Bất chấp cầu suy giảm, bán lẻ vẫn hút dòng vốn đầu tư khủng
Giá hàng hóa tăng khiến người tiêu dùng dè dặt hơn khi quyết định chi tiêu, tuy vậy điều này không hề ảnh hưởng tới quyết định rót tiền đầu tư của những 'ông lớn' nước ngoài vào ngành bán lẻ Việt Nam với tham vọng trở thành số 1. Điều này cho thấy, 'sóng' cạnh tranh trong ngành không hề nhỏ, nhưng muốn chiếm thị phần nhanh, chắc chắn cần nắm lợi thế cạnh tranh.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%). Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19.
‘Hái ra tiền’ ở thị trường Việt Nam
Trong bối cảnh tổng cầu suy giảm, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vẫn quyết định rót số tiền khổng lồ vào ngành bán lẻ. Một trong những cái tên phải kể tới là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan - Central Retail Corporation (CRC) mới đây đã quyết định đầu tư tổng trị giá 50 tỷ Baht (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023 - 2027 để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt tại 57/63 tỉnh thành của Việt Nam.
Lý giải quyết định này, ông Yol Phokasub, Giám đốc điều hành CRC cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam là thị trường trọng điểm thông qua sự tăng trưởng kinh tế liên tục với tiềm năng mạnh mẽ. Đó là lý do chúng tôi đã mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 11 năm qua”.
Cùng với đó, dân số Việt Nam tiếp tục tăng bên cạnh sự phát triển của các kênh phân phối bán hàng hiện đại và lượng du khách quốc tế ngày càng tăng, mang đến cho Central Retail những dấu hiệu tích cực để tiếp tục mở rộng kinh doanh trên 3 ngành hàng, phục vụ phong cách sống của người tiêu dùng Việt Nam.
Thống kê cho thấy, Central Retail Việt Nam đã có hơn 340 cửa hàng với diện tích bán lẻ hơn 1.200.000 m2 trên 40 tỉnh thành của Việt Nam. Những kỳ vọng của Central Retail hoàn toàn có cơ sở, nhưng một trong những lý do quyết định "xuống tiền" chắc chắn một phần đến từ những kết quả kinh doanh ấn tượng của Central Retail Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Theo đó, Central Retail Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt từ 300 triệu Baht (8,7 triệu USD) vào năm 2014 lên 38,592 triệu Baht (1,12 tỷ USD) vào năm 2021. Gần đây nhất, vào năm 2022, công ty đã thành công đạt được doanh số bán hàng đóng góp 25% tổng doanh thu của Central Retail, "trở thành nhà bán lẻ quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, dẫn đầu thị phần mảng đại siêu thị và đứng thứ 2 thị phần trung tâm thương mại - phong cách sống”, ông Yol Phokasub nhấn mạnh.
Bên cạnh Central Retail, Aeon - tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, dự định đẩy mạnh mở rộng tại Việt Nam, tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại vào năm 2025 nhằm tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm. Nhà bán lẻ này đang đẩy nhanh việc mở các trung tâm thương mại và các cửa hàng khác tại Việt Nam nhằm thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Thực tế, câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngành bán lẻ không hề mới, mà đã diễn ra từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì rõ ràng thị trường Việt Nam phải rất tiềm năng và hấp dẫn, các "ông lớn" mới mạnh tay rót vốn đến vậy.
'Sóng' cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành bán lẻ do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện mới đây cho thấy, tính đến thời điểm này, cả nước có trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ báo cáo đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch.
Tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn. Đặc biệt, trong cuộc đua phục hồi sau đại dịch COVID-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự tăng tốc của nhiều doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối.
Một báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP.
Tuy vậy, trong điều kiện tổng cầu còn suy giảm, cộng với sự cạnh tranh gay gắt, rõ ràng các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, khi mà nhiều người tiêu dùng dần chuyển sang kênh online. Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ muốn cạnh tranh hiệu quả trong tình hình mới, cùng với những kênh bán hàng truyền thống, cần khẩn trương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử...
Chia sẻ về hành vi tiêu dùng online, ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam nói với VnBusiness , dịch COVID-19 tạo ra cú hích thay đổi hành vi tiêu dùng. Ở Lazada, nếu trước đây, khách hàng chỉ mua khoảng 5 ngành hàng thì giờ tăng lên trung bình 7 ngành hàng, trong đó nhiều khách hàng quan tâm tới sản phẩm nông sản như rau, củ quả, thịt, bên cạnh các mặt hàng điện tử, thời trang hay mỹ phẩm.
"Thông qua các đơn hàng được mua sắm trên Lazada, chúng tôi thấy rằng hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, đi vào chiều sâu hơn. Mọi người quan tâm tới nhiều ngành hàng khác nhau và mong muốn được trải nghiệm dịch vụ như khi đi mua sắm trực tiếp tại siêu thị", ông Dũng đánh giá.
Nắm bắt hành vi này, ông Dũng cho hay, Lazada đang cung cấp các dịch vụ để nâng cao trải nghiệm khi mua sắm và gia tăng ưu đãi cho khách hàng: "Chúng tôi đáp ứng tốt nhất hành trình mua sắm của người tiêu dùng từ lúc tìm hiểu tới lúc mua hàng, chính sách hậu mãi".
Rõ ràng, với những chiến lược như vậy, Lazada chắc chắn sẽ là đối thủ đáng gờm cho các “ông lớn” bán lẻ offline hiện nay nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu chiếm lĩnh thị phần.