Bất chấp Covid-19, người trẻ lách luật để tiệc tùng ở Hong Kong
Làm giả giấy chứng nhận tiêm vaccine và tin nhắn từ chính quyền là cách để nhiều người trẻ Hong Kong qua cổng an ninh hộp đêm trót lọt.
Joanne Li (22 tuổi) cho biết cô chưa tiêm vaccine Covid-19, nhưng điều đó không thể ngăn cản cô tận hưởng buổi tối vui vẻ ở Lan Quế Phường - trung tâm ăn chơi của cuộc sống về đêm Hong Kong (Trung Quốc).
Cô không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng tại quán bar yêu thích và được phép ở lại quá nửa đêm, theo SCMP.
“Tôi nghĩ Hong Kong đã an toàn khỏi virus SARS-CoV-2 vì chẳng còn mấy ca dương tính trong cộng đồng”, Li, làm việc trong lĩnh vực tài chính, cho biết. Cô không tiêm vaccine do lo lắng về các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Paul Jones (21 tuổi), sinh viên đến từ Anh, cũng chưa tiêm chủng. Song, anh vẫn đến các hộp đêm mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
Trong suốt 2 tuần qua, anh sử dụng hình ảnh chụp giấy chứng nhận tiêm vaccine của một người bạn để qua cổng an ninh hộp đêm và vẫn chưa dừng lại.
“Các hộp đêm lúc này chỉ muốn có thu nhập”, anh nói.
Các cuộc kiểm tra của SCMP tại 10 hộp đêm nhộn nhịp ở Lan Quế Phường hay Tsim Sha Tsui cho thấy chỉ một địa điểm duy nhất tuân thủ quy định Covid-19 của chính quyền Hong Kong, bao gồm kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vaccine của khách hàng.
SCMP cũng phát hiện nhiều khách hàng thừa nhận rằng họ đã sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng giả hoặc biết những người làm vậy, cũng như giả mạo tin nhắn hẹn ngày tiêm vaccine để qua cổng an ninh.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo rằng mặc dù Hong Kong chỉ có 3 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng kể từ tháng 6, những địa điểm tập trung đông người về đêm vẫn là nơi có nguy cơ bùng phát dịch cao.
Làm giả giấy tờ nhan nhản
Các quán bar và hộp đêm đã mở cửa trở lại vào tháng 4 sau nhiều tháng đóng cửa vì thực hiện giãn cách xã hội. Họ được mở cửa muộn và phục vụ nhiều người hơn tại bàn với điều kiện kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng của khách hàng theo cơ chế “bong bóng vaccine”.
Khách hàng phải tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và sử dụng ứng dụng Leave Home Safe khi tới những địa điểm này.
Theo cơ chế “bong bóng vaccine”, một số quán bar hoạt động với giấy phép nhà hàng ở Tsim Sha Tsui được mở cửa tới 2h nếu đội ngũ nhân viên đã tiêm chủng đầy đủ, và ít nhất 2/3 khách hàng ngồi cùng bàn được tiêm tối thiểu một mũi vaccine.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống phải cài đặt và sử dụng của chính quyền để kiểm tra tình trạng tiêm chủng của những người này bằng cách quét mã QR. Việc vi phạm quy định sẽ bị phạt tối đa 50.000 HKD (gần 6.500 USD) và 6 tháng tù.
Nói với SCMP, Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hong Kong cho biết tính đến 2/9, chưa có trường hợp vi phạm nào được báo cáo kể từ khi các quy tắc có hiệu lực vào tháng 4.
Trong khi đó, tháng 8, cảnh sát đã bắt giữ 3 người do làm giả giấy chứng nhận tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm Covid-19. Điều tra sơ bộ cho thấy những tài liệu này được bán cho những người đang tìm việc làm mà không cần chứng minh nhân dân.
Cảnh sát cho biết họ không có thống kê cụ thể về số người bị phạt vì xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng giả tại các cơ sở ăn uống.
Tom Tse (23 tuổi) cho biết anh chưa tiêm vaccine nên đã chỉnh sửa giấy chứng nhận tiêm chủng của bạn và chèn tên mình vào. Anh đã sử dụng giấy tờ giả này để đi chơi mỗi thứ 6 và thứ 7 hồi tháng 6.
“Tôi luôn thực hiện trót lọt”, anh kể lại.
Tse cho biết trước đây, anh quá lười để đi tiêm vaccine, nhưng hiện anh đã tiêm chủng để bắt đầu công việc mới ở một quán bar. Anh nghĩ rằng tốt nhất là mọi người đều nên chủng ngừa “để giữ an toàn”.
Zack Cheung (21 tuổi), sinh viên đại học, chứng kiến bạn bè của mình chỉnh sửa tin nhắn hẹn ngày tiêm vaccine. Họ thay thế các chi tiết như họ tên, thông tin ID và sắp xếp sao cho nó giống như được gửi bởi chính quyền Hong Kong.
Chỉ cần xuất trình qua loa tin nhắn đó là đủ để họ vào quán bar, theo nam sinh viên.
Chuyên gia công nghệ thông tin Wong Ho-wa cho biết mã QR là phương thức kiểm tra tốt nhất về hồ sơ tiêm chủng của cá nhân. Rất khó để sao chép mã QR vì công nghệ này có tính chống giả mạo để bảo mật và xác thực dữ liệu, theo Wong.
Tuy nhiên, Anthea Cheung So-may, Giám đốc Hiệp hội Lan Quế Phường, đại diện cho các doanh nghiệp tại khu vực, cho biết bà chưa từng nghe về việc khách hàng sử dụng giấy tờ tiêm chủng giả mạo.
“Theo kinh nghiệm cá nhân, nhân viên các quán bar và hộp đêm sẽ quét mã QR tiêm phòng của tôi trước khi cho phép tôi bước vào trong”, bà nói.
“Hiện tình hình dịch bệnh ở Hong Kong vẫn ổn định. Chúng tôi hy vọng chính quyền có thể nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội để ngành dịch vụ có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt”, Cheung So-may nói thêm.
Nguy cơ bùng phát dịch cao
Leung Chi-chiu, bác sĩ chuyên khoa hô hấp, kêu gọi giới chức đẩy mạnh kiểm tra tại các điểm vui chơi về đêm để tránh các cuộc bùng phát siêu lây lan.
Với biến thể Delta hiện nay, ông cho biết ngay cả 2 liều vaccine cũng khó có thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.
“Song phải nói rằng, những người chưa tiêm chủng sẽ gặp rủi ro cao hơn cả. Những người làm giả giấy chứng nhận tiêm vaccine cũng có xu hướng vi phạm quy tắc giãn cách xã hội”, bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Leung, quy mô tụ tập tại các hộp đêm và văn hóa đi bar khiến các tụ điểm giải trí trở thành nơi có nguy cơ cao thành ổ dịch.
Chẳng hạn, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) từng trải qua đợt bùng phát dịch đột biến tại các quán karaoke và phòng trà.
Bản thân Hong Kong từng chứng kiến hơn 700 ca dương tính nCoV liên quan đến các địa điểm vui chơi về đêm vào cuối năm ngoái.
“Một khi có ca nhiễm nhập cảnh lọt qua mạng lưới bảo vệ và ghé thăm những địa điểm này, nó sẽ kích hoạt đợt bùng dịch siêu lây lan”, bác sĩ nói.
Giáo sư Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học hàng đầu tại ĐH Hong Kong, cho biết một trong những ưu điểm của “zero-Covid” là “là khả năng nới lỏng một số biện pháp chống dịch trong nước”.
“Chỉ cho phép những ai đã tiêm chủng vào hộp đêm có thể trở thành động lực khuyến khích mọi người đi tiêm vaccine”, ông nói.