưởng sẽ thảo luận “toàn bộ các vấn đề song phương cũng như trao đổi quan điểm về các diễn biến khác nhau trong khu vực và quốc tế”.
Ông Lavrov đón ông S. Jaishankar tại Moscow vào tháng 7/2021, sau đó là chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga tới New Delhi vào tháng 4/2022.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Denis Manturov là người đồng cấp của ông S. Jaishankar tại Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ-Nga về Hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và văn hóa (IRIGC-TEC). Hai ông dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế song phương trong các lĩnh vực khác nhau.
Thương mại song phương đạt 8,1 tỷ USD vào năm 2020 với cán cân thương mại nghiêng về phía Nga.
The Hindu cho hay, chuyến thăm diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia. Tại đây, nhà lãnh đạo Nga sẽ đối mặt với các nhà lãnh đạo phương Tây lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng Hai.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3/11 tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tham dự.
Theo Economic Times, kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Thủ tướng Modi đã nhiều lần trao đổi với Tổng thống Putin cũng như Tổng thống Zelensky.
Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine hôm 4/10, ông Modi nhấn mạnh không thể có "giải pháp quân sự" và Ấn Độ sẵn sàng đóng góp cho bất kỳ nỗ lực hòa bình nào.
Tại cuộc gặp ông Putin ở thành phố Samarkand, Uzbekistan vào ngày 16/9, ông Modi đã nói với nhà lãnh đạo Nga rằng “thời đại ngày nay không phải là chiến tranh".
Không giống như nhiều nước phương Tây, Ấn Độ đến nay không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và vẫn duy trì lập trường là cuộc khủng hoảng phải được giải quyết thông qua ngoại giao và đối thoại.
Ngoài Hội nghị thượng đỉnh G20, giữa tháng 11 có thể diễn ra một cuộc họp theo “định dạng Moscow” (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) bàn về tương lai của Afghanistan.
Theo Đặc phái viên của Tổng thống Nga về vấn đề Afghanistan, ông Zamir Kabulov, cuộc họp tại Moscow dự kiến đưa ra một đề xuất mới với sự tham gia của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Pakistan.
Như vậy, tình hình ở Afghanistan có thể được thảo luận tại cuộc gặp của hai Ngoại trưởng Nga-Ấn Độ vào tuần tới. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đến nay vẫn chưa công bố sự tham gia của New Delhi vào cuộc họp theo “định dạng Moscow”.
Vào tháng 12/2021, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm ngắn tới New Delhi để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Nga. Vòng tiếp theo của Hội nghị thượng đỉnh thường niên dự kiến được tổ chức tại Moscow vào cuối năm nay, song phía Ấn Độ vẫn chưa đề cập sự kiện này.