Bất chấp đại dịch, CEO Instacart vẫn có 'vé' vào CLB doanh nhân tỉ đô

Từng thất bại trong 20 lần khởi nghiệp, Apoorva Mehta - CEO của ứng dụng 'đi chợ thuê' Instacart - vừa lọt vào danh sách tỉ phú thế giới của Forbes.

Doanh nhân 33 tuổi Apoorva Mehta - nhà sáng lập kiêm CEO của Instacart, ứng dụng đặt mua và giao thực phẩm tươi trong ngày, là gương mặt mới toanh xuất hiện trong danh sách tỉ phú USD mà tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố.

Doanh nhân Apoorva Mehta - nhà sáng lập kiêm CEO Instacart vừa gia nhập câu lạc bộ tỉ phú của Forbes. (Ảnh: Instacart)

Doanh nhân Apoorva Mehta - nhà sáng lập kiêm CEO Instacart vừa gia nhập câu lạc bộ tỉ phú của Forbes. (Ảnh: Instacart)

Trước khi triển khai thành công ý tưởng phát triển ứng dụng "đi chợ thuê" Instacart, Apoorva Mehta đã từng nếm mùi thất bại trong 20 lần khởi nghiệp.

Có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ), Instacart hiện là ứng dụng đặt mua và giao thực phẩm tươi phổ biến nhất tại Mỹ, với hơn 50.000 nhân viên đi chợ và giao hàng, kết nối với 15.000 cửa hàng tại 400 thành phố tại Mỹ. Đơn vị kinh doanh này đang được định giá khoảng 7,6 tỷ USD.

Doanh nhân Apoorva Mehta đã thành lập công ty mua và vận chuyển hàng tạp hóa Instacart vào năm 2012. Dịch vụ này "ăn nên làm ra" khi nhu cầu mua sắm online tăng đột biến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành thời gian qua.

Startup kỳ lân Instacart vừa huy động được 225 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất, qua đó nâng giá trị của công ty từ 7,9 tỉ USD lên 13,7 tỉ USD.

Theo ước tính của Forbes, với việc nắm trong tay 10% cổ phần của Instacart, CEO Apoorva Mehta sở hữu tài sản trị giá khoảng 1,2 tỉ USD. Người phát ngôn của Instacart không đưa ra bất cứ bình luận nào về con số mà Forbes vừa đưa ra.

Tỉ phú Apoorva Mehta đã từng nếm mùi thất bại trong nhiều lần khởi nghiệp. (Ảnh: The Business Journal)

Tỉ phú Apoorva Mehta đã từng nếm mùi thất bại trong nhiều lần khởi nghiệp. (Ảnh: The Business Journal)

Instacart hoạt động trong lĩnh vực đặt mua và giao nhận hàng tạp hóa, cho phép khách hàng lựa chọn trực tuyến những món đồ họ cần. Bộ phận quản lý đơn hàng của công ty sẽ cho đóng gói và vận chuyển đến tận nhà khách hàng.

Ước tính, dịch vụ này có thể phục vụ tới 85% tổng số hộ gia đình tại Mỹ và 70% tại Canada. Nhu cầu về dịch vụ tiện ích này đã tăng vọt khi bắt đầu có hàng triệu người dân phải ở nhà nhằm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Dữ liệu của Instacart cho thấy, số lượng đơn hàng đã tăng tới 500% trong vòng 12 tháng qua, và trung bình mỗi khách hàng sử dụng nhiều hơn 35% tiền chi tiêu cho các đơn hàng này so với trước đó.

Do đó, Instacart đã phải tuyển dụng thêm 300.000 nhân viên mới kể từ tháng 3 vừa qua và dự kiến sẽ còn tiếp tục tuyển thêm 250.000 lao động nữa để có thể triển khai rộng rãi hơn dịch vụ giao hàng trong vòng một giờ và trong một ngày.

Dịch vụ "đi chợ thuê" của Instacart nở rộ trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh: KT)

Dịch vụ "đi chợ thuê" của Instacart nở rộ trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh: KT)

Tỉ phú Apoorva Mehta chia sẻ: "Chúng tôi có những kế hoạch tham vọng cho tương lai và khoản đầu tư mới sẽ giúp công ty có nhiều chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với các nhân viên cũng như đối tác của mình, đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng".

Doanh nhân Apoorva Mehta sinh ra tại Ấn Độ và lớn lên tại Canada. Trước khi thành lập Instacart, Apoorva Mehta đã từng làm kỹ sư cho các hàng công nghệ lớn như Blackberry và Qualcomm. Apoorva Mehta cũng đã từng làm việc cho tập đoàn thương mại điện tử Amazon với vai trò kỹ sư chuỗi cung ứng, trợ giúp phát triển hệ thống tiếp nhận và xử lý đơn hàng.

Mấy năm sau đó, Apoorva Mehta đã chuyển tới San Franciso và bắt đầu theo đuổi con đường kinh doanh của riêng mình. Doanh nhân này đã lên ý tưởng cho khoảng 20 sản phẩm, trong đó bao gồm cả một mạng xã hội dành cho các luật sư, nhưng đều không thành công như mong đợi.

Ý tưởng thành lập Instacart được triển khai năm 2012 trong bối cảnh phần lớn các sản phẩm hàng hóa đều có thể đặt mua ở trên mạng. Song, phân khúc hàng tạp hóa lại không đi theo trào lưu này mà vẫn "giậm chân tại chỗ", và điều này đã khiến ông chủ Apoorva Mehta bắt đầu lập trình một ứng dụng là tiền thân của Instacart hiện nay.

Ứng dụng đặt và giao hàng trên Instacart ngày càng phổ biến tại Mỹ. (Ảnh: KT)

Ứng dụng đặt và giao hàng trên Instacart ngày càng phổ biến tại Mỹ. (Ảnh: KT)

Apoorva Mehta trở thành khách hàng đồng thời cũng như nhân viên đầu tiên của Instacart. Doanh nhân này đích thân chọn hàng hóa trên ứng dụng, rồi sau đó đi mua hàng và vận chuyển đến địa chỉ nhà của chính mình. Ông đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ diễn đàn Y Combinator vào năm 2012, sau khi sử dụng ứng dụng để gửi các kiện hàng đến một đối tác của mình.

Trong những ngày đầu, các đơn hàng đến với Instacart nhưng công ty lại không có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng, do đó, chính Apoorva Mehta cũng đã phải tự mình đi giao hàng thông qua các chuyến xe công nghệ Uber.

Instacart đã phát triển ra ngoài phạm vi thành phố San Franciso tới nhiều thành phố và các cửa hàng trên khắp Bắc Mỹ, cộng tác với các hãng tên tuổi như Albertsons, Publix, Kroger và Sam’s Club.

Công ty cũng cho ra mắt dịch vụ vận chuyển đơn thuốc hồi tháng 4 vừa qua, qua đó giúp vận chuyển các đơn hàng từ hơn 200 nhà thuốc của Costco, với tham vọng mở rộng ra tất cả 500 hiệu thuốc của tập đoàn này.

Tính cả vòng gọi vốn mới nhất, đến nay Instacart đã kêu gọi được tổng cộng 2,2 tỉ USD tiền đầu tư từ nhiều quỹ lớn, trong đó có Andreessen Horowitz, Sequoia Capital and Kleiner Perkins.../.

Trần Ngọc/VOV.VN (biên dịch)
Theo Forbes

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-chap-dai-dich-ceo-instacart-van-co-ve-vao-clb-doanh-nhan-ti-do-1062543.vov