Bất chấp đe dọa trừng phạt, Nga - Iran vẫn 'bắt tay' trong nhiều lĩnh vực

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định cứng rắng rằng, Nga và Iran sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế, bao gồm cả cả lĩnh vực năng lượng hạt nhân, bất chấp mọi đe dọa trừng phạt từ Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP.

Cái “bắt tay” cứng rắn

Ngày 24/9, trả lời tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga và Iran bác bỏ nỗ lực của Mỹ nhằm đưa ra lệnh cấm vận vũ khí vô thời hạn đối với Tehran. Hai nước sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế, bao gồm cả cả lĩnh vực năng lượng hạt nhân, bất chấp mọi đe dọa trừng phạt từ Mỹ.

"Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về tình hình xung quanh Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) để giải quyết tình hình xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng, Moscow và Tehran, cũng như toàn bộ cộng đồng quốc tế đều bác bỏ tham vọng của Mỹ về việc áp đặt một số lệnh cấm vận vũ khí vô thời hạn đối với Iran", ông Lavrov cho biết.

"Chúng tôi đã nghe tuyên bố của Mỹ rằng, bất chấp sự phản đối của toàn thể cộng đồng quốc tế, Mỹ sẽ tiến hành từ tiền đề rằng, các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Iran sẽ được khôi phục theo ý muốn của Washington. Những nỗ lực sử dụng các lý lẽ bất hợp pháp này sẽ không có triển vọng thành công", ông Lavrov nói thêm.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi (Nga - Iran) nhất trí tiếp tục triển khai các dự án đầu tư chung lớn, trước hết trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm năng lượng hạt nhân, cũng như giao thông vận tải và hợp tác công nghiệp”.

Nhà ngoại giao Nga cũng xác nhận, Ủy ban Hợp tác Kinh tế và Thương mại Nga-Iran sẽ nhóm họp tại Nga vào cuối năm nay.

Ngoại trưởng Iran Zarif đã đến Moscow, Nga hôm 24/9 để thảo luận về quan hệ song phương, thỏa thuận hạt nhân và các vấn đề khu vực mà hai nước cùng quan tâm.

Mỹ mất ưu thế

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh tin tức Al Arabiya hôm 22/9, Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng, chính sách ngoại giao của Mỹ đang thể hiện không mấy tinh tế trong việc đưa ra các yêu cầu và tối hậu thư, khi người Mỹ đi một mình trong việc khôi phục các lệnh trừng phạt chống lại Iran theo một thỏa thuận từ năm 2015 không còn hợp pháp khi áp dụng.

Ông Lavrov cũng khẳng định: "Không có cái gọi là lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran”. Hội đồng Bảo an LHQ đã tuyên bố, lệnh cấm vận sẽ kết thúc vào ngày 18/10, và "sẽ không có bất kỳ giới hạn nào sau khi thời hạn này kết thúc".

Bình luận của Ngoại trưởng Lavrov xuất hiện sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tuần trước rằng, "hầu hết tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran sẽ có hiệu lực trở lại", bao gồm "việc gia hạn vĩnh viễn lệnh cấm vận vũ khí".

Trong một dấu hiệu hiếm hoi về sự mất đoàn kết giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu, EU đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ, trong đó Trưởng bộ phận đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh rằng, Washington không có quyền đơn phương khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran trên cơ sở thỏa thuận mà họ đã rút khỏi năm 2018.

Chính quyền Trump đã từ bỏ cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân trong Kế hoạch Hành động Toàn diện chung vào tháng 5/2018, giáng đòn trừng phạt vào Tehran bằng các biện pháp trừng phạt với lĩnh vực ngân hàng và năng lượng, đồng thời đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các nước tiếp tục có quan hệ thương mại với quốc gia Trung Đông này.

Đầu năm nay, Washington cũng bắt đầu tìm cách gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran đã được đưa ra vào năm 2010 và dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào tháng tới, theo thỏa thuận hạt nhân.

Hôm 21/9, một chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố, ngoài việc cho phép mua vũ khí từ nước ngoài, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc sẽ cho phép Tehran bán vũ khí của mình ra nước ngoài.

Iran đã đạt được những bước tiến lớn trong việc chế tạo các thiết bị quân sự tiên tiến trong nước trong những năm gần đây như: chế tạo một loạt tên lửa, máy bay không người lái và hệ thống phòng không, bao gồm một hệ thống tên lửa bắn hạ một máy bay không người lái giám sát trị giá 220 triệu USD của Mỹ trên không phận Iran ở eo biển Hormuz vào năm ngoái.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-chap-de-doa-trung-phat-nga--iran-van-bat-tay-trong-nhieu-linh-vuc-508462.html