Bất chấp căng thẳng vì sự 'nhòm ngó' của Mỹ với Greenland, Đan Mạch chuẩn bị phê chuẩn thỏa thuận quan trọng
Quốc hội Đan Mạch chuẩn bị phê chuẩn một thỏa thuận quốc phòng đã ký với Mỹ vào tháng 12/2023 trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Copenhagen và Washington đang trải qua những biến động đáng kể.

Thỏa thuận quốc phòng tương lai giữa Mỹ và Đan Mạch cho phép Washington tiếp cận không hạn chết 3 căn cứ quân sự của Copenhagen. (Nguồn: Reuters)
Hãng tin Reuters cho hay, thỏa thuận trên cấp quyền tiếp cận không hạn chế 3 căn cứ quân sự của Đan Mạch cho các lực lượng Mỹ trong thời gian ban đầu là 10 năm. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gây tranh cãi trong Quốc hội Đan Mạch, đặc biệt là từ khi Tổng thống Donald Trump tái cử.
Tại thời điểm kí kết dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, thỏa thuận đã được Chính phủ Đan Mạch, khi đó đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Mette Frederiksen lãnh đạo, đón nhận tích cực.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen mô tả đây thỏa thuận “lịch sử”, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường phòng thủ tập thể, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra dọc biên giới phía Đông Liên minh châu Âu. Do đó, Đan Mạch đã theo bước các quốc gia Bắc Âu và Baltic khác kí kết thỏa thuận tương tự với Mỹ.
Thỏa thuận này đặc biệt liên quan các căn cứ quân sự tại Aalborg, Karup và Skrydstrup, nơi Mỹ sẽ được phép triển khai nhân sự, thiết bị và vũ khí. Các căn cứ này cũng sẽ cho phép lực lượng Mỹ thực hiện các hoạt động bảo trì, huấn luyện và các cuộc tập trận quân sự thường xuyên, qua đó tăng cường khả năng phản ứng nhanh trong thời điểm khủng hoảng.
Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị đã thay đổi đáng kể sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền tại Nhà Trắng, đặc biệt là sau những tuyên bố mới đây của ông Trump về việc sáp nhập Greenland. Những phát biểu này đã tác động đáng kể đến dư luận Đan Mạch, vốn theo truyền thống vẫn ủng hộ Mỹ.
Bất chấp sự phản đối ngày càng tăng trong dân chúng và những lo ngại được một số đảng đối lập nêu ra, Chính phủ Đan Mạch vẫn coi việc phê chuẩn thỏa thuận trên là điều cần thiết để duy trì sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Thỏa thuận quốc phòng nói trên dự kiến sẽ được phê chuẩn do sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong Quốc hội Đan Mạch. Đối với Copenhagen, điều quan trọng vẫn là duy trì liên minh chiến lược với Mỹ trong khi hi vọng Washington tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp bầu không khí ngoại giao căng thẳng hiện nay giữa hai nước này.